Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Huyện Mai Sơn: Nỗ lực giải quyết việc làm cho người lao động
10:52 AM 22/11/2019
(LĐXH)- Trong năm 2018 triển khai thực hiện Chương trình giải quyết việc làm, toàn huyện Mai Sơn (Sơn La) đã tạo thêm việc làm cho 6.316/2.500 lao động, đạt 253% kế hoạch giao.
Trong lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp, huyện tập trung đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất; chuyển đổi một số diện tích cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc. Chú trọng chỉ đạo chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, nhất là với gia súc ăn cỏ; tổ chức phòng, chống dịch bệnh, phòng chống rét cho đàn gia súc hiệu quả, an toàn đưa tổng đàn gia súc toàn huyện giữ vững và vượt kế hoạch đề ra. Tăng cường công tác tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; tổ chức trồng cây phân tán năm 2018 theo kế hoạch được 6.887 cây các loại. Làm tốt công tác chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, góp phần nâng cao kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Duy trì thực hiện tốt các chương trình, mô hình khuyến nông, qua đó đã tạo mới việc làm cho 1.476/590 lao động, đạt 250% kế hoạch.
Người dân được tạo việc làm, nâng cao thu nhập
Lĩnh vực công nghiệp đã được duy trì góp phần ổn định đời sống cho lao động địa phương. Trong năm 2018, đã tạo mới việc làm ổn định cho 450 lao động, đạt 100% kết hoạch đề ra. Các hoạt động dịch vụ, thương mại được duy trì tốt, hàng hoá đa dạng phong phú, giá cả bình ổn đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân trong huyện; tổng giá trị sản xuất ước đạt 6.071,67 tỷ đồng, tăng 8,65% so với năm 2017. Huyện đã phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội Chợ Xuân huyện Mai Sơn năm 2018, với 80 gian hàng. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng thương hiệu sản phẩm Na Mai Sơn và khảo sát các sản phẩm nông sản để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Công tác quảng bá giới thiệu qua các phương tiện thông tin đại chúng được đẩy mạnh nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của huyện; cung cấp thông tin, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương tới các du khách trong và ngoài tỉnh. Phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Sơn La tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Nhãn, Xoài, Thanh Long tại các siêu thị trong nước; phối hợp với các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia 05 gian hàng tại Hội chợ nông sản an toàn, xuất khẩu tỉnh Sơn La năm 2018 tại huyện Mộc Châu; tham gian gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc, tại Big C Thăng Long; tổ chức gian hàng trưng bày tại Lễ Kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ huyện; 65 năm Ngày giải phóng huyện Mai Sơn…Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa được 992,86 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu 696,275 tấn xoài, giá trị ước đạt 8,702 tỷ đồng. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật. Nhờ triển khai đồng bộ chính sách, trong lĩnh vực thương mại đã tạo thêm việc làm cho 500 lao động, đạt 100% kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm 1.710 triệu đồng, huyện Mai Sơn đã tạo việc làm cho 45 lao động (nguồn bổ sung: 700 triệu đồng, nguồn thu hồi: 1.010 triệu đồng); Nguồn vốn Quỹ việc làm tỉnh 2.106 triệu động tạo việc làm cho 73 lao động (nguồn bổ sung: 800 triệu đồng; nguồn thu hồi:  1.306 triệu đồng). Nguồn vốn Trung ương Hội cấp cho các hội đoàn thể quản lý 1.150 triệu đồng, đã tạo việc làm cho 38 lao động.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn huyện Mai Sơn đã giải quyết việc làm cho 1.990/2.660 lao động, đạt 74,81% kế hoạch. Trong đó: Nông, lâm ngư nghiệp 470/600 lao động, đạt 78,3%; Công nghiệp 405/500 lao động, đạt 81%; Xây dựng 365/450 lao động, đạt 81%; Thương mại và dịch vụ 250/570 lao động, đạt 43,8%; Du lịch 40/50 lao động, đạt  80%;  Xuất khẩu lao động là 10/10 người, đạt 100%; Cung ứng lao động ngoài tỉnh là 230/250 người, đạt 92%; Vốn vay tạo việc làm và các nguồn vốn khác 220/230 lao động, đạt 95,6%.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn huyên Mai Sơn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Công tác tư vấn giới thiệu việc làm còn hạn chế, đặc biệt là cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ngoài nước còn thấp; Việc hỗ trợ lao động học nghề tại cở sở còn nhiều hạn chế, cở sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ người dạy và lao động học nghề; Kinh phí cấp cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu đăng ký của người lao động. Công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề, việc làm còn gặp nhiều khó khăn nhất là vùng sâu, vùng cao. Thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào đầu tư trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được với yêu cầu của nhà đầu tư.
Nguyên nhân chủ yếu là do đa số người dân được tư vấn tham gia lao động trong nước, ngoài nước đều chưa đủ tự tin với việc xa quê hương, gia đình. Làm việc còn theo cảm tính, ngại khó, ngại khổ. Một số chưa tin tưởng vào các doanh nghiệp hỗ trợ việc làm; Việc hỗ trợ người dân ra trung tâm, các điểm tổ chức học nghề còn hạn chế, mặt khác người lao động chủ yếu làm nông nghiệp nên không muốn đi học xa nơi ở nên việc tổ chức đào tạo tại các xã, bản có nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ học tập và giảng dạy. Nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia cấp phục vụ Đề án 1956 còn hạn chế, ngân sách địa phương khó khăn không có khả năng bố trí hỗ trợ cho đề án. Nhiều cấp ủy, chính quyền cơ sở, đơn vị có liên quan chưa thật sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia làm việc trong nước và xuất khẩu lao động. Nhiều người dân còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ trực tiếp của nhà nước, chưa tự giác, chịu khó lao động để tăng thu nhập, thoát nghèo... Hạ tầng, cơ sở của huyện còn hạn chế, diện tích đất quy hoạch phù hợp với nhà máy chưa có. Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, công ty chưa chặt chẽ.
Trong thời gian tới, huyện Mai Sơn đặt mục tiêu chung là giải quyết việc làm cho người lao động, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế nguồn lực tại địa phương, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân và phát triển cộng đồng - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động, chất lượng việc làm và giá trị lao động, đảm bảo phát triển thị trường lao động lành mạnh, tạo việc làm mới, đưa lao động trên địa bàn đi làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, khuyến khích các hình thức tạo việc làm tại chỗ.
Huyện tập trung thực hiện các giải pháp: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về giải quyết việc làm và chương trình giải quyết việc làm bằng nhiều hình thức như hệ thống loa truyền thanh để giúp người lao động, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào chương trình giải quyết việc làm của huyện; Tận dụng mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng nhanh giá trị gia tăng; tăng dần tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp, phát triển các trang trại chăn nuôi gắn với vệ tinh là các hộ gia đình. Nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất; Thực hiện hoàn thành tốt các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật và đào tạo nghề trong năm, đảm bảo nâng cao chất lượng gắn với xây dựng nông thôn mới và giải quyết việc làm sau dạy nghề cho người lao động, đồng thời đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, thị trường lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh tổ chức tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động  khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh tổ chức tuyên truyền, tư vấn, tuyển dụng lao động tại địa phương đi làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh; Khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX mới thành lập hoạt động trong lĩnh vực dệt may, ngành nghề truyền thống có nhu cầu đào tạo nghề cho lao động và thu hút lao động vào làm việc tại doanh nghiệp, phối hợp triển khai các chính sách của nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp, HTX.
Chủ động tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp tổ chức dạy nghề cho người lao động và thu hút lao động làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn huyện; Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người lao động được tiếp cận nguồn vốn vay có ưu đãi thấp, đặc biệt là nguồn vốn vay từ quỹ Quốc gia việc làm. Đẩy nhanh tiến độ thẩm định, giải ngân, hạn chế nguồn vốn tồn đọng; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động, mục đích sử dụng nguồn vốn đảm bảo hiệu quả./.

Hồng Phượng
 
TAG: Công Nghiệp Việc Làm Mai Sơn
Tin khác
Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5
TP.HCM: Hơn 2.600 lượt công nhân được vay vốn lãi suất ưu đãi từ CEP
Nghệ An: Chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động
TP.HCM: Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần