Tiền lương
Trang chủ / Lao động / Tiền lương
Hội thảo về áp dụng mức lương tối thiểu vùng: Đảm bảo hòa lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp
08:54 AM 07/04/2017
(LĐXH) - Cuộc hội thảo “Đánh giá tình hình thực hiện và rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng trên địa bàn Đồng Nai” do Sở Lao động- thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh vừa tổ chức đã thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp. Trong đó, các ý kiến thống nhất cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động, đảm bảo mức sống phù hợp cho người lao động mà vẫn tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.

Trên 62% lao động phải làm thêm giờ

Theo Sở LĐ-TBXH, đến nay toàn tỉnh có 26.000 doanh nghiệp với gần 996.000 lao động. Hầu hết các doanh nghiệp đều áp dụng mức lương tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn chi trả lương tối thiểu vùng cao hơn từ 20 đến 40% so với mức lương tối thiểu qui định của Nhà nước. Chẳng hạn theo Nghị định 153/2016 có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 thì vùng 1 là 3,75 triệu đồng cho khu vực TP Biên Hòa, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu; vùng II là 3,32 triệu đồng cho TX. Long Khánh và các huyện: Định Quán, Xuân Lộc và vùng III là 2,9 triệu đồng áp dụng các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú và Thống Nhất....

Tuy nhiên, theo Liên đoàn Lao động tỉnh, qua khảo vẫn có gần 20% người lao động cho biết mức lương của họ không đủ sống, 72% người lao động phải chi tiêu rất tiết kiệm và mới chỉ 8% người lao động có tiền tích lũy, điều này lý giải nguyên nhân có đến 62% lao động cần phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập.

Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đoàn Văn Đây chia sẻ: “Đời sống của người lao động còn rất khó khăn, tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng mức sống tối thiểu thì rất khó để yêu cầu người lao động làm việc với năng suất và chất lượng cao. Vì thực tế trên, LĐLĐ tỉnh đề nghị tiếp tục cải thiện chính sách tiền lương, tiền thưởng bằng các hình thức điều chỉnh mức lương tối thiểu chung tiếp cận nhu cầu, mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, khắc phục chính sách tiền lương tối thiểu còn thấp hiện nay để đảm bảo tiến trình hội nhập”.

Cùng quan điểm này, chị Nguyễn Thị Cẩm Hường, Đại diện nhân sự công ty Changshin Việt Nam cho rằng, Nhà nước phải có lộ trình phù hợp cho việc tăng lương tối thiểu. Không nên tăng theo thông lệ hằng năm mà lại vào đúng dịp tết nguyên đán sẽ gây khó cho doanh nghiệp. Mặt khác, Nhà nước phải kiểm soát được giá cả tiêu dùng để lương lên thì giá ổn định, người lao động mới thực sự được hưởng lợi. Còn nếu cứ như hiện nay, lương chưa tăng mà giá cả đã tăng trước thì dù có tăng bao nhiêu, người lao động không được hưởng. Bên cạnh đó, Nhà nước phải tăng cường quản lý giá điện, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vấn đề nhà ở...

Xây dựng lộ trình điều chỉnh lương phù hợp

Trao đổi tại hội thảo, ông Lê Đức Vinh, Giám đốc nhân sự, Chủ tịch CĐCS công ty TNHH Fujitsu Việt Nam nhấn mạnh: Việc tăng lương tối thiểu như hiện nay ít nhiều trở thành sức ép cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có mối quan hệ lao động ổn định lâu dài và có mức tăng cao hơn nhưng do quy định của Nhà nước nên doanh nghiệp vẫn phải thực hiện tăng. “Chúng tôi tha thiết nghị Bộ LĐ-TBXH và Tổng LĐLĐ Việt Nam nên kiến nghị để Chính phủ có lộ trình tăng lương phù hợp và quan trọng là kiềm chế được lạm phát, giá tiêu dùng thì tăng lương tối thiểu mới có ý nghĩa, đời sống người lao động mới được nâng lên”, ông Vinh nói.

Nhiều ý kiến của đại diện các nhà máy Tập đoàn Phong Thái, Taekwang Vina, Pousung Vina hay Hwaseung Vina đồng tình kiến nghị phải có lộ trình phù hợp hoặc để doanh nghiệp tự cân đối điều chỉnh đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa. Ông Phạm Quốc Hiển, Tổng giám đốc Tập đoàn Phong Thái cho rằng, hầu hết các nhà máy của tập đoàn đang hoạt động tại Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu hiện đều có mức lương tối thiểu cao hơn so với mức quy định. Chính sự quan tâm của doanh nghiệp với thu nhập và các chính sách phúc lợi tốt của tập đoàn chúng tôi mới giữ chân được trên 57.000 lao động đang làm việc ổn định tại các nhà máy với mức thu nhập bình quân từ 6,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị thay vì tăng lương tối thiểu hằng năm, Nhà nước nên có lộ trình điều chỉnh theo giai đoạn và kìm chế được lạm phát, không tăng giá để lương lên, người lao động được hưởng lương thực sự  và việc điều chỉnh lương mới có ý nghĩa...

Ghi nhận những ý kiến tại Hội thảo, Phó giám đốc sở LĐ-TBXH Phạm Văn Cộng đánh giá cao các doanh nghiệp đã chấp hành tốt các nghị định của Chính phủ về điều chỉnh lương tối thiểu hằng năm. Ông Cộng chia sẻ, thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu thường vào dịp tết nguyên đán nên ít nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, sau hội thảo, Sở LĐ-TBXH sẽ tập hợp ý kiến của doanh nghiệp, đại diện người lao động và các cơ quan quản lý Nhà nước kiến nghị với Bộ LĐ-TBXH trình Hội đồng tiền lương Quốc gia xây dựng lộ trình điều chỉnh phù hợp vừa đảm bảo việc tăng lương tối thiểu vừa tạo thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và người lao động được hưởng lợi thực sự từ việc tăng lương.                                         


N. Trinh

TAG: Hội thảo về áp dụng mức lương tối thiểu vùng bao
Tin khác
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần
Yên Bái phấn đấu giải quyết việc làm cho 20.000 người trong năm 2024
Tai nạn lao động khiến một công nhân khai thác mỏ hầm lò tử vong
TP.HCM: Tỷ lệ giải quyết việc làm và tạo việc làm mới đều tăng
Hà Nam: Triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn lao động