Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Xây dựng chương trình chăm sóc sức khỏe trẻ em bị ảnh bởi dịch Covid-19
08:01 PM 01/07/2022
(LĐXH) - Ngày 30-6, tại Hà Nội, Cục Trẻ em phối hợp với Unicef tổ chức Hội thảo kỹ thuật xây dựng Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trẻ em di cư giai đoạn 2022-2030.

Tham dự hội thảo có ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em; đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (Unicef), các chuyên gia uy tín hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em của các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, trường đại học, viện nghiên cứu…

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam chia sẻ tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam chia sẻ: “Trong thời điểm dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, với phương châm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các em dừng đến trường nhưng không dừng việc học và tổ chức cho các em học trực tuyến điều đó đem lại sự an toàn cho các em mà vẫn đảm bảo tiến độ kiến thức trên lớp. Tuy nhiên, việc học trực tuyến để lại những hệ quả về sức khỏe tâm thần có nguy cơ gia tăng khi các em vô tình tiếp xúc với những thông tin độc hại trên môi trường mạng.”

Nắm rõ được thực trạng đó, ngày 31-12-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 36/CT-TTg về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, có giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Bộ, nghành các tổ chức liên quan xây dựng chương trình chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch covid-19 trong đó đặc biệt đối tượng trẻ em mồ côi và sức khỏe tâm thần của trẻ.
Chuyên gia về chăm sóc, bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Y Duyên, cho biết: “UNICEF đánh giá cao những cam kết, nỗ lực Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói chung và Cục Trẻ em nói riêng đã xây dựng và hoàn thiện chương trình nhiều ý nghĩa này. Trong quá trình xây dựng chương trình, chúng ta cần lưu ý một số điểm: Thứ nhất, việc xây dựng chương trình phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; thứ hai, cần dựa trên những nguyên tắc, khuyến nghị quốc tế trong đó công ước quốc tế về quyền trẻ em; thứ ba, các giải pháp chương trình cần xem xét trên bình diện tổng thể, có sự lồng ghép với các chương trình đã có, đề án đã ban hành, mang tính chất bổ sung tránh mâu thuẫn các chương trình hiện hành; thứ tư, tăng cường phối hợp liên ngành và các đơn vị liên quan tham gia tích cực để đạt hiệu quả cao trong tiến trình này”.
Mặc dù tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần được báo cáo trong các nghiên cứu tài liệu có sẵn là tương đối thấp, quan điểm chung cho rằng vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội đều đang gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt những đối tượng bị ảnh hưởng lớn là trẻ em và thanh thiếu niên sau khi kết thúc giãn cách đại dịch Covid-19.
Toàn cảnh hội thảo.
Điều phối viên Liên minh Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) bác sĩ chuyên khoa nhi Nguyễn Trọng An chia sẻ: “Việc chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội không thể tách rời với tất cả các hoạt động chăm sóc sức khỏe nói chung. Trong đó, đặc biệt phải chú trọng phòng ngừa, cần có những chính sách phù hợp với trẻ em, các cấp, các ngành cần tập chung công tác sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội với trẻ em.”
Trong khi các dịch vụ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội mới được cung ứng thông qua các trung tâm bảo trợ và công tác xã hội, các bệnh viện tâm thần và các phòng tham vấn tâm lý học đường, độ bao phủ của các dịch vụ này thường tập trung vào những rối loạn tâm thần nặng chứ chưa có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.
Thông qua Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến thảo luận nhằm nâng cao nhận thức của tất cả các đối tượng trong xã hội về sức khỏe tâm thần nói chung và của trẻ em, thanh thiếu niên nói riêng là một việc làm hết sức cần thiết. Để thực hiện những giải pháp đưa ra một cách thiết thực nhất thì cần phải có sự chung tay của toàn xã hội và khung chính sách, phân bổ ngân sách hợp lý và sự hợp tác giữa các ban ngành khác nhau. Với mục tiêu đem lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em và phát triển nền kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tương lai./.

Lê Minh

TAG: Trẻ Em chăm sóc sức khỏe trẻ em ảnh hưởng bởi covid-19 bao
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công