Xã hội
Trang chủ / Xã hội / Xã hội
Huyện Cẩm Mỹ: Được hỗ trợ tiền phát triển kinh tế hơn 600 hộ thoát nghèo
04:30 PM 16/10/2020
(LĐXH) - Giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững (Chương trình Giảm nghèo) của huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ vốn cho hằng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, đến nay toàn huyện đã có 605 hộ thoát nghèo và 1.553 hộ thoát cận nghèo.

Hai vợ chồng anh Trường (ngồi bên phải) tiếp chúng tôi tại căn nhà của gia đình.

Triển khai đồng bộ nhiều chương trình

Theo UBND huyện Cẩm Mỹ, thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đồng Nai về Chương trình Giảm nghèo, hằng năm UBND huyện đã ban hành nhiều Quyết định phê duyệt kết quả điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều. Quyết định bổ sung kinh phí chuyển nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện.

Cụ thể, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH từ đầu năm 2016 đến nay tăng 5.500 triệu đồng. Trong 5 năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Mỹ thực hiện cho vay, thu nợ, dư nợ theo từng chương trình tín dụng như: Chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay 3.127 triệu đồng với 84 hộ vay với mức cho vay bình quân 37,2 triệu đồng/hộ;  Chương trình cho vay hộ cận nghèo, cho vay 47.770 triệu đồng với 1.267 hộ vay, mức cho vay bình quân 37,7 triệu đồng/hộ; Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay 34.661 triệu đồng với 912 hộ vay, mức cho vay bình quân 38,0 triệu đồng/hộ.

 Chương trình còn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, với 2.391 hộ vay, tạo việc làm cho 2.391 người lao động, mức cho vay bình quân 29,97 triệu đồng/hộ với tổng vốncho vay là 71.658 triệu đồng.  Ngoài ra, còn cho vay để làm hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với tổng vốn cho vay là 137.699 triệu đồng với 9.564 hộ vay, mức cho vay bình quân 14,40 triệu đồng/hộ....

Song song đó, UBND Cẩm Mỹ đã Quyết định phê duyệt dự án, thành lập Ban Quản lý dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo và các Quyết định về hỗ trợ hộ nghèo không còn thành viên nào có khả năng lao động theo Nghị quyết số 187/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh Đồng Nai. Trên cơ sở đó, UBND xây dựng kê hoạch và triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều trên địa bàn. Cụ thể, hỗ trợ phát triển sản xuất và đa dạng hóa sinh kế, cho vay đối với hộ nghèo, sinh viên nghèo, gia đình khó khăn,... thực hiện chi trả hỗ trợ đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19.

Anh Trường cho biết, mỗi ngày một chuồng dơi cho thu hoạch được 7-10 kg phân

 Theo UBND huyện Cảm Mỹ, quá trình thực hiện có sự lồng ghép Chương trình giảm nghèo với Chương trình xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện. Trong đó, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, kết quả đến nay đã có 13/13 xã tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều (hay gọi là hộ nghèo A) dưới 1%, góp phần vào việc xây dựng 13/13 xã đạt bộ tiêu chí nông thôn mới. Trong đó: có 4/13 xã đạt Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 01/13 xã đạt Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh. Hiện huyện Cẩm Mỹ đang xây dựng từ 1-3 xã theo bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển hàng hóa nông nghiệp bền vững của Bộ tiêu chí trung ương.

Ngoài ra, Chương trình giảm nghèo còn được lồng ghép với Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956). Trong 5 năm toàn huyện có 260 lao động nghèo, cận nghèo, lao động mới thoát nghèo đã được tham gia học nghề. Người tham gia học nghề áp dụng kiến thức được học vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển ngành nghề nhằm tăng năng suất lao động, mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết thêm việc làm mới.

Điển hình thoát nghèo từ được Chương trình giảm nghèo huyện hỗ trợ vốn phát triển kinh tế nay đã thoát nghèo vươn lên làm giàu có gia đình anh Nguyễn Văn Trường (Ấp 6, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ).

Ông Võ Văn Song- Giám đốc Phụ trách Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cẩm Mỹ (ảnh trước, đang cho dê ăn) đến thăm hộ gia đình nghèo được Chương trình Giảm nghèo cấp vốn và Ngân hàng CSXH cho vay vốn nuôi d

Anh Trường, quê Tiền Giang, lên Đồng Nai lập nghiệp và lấy vợ ở đây. Tổ chức đám cưới xong, được gia đình bên vợ cho mảnh đất đủ cất căn nhà nhỏ, vợ chồng anh xin ra ở riêng. “Vui vì được ra ở riêng, nhưng ruộng không có, vườn cũng không những ngày tới sẽ sống thế nào?. Câu hỏi đó cứ bám trong đầu tôi ngay cả trong giấc ngủ”, anh Trường chia sẻ khi chúng tôi đến thăm mô hình nuôi dơi trời lấy phân của anh.

 Không thể để cảnh gia đình thiếu trước hụt sau. Suy đi tính lại anh Trường bàn với vợ làm đơn gửi UBND xã để vay vốn phát triển kinh tế. Qua xét duyệt, từ những hộ nghèo của Ấp 6 có phương án phát triển kinh tế để thoát nghèo, Chương trình giảm nghèo đã cấp vốn ban đầu cho gia đình hộ anh Trường 10 triệu đồng. Từ nguồn vốn được hỗ trợ ban đầu của Chương trình giảm nghèo, anh Trường vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để phát triển nghề nuôi dơi trời lấy phân. “Đầu tư ban đầu một chuồng nuôi dơi trời tốn khoảng 50 triệu đồng. Nhưng mỗi năm phải thay tổ (làm bằng lá thốt lốt) một lần, mỗi chuồn tốn khoảng 18 triệu đồng/năm. Một chuồng dơi mỗi ngày cho thu hoạch được 7-10 kg phân, với giá bán 70 ngàn đồng/kg. Tính nhanh một tháng gia đình anh cũng có thu nhập 14-15 triệu đồng/tháng”, anh Nguyễn Văn Trường kể,.

Theo bà Phan Thị Hương, Tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn, Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Mỹ, gia đình anh Nguyễn Văn Trường, khi mới định cư ở xã Sông Ray, hoàn cảnh rất khó khăn, được hỗ trợ vốn từ Chương trình giảm nghèo và vay thêm vốn từ Ngân hàng CSXH để phát triển nghề nuôi dơi trời. Từ hộ gia đình nghèo đến nay gia đình hộ anh Trường đã làm được căn nhà khang trang và mua thêm được gần 5 sào đất vườn. Ngoài ra, vợ chồng anh Trường còn mua thêm được 3 sào đất ruộng để nuôi bò và làm chuồng nuôi dơi.

Năm năm có 605 hộ thoát nghèo

Vợ chồng anh Lý Liêu Cỏng, một trong những hộ nghèo đã thoát nghèo nhờ được Chương trình giảm nghèo cấp vốn ban đầu nuôi dê

Theo UBND huyện Cẩm Mỹ, từ năm 2016-2020 huyện đã xây dựng 5 dự án nhân rộng 05 mô hình giảm nghèo nuôi dê sinh sản, có 12 lượt xã có đối tượng tham gia dự án, với 275 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ. Với tổng kinh phí hỗ trợ là 4.489,5 triệu đồn., Trong đó: Ngân sách tỉnh cấp 2.600 triệu đồng; hộ tham gia dự án góp vốn 1.889,5 triệu đồng.

Trong 5 năm hỗ trợ con giống cho 275 hộ nuôi dê sinh sản (bình quân 10 triệu đồng/hộ). Dự án “Hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế”, giai đoạn 2016-2020, do Trung tâm khuyến nông huyện đã thực hiện đầu tư 759 triệu đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo 84 hộ nghèo, cận nghèo xây dựng 20 mô hình nuôi bò, 25 mô hình nuôi dê, 39 mô hình trồng bắp. Dự án cung cấp cây, con giống, tổ chức tập huấn, hướng dẫn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; phương pháp tập huấn là “cầm tay chỉ việc”, các hộ tham gia dự án tuân thủ quy trình, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, từng bước từ bỏ dần thói quen canh tác cũ. Theo UBND huyện Cẩm mỹ, từ các mô hình, dự án của Chương trình Giảm nghèo được triển khai đồng bộ đã hỗ trợ vốn cho nhiều hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và thoát cận nghèo ổn định cuộc sống.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Cẩm mỹ đã giảm từ 1,51% đầu năm 2016 xuống còn 0,64% vào cuối năm 2020, tương ứng còn 216 hộ nghèo B (giảm hết hộ nghèo A) và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 3,91% đầu năm 2019 (Số hộ nghèo cao nhất trong giai đoạn với 1.309 hộ do nâng mức chuẩn nghèo mới vào cuối năm 2018) xuống còn 1,1% vào cuối năm 2020, tương ứng còn 370 hộ cận nghèo. Theo thống kê của huyện Cẩm mỹ, toàn huyện đến nay đã có 605 hộ thoát nghèo và 1.553 hộ thoát cận nghèo.

Được hỗ trợ vốn nuôi dê nhiều hộ nghèo của huyện Cẩm Mỹ đã thoát nghèo bền vững.

Theo UBND huyện Cẩm Mỹ, tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin; góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2025. Thời gian tơi, huyện Cẩm Mỹ tiếp tục lồng ghép chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn liền với Chương trình Giảm nghèo bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện.

Trong đó, tập trung các chính sách: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành./.

Đăng Hải

TAG: Huyện Cẩm Mỹ hỗ trợ vốn cho hàng trăm hộ thoát nghèo; Giảm nghèo ở huyện C
Tin khác
Hỗ trợ hành vi tích cực – hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỉ
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Điện Biên chủ động triển khai nhiệm vụ trong những tháng đầu năm 2024
Đảm bảo thực hiện hiệu quả chế độ, chính sách trong quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Nghệ An: Quan tâm chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ
Sóc Trăng: Thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Ninh Bình: Huy động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững
 Sở LĐ-TB&XH TP.HCM gặp gỡ đối thoại với cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể
Lạng Sơn: Hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo
Bảo hiểm xã hội TP.HCM chuyển trụ sở làm việc về quận 7