An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Huyện Pắc Nặm nỗ lực giảm nghèo bền vững
03:08 PM 26/08/2019
Là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, những năm qua chính quyền và người dân huyện Pắc Nặm (Bắc Kạn) đã không ngừng nỗ lực để từng bước xóa đói, giảm nghèo, hạ tầng điện, đường, trường, trạm y tế được đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo bền vững vẫn đang là thách thức không nhỏ đối với huyện vùng cao này.
Còn hơn 40% hộ nghèo
Về thôn Khuổi Trà (xã Cổ Linh) những ngày cuối tháng 6, chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay của bà con người Mông trên vùng đất này. Hướng mắt ra con đường mới làm, chị Ma Thị Hà không giấu niềm vui: Được Nhà nước đầu tư làm đường, nông sản bà con làm ra tiêu thụ dễ dàng hơn. Có đường, trẻ con đi học cũng thuận tiện. Nói chung cuộc sống đã thay đổi nhiều!... Anh Ma Văn Páo, người cùng thôn cho biết: Từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, du canh du cư, bà con giờ đây biết đầu tư vào buôn bán, chăn nuôi trâu bò, một số hộ mở dịch vụ phục vụ cuộc sống hàng ngày… Những cách làm mới chính là hướng đi giúp Khuổi Trà xóa đói, giảm nghèo.

Người dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế
Bí thư Đảng ủy xã Cổ Linh Lường Văn Quận cho biết: Trước đây cuộc sống của bà con rất vất vả; đi lại khó khăn; cái đói, cái nghèo luôn đeo bám. Các căn nhà đều được dựng tạm bợ với tấm ván hoặc tranh tre, không đủ sức chống chọi trong mùa mưa, gió. “Những năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước qua các chương trình xóa đói giảm nghèo, sự thay đổi tư duy của người dân, cuộc sống của bà con đổi thay tích cực. Ở Khuổi Trà hôm nay, việc người dân làm được những căn nhà kiên cố, sắm được tivi, xe máy… đã trở nên phổ biến”.
Như nhiều địa phương khác của huyện Pắc Nặm, Cao Tân giờ đây cũng đã có nhiều thay đổi. Theo Chủ tịch UBND xã Mã Văn Thiếm, khoảng 3 năm trở lại đây, xã xuất hiện nhiều nhà cao tầng, một số hộ sắm được xe máy, máy cày, máy gặt và nhiều trang thiết bị phục vụ sinh hoạt giá trị… Đứng trước ngôi nhà của chị Nông Thị Hiếu (thôn Đuông Nua), ít ai nghĩ chỉ năm trước gia đình chị vẫn là một trong những hộ nghèo. Theo lời chị Hiếu, việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội cùng các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi đã mở ra trang mới cho gia đình chị cũng như bà con nơi đây. Từ 30 triệu đồng vay ban đầu, đầu tư nuôi lợn, dê… mỗi năm gia đình chị thu nhập 50 - 70 triệu đồng.
Những đổi thay ở Cổ Linh hay Cao Tân chỉ là nét chấm phá cho công tác giảm nghèo ở huyện vùng cao Pắc Nặm. Nhớ lại thời kỳ đầu mới thành lập, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Du - người có nhiều năm đảm nhiệm cương vị Bí thư Huyện ủy Pắc Nặm cho biết: Trước đây, Pắc Nặm gặp không ít khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm hơn 70%, nhiều hộ thiếu đói. “Bằng nỗ lực của toàn Đảng bộ, sự chung tay của người dân cộng với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước đã tạo nên những đổi thay đáng mừng. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của Pắc Nặm chỉ còn hơn 40%; tổng sản lượng lương thực có hạt đã tăng gần 200% so với năm 2003, lương thực bình quân đạt hơn 600kg/người/năm”.
Tập trung phát triển nông - lâm nghiệp
Có được thành công về giảm nghèo như hôm nay, theo Chủ tịch UBND huyện Vi Duy Tuyến, là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cụ thể, hàng năm, huyện giao các phòng, ban chuyên môn phụ trách công tác hỗ trợ giảm nghèo các xã. Các xã phân công cán bộ thường xuyên bám cơ sở để tiếp thu tâm tư, nguyện vọng, giải đáp thắc mắc với nhân dân. Trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cùng nhân dân phát triển kinh tế, phổ biến kiến thức kỹ thuật trong canh tác, thay đổi tư duy, tập quán chăn nuôi, trồng trọt, phấn đấu thoát nghèo theo kế hoạch. Cán bộ thuộc các phòng, ban được phân công nhiệm vụ định kỳ hàng tuần báo cáo tiến độ thực hiện, qua đó tháo gỡ ngay khó khăn... Chủ trương giao cho các phòng, ban, đơn vị trực tiếp xuống cơ sở giúp các hộ dân đã tạo ra cú hích hiệu quả trong công tác giảm nghèo, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5 - 6%.
Tuy nhiên, theo ông Tuyến, công tác xóa đói, giảm nghèo ở Pắc Nặm gặp không ít khó khăn. Cùng với việc tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện sẽ lồng ghép nguồn vốn và phát huy nội lực để đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là ở những thôn, bản khó khăn. Đặc biệt, sẽ tập trung mọi nguồn lực, đưa ra giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, tập trung chuyển giao KHKT trong phát triển kinh tế; triển khai hiệu quả các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
“Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển KT - XH của địa phương, thời gian tới huyện mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư về mọi mặt để địa phương có nguồn lực tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND huyện Vi Duy Tuyến kiến nghị.

Diệp Anh
 
TAG: Cây Trồng Chuyển đổi Hộ nghèo
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024