An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Khai giảng Khóa đào tạo Công tác xã hội trong lĩnh vực nông thôn miền núi năm 2020
03:01 PM 29/09/2020
(LĐXH) - Sáng ngày 28/9/2020, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Trung ương Hội Nông dân, Trường Đại học Lao động - Xã hội và Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức Khóa đào tạo Công tác xã hội (CTXH) trong lĩnh vực nông thôn miền núi năm 2020.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Tham dự có Bà Phạm Thị Hải Hà – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; Ông Đặng Quang Trung – Phó trưởng Bộ môn CTXH, Đại học Lao động - Xã hội; Ông Phạm Duy Lâm – Giảng viên Đại học Lâm nghiệp, cùng các học viên là cán bộ, nhân viên làm việc tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập; Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên cấp huyện, xã một số tỉnh, thành.
Thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 và Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ  giúp xã hội giai đoạn 2016-2020, căn cứ chương trình công tác năm 2020, Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Trung ương Hội Nông dân, Trường Đại học Lao động - Xã hội và Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức Khóa đào tạo CTXH trong lĩnh vực nông thôn miền núi năm 2020. Mục tiêu của Khóa học nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên ngành Lao động - TBXH cấp xã về công tác xã hội trong lĩnh vực nông thôn, miền núi. Khóa học diễn ra trong 40 ngày.
Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại Lễ khai giảng
Nội dung của Khóa đào tạo trang bị những kiến thức chung về công tác xã hội trong lĩnh vực nông thôn, miền núi như: Tổng quan về công tác xã hội; Công tác xã hội trong phát triển cộng đồng tại khu vực nông thôn, miền núi; Những vấn đề của nông thôn, miền núi trong phát triển bền vững; Công tác xã hội với một số nhóm đối tượng đặc thù; Quản lý ca; Nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử và kỹ năng thuyết trình đối với cán bộ công tác xã hội khu vực nông thôn, miền núi; Nâng cao kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng làm chủ bản thân đối với cán bộ công tác xã hội trong lĩnh vực nông thôn miền núi.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề nông thôn, miền núi thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng với đó là các chính sách về phúc lợi xã hội, an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn như trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, đầu tư xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm, tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn, miền núi. Đi cùng với đó là nhận thức, hiểu biết của người dân được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, hạ tầng kinh tế xã hội được tăng cường đầu tư, giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn; bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm, bảo tồn và phát triển; an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Việt Nam hiện có 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, đây là khu vực nảy sinh nhiều vấn đề như: Người nghiện, già hóa dân số, nước sạch, vệ sinh môi trường, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề phòng dịch, rác thải nông thôn... Điều này đòi hỏi vai trò của đội ngũ cán bộ nhân viên CTXH ở cơ sở là rất quan trọng trong việc trợ giúp người dân giải quyết vấn đề cộng đồng của mình.
Hoạt động của công tác xã hội trong phát triển nông thôn, miền núi trong một thời gian dài mới chỉ giới hạn ở việc hỗ trợ thực hiện các chương trình xây dựng mà chưa thực sự có những chiến lược mang tính ngắn hạn, cũng như dài hạn cần được triển khai phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Phương pháp tổ chức công tác xã hội cá nhân, theo nhóm hoặc hộ gia đình có sự hỗ trợ của các Trung tâm CTXH cấp huyện, tỉnh và đội ngũ công tác viên ở các xã, phường, thôn bản... chưa thực sự phát huy được hiệu quả do nguồn nhân lực vừa yếu về trình độ, vừa thiếu về số lượng, cũng như chưa huy động được nguồn lực hiện có của các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức trong thực hiện công tác xã hội.
Để khóa học hiệu quả, Cục Bảo trợ xã hội yêu cầu các học viên nghiêm túc thực hiện nội quy lớp học; tương tác, thảo luận với giảng viên để chia sẻ, thảo luận nội dung khóa học. Sau khóa học, các học viên đáp ứng đủ các yêu cầu, điều kiện sẽ được cấp chứng chỉ hoàn thành Khóa đào tạo Công tác xã hội trong lĩnh vực nông thôn, miền núi./.
Hồng Phượng
 
TAG: Nông Thôn miền Núi Đào Tạo Xã Hội
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công