Thời sự
Trang chủ / Thời sự / Thời sự
Hợp tác ASEAN giảm thiểu tác động của Covid -19 đến các nhóm dễ bị tổn thương
03:42 PM 11/06/2020
(LĐXH)- Ngày 10/6/2020, đã diễn ra Hội nghị đặc biệt trực tuyến của các Bộ trưởng ASEAN phụ trách Phúc lợi xã hội và Phát triển (AMMSWD) nhằm giảm thiểu tác động của Covid -19 đến các nhóm dễ bị tổn thương.
Hội nghị có sự tham dự của 10 Bộ trưởng phụ trách Phúc lợi và Phát triển xã hội đến từ các nước thành viên ASEAN và Tổng thư ký ASEAN. Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung, Trưởng đoàn Việt Nam chủ trì tại điểm cầu Hà Nội.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội
Đây là sáng kiến do nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với vai trò Chủ tịch AMMSWD đương nhiệm đề xuất và nhận được sự ủng hộ của Việt Nam với vai trò Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN năm 2020.
Covid-19 tác động bất lợi lên các nhóm dễ bị tổn thương
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động  - TBXH Đào Ngọc Dung, khẳng định: Đại dịch covid-19 lan rộng đến toàn cầu từ đầu năm 2020 đã và đang đem đến những thách thức chưa từng có trong tiền lệ về kinh tế, xã hội, y tế với tất cả các quốc gia. Nó đòi hỏi mỗi Chính phủ phải nhanh chóng đưa ra những chính sách và những biện pháp hiệu quả để đảm bảo mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế, an sinh xã hội, đặc biệt đối với những nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Tại Việt Nam, do nhận thức sớm về dịch bệnh, được sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ và sự đồng lòng của nhân dân, đại dịch đã sớm được đẩy lùi và kiểm soát tốt. Tính đến ngày 9/6, đã qua 54 ngày, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cả nước có 332 ca mắc covid-19, trong đó số ca đang được điều trị chỉ còn 16 trường hợp, không có trường hợp nào tử vong. Sau thời gian giãn cách xã hội 3 tuần kể từ ngày 1/4 đến ngày 23/4, Việt Nam đã mở cửa lại các hoạt động kinh tế, xã hội với trạng thái bình thường mới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chào các Bộ trưởng ASEAN
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dịch Covid-19 đã để lại không ít những tác động bất lợi lên các nhóm dễ bị tổn thương, lao động trong khu vực phi chính thức trong đó có rất nhiều người nghèo, người khuyết tật, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động và an sinh xã hội của gia đình họ. Trong 4 tháng đầu năm 2020, có gần 5 triệu lao động tại Việt Nam bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập; trên 80% lao động trong khu vực phi chính thức, đa số là những nhóm yếu thế, không có việc làm do các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động kinh doanh khoảng 1 tháng để thực hiện các quy định về giãn cách xã hội. Ngoài ra, dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng đến lĩnh vực giáo dục, xã hội và y tế.
Trước những tác động của dịch Covid -19, để kịp thời hỗ trợ người dân, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa từng có trong tiền lệ với tổng kinh phí 62.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ đô la Mỹ), hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng. Đây là gói hỗ trợ toàn diện, thể hiện tính nhân văn của Chính phủ trong việc chăm lo tới đời sống người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế với hàng trăm nghìn người như người già, người đau ốm, người giảm sâu về thu nhập, người không có thu nhập ổn định, người lao động đứt bữa… được nhận hỗ trợ trực tiếp.
Bộ trưởng các nước ASEAN tại hội nghị trực tuyến (ảnh chụp màn hình)
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã áp dụng nhiều biện pháp tăng cường các dịch vụ xã hội để ứng phó với dịch bệnh như giáo dục trực tuyến được thúc đẩy; cải cách thủ tục khám chữa bệnh để rút ngắn thời gian chờ đợi và tiếp xúc, tránh nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở khám chữa bệnh… Cùng với những nỗ lực của Chính phủ, các hoạt động hỗ trợ, cùng nhau vượt qua khó khăn cũng nhận được sự hưởng ứng rộng rãi trong cộng đồng với sự tham gia của toàn thể nhân dân và các tổ chức quần chúng với nhiều cách làm sáng tạo.
“Có thể nói, về phương diện sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã thể hiện là một trong những nước đi đầu thế giới và đang tập trung để cũng giải quyết thành công các thách thức về kinh tế, xã hội và thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương” – Bộ trưởng, khẳng định.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Đánh giá về những tác động của dịch Covid-19 đối với các quốc gia trong khu vực ASEAN, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Trong bối cảnh sụt giảm mạnh nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa dịch vụ cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, khi bất ổn kinh tế dẫn theo bất ổn về xã hội tăng lên, chúng ta càng thấy vai trò quan trọng của lưới an sinh xã hội và thực hiện các chính sách xã hội trong từng nước cũng như trong khu vực ASEAN.
Đại diện một số đơn vị liên quan của Bộ lao động - TBXH cùng tham dự hội nghị
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, các nước ASEAN tiếp tục nỗ lực hơn nữa thực hiện Tuyên bố Tăng cường an sinh xã hội trong ASEAN và Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố này; tăng cường hợp tác liên ngành ở cấp quốc gia và khu vực, đặc biệt là giữa các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tài chính, tăng cường các thảo luận chính sách về an sinh xã hội, y tế, giáo dục và tài chính, tăng cường thảo luận chính sách về an sinh xã hội, ứng phó sẵn sàng với những khủng hoảng, thảm họa và dịch bệnh để đảm bảo những người dễ bị tổn thương và bị thiệt thòi không ai bị bỏ lại phía sau.
Hội nghị ghi nhận chia sẻ của các Bộ trưởng ASEAN về những chính sách, chương trình liên quan đến phúc lợi xã hội cũng như các hỗ trợ của từng quốc gia cho người dân, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng bởi tác động của Covid-19. Các nước cũng đề xuất những khuyến nghị về thúc đẩy an sinh và phúc lợi xã hội trong khu vực.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã thảo luận và nhất trí thông qua Tuyên bố chung về giảm thiểu tác động của Covid-19 đến các nhóm dễ bị tổn thương trong ASEAN. Nội dung bản Tuyên bố nhấn mạnh việc đảm bảo an sinh xã hội và tăng cường khả năng phục hồi cho người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương trong và sau đại dịch Covid-19. Cùng với đó các Bộ trưởng AMMSWD sẽ hợp tác chặt chẽ để: đảm bảo tiếp cận kịp thời với an sinh xã hội và phân bổ hợp lý nguồn lực từ quỹ công cho chi tiêu xã hội; bảo vệ quyền, an toàn và nhân phẩm;  đảm bảo sức khỏe và an toàn của các cán bộ công tác xã hội tại các tuyến đầu trong việc ứng phó với đại dịch; tăng cường hợp tác liên ngành ở cấp quốc gia và khu vực; xây dựng các chương trình phục hồi sau đại dịch một cách toàn diện; xây dựng kế hoạch và biện pháp mang tính liên tục, đảm bảo sự hòa nhập của người khuyết tật, có đáp ứng giới, nhạy cảm với lứa tuổi và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; thực hiện các chính sách hướng tới các đối tượng dễ bị tổn thương cũng như giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đối với người già, phụ nữ, đặc biệt là trẻ em.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chúc mừng Tuyên bố chung về giảm thiểu tác động của Covid-19 đến các nhóm dễ bị tổn thương trong ASEAN
Các Bộ trưởng giao cho Hội nghị quan chức cấp cao phụ trách Phúc lợi xã hội và Phát triển (SOMSWD) là cơ quan đầu mối thúc đẩy thực hiện Tuyên bố này cũng như đảm bảo an sinh xã hội và giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đến nhóm dễ bị tổn thương thông qua các hoạt động hợp tác khu vực trong các lĩnh vực liên quan./.

Trần Thắng

TAG: Bộ Lao động - TBXH Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ASEAn hợp Tác hội Nghị trực tuyến các Bộ trưởng Giảm thiểu Tác động dịch Bệnh Covid-19
Tin khác
Đảng ủy Bộ LĐ-TB&XH chính thức tiếp nhận Đảng bộ và đảng viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II
Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp kiểm tra huấn luyện tại Đồng Nai
Tăng cường mối quan hệ hữu nghị, thúc đẩy thực thi pháp luật trên biển
Tin buồn: Đồng chí Trần Thị Thanh Thanh từ trần
Tiếp tục phát huy và lan tỏa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 28 ( khoá XI): Ưu tiên thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng, đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu
Nâng cao chất lượng nghiệp vụ công tác tư tưởng của Đảng
Đồng Nai: Sẵn sàng cho Hội thảo khoa học Trận đánh Trảng Bom ngày 27-4-2024