Doanh nghiệp
Trang chủ / Kinh tế / Doanh nghiệp
Hội thảo Trọng tài thương mại và Hòa giải thương mại: Giải pháp giải quyết tranh chấp cho các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản
02:05 PM 18/06/2020
(LĐXH) - Ngày 18/6/ 2020, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC, Đại học Việt Nhật (VJU) và Trung tâm Nghiên cứu hòa bình bền vững (RCSP) thuộc Đại học Tokyo tổ chức Hội thảo Trọng tài thương mại và Hòa giải thương mại: Giải pháp giải quyết tranh chấp cho các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Chương trình được tổ chức tại trụ sở VIAC tại Hà Nội và tiến hành trực tuyến song song trên các kênh thông tin trực tuyến chính thức của VIAC.
Hội thảo diễn ra có sự góp mặt của các các diễn giả là chuyên gia đến từ các hiệp hội và trung tâm giải quyết tranh chấp uy tín của Việt Nam và Nhật Bản như Trung tâm giải quyết tranh chấp quốc tế Nhật Bản (JIDRC), Trung tâm Hòa giải quốc tế Nhật Bản (JIMC), Hiệp Hội trọng tài quốc tế Nhật Bản (JCAA), Hiệp Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cũng như các giáo sư luật, các luật sư đến từ các hãng luật uy tín của Nhật Bản và Việt Nam về trọng tài và hoà giải.
Chương trình được tiến hành theo 03 phiên. Phiên 1 với chủ đề Các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại tại Nhật Bản và Việt Nam từ góc nhìn của quy định pháp luật và thực tiễn được bắt đầu với phần chia sẻ của LS. Nguyễn Mạnh Dũng (Trọng tài viên VIAC, Thành viên Tòa Trọng tài Quốc tế ICC) về các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại tại Việt Nam. Trong bài phát biểu của mình, ông Dũng đã giúp doanh nghiệp tham dự nắm rõ hơn về các cơ chế giải quyết tranh chấp theo Luật đầu tư, Luật thương mại, theo các Hiệp định song phương cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương khác. Trong phần khuyến nghị, ông đặc biệt nhấn mạnh để doanh nghiệp sử dụng hiệu quả các cơ chế giải quyết tranh chấp, việc tăng cường liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức trọng tài hòa giải của Việt Nam và Nhật Bản hay từ các quốc gia khác là vô cùng quan trọng. Đây cũng là nền tảng phù hợp tiến tới thành lập các Nhóm công tác hỗn hợp và các Ủy ban trọng tài liên quốc gia. Tiếp nối chương trình, ông Naiki Ideio, Phó Chủ tịch JIDRC và bà Hiroko Nihei, Phòng đối ngoại của JCAA đã có phần chia sẻ về hoạt động giải quyết tranh chấp bằng các phương thức thay thế (ADR) tại Nhật Bản nói chung và tại các tổ chức này nói riêng, nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam hay chính doanh nghiệp Nhật Bản hình dung được rõ nét hơn bức tranh toàn cảnh về ADR tại quốc gia này.
Ảnh minh họa
Phiên 2 được tiến hành với trọng tâm xoay quay chủ đề Trọng tài và Hòa giải tại Việt Nam – các phương thức tối ưu cho tranh chấp thương mại, lời khuyên của chuyên gia nhằm cải thiện thực tiễn thực thi hợp đồng tại Việt Nam. Trong làm ăn kinh doanh, việc phát sinh các tranh chấp là khó tránh khỏi, bên cạnh việc quản lý và phòng ngừa rủi ro ngay từ giai đoạn đàm phán, soạn thảo hợp đồng, các bên cũng cần chủ động và đưa ra các quyết định phù hợp trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tối ưu cho tranh chấp ngoài mong muốn của mình. Dựa trên thông tin về các lĩnh vực thương mại có sự tham gia đông đảo của các DN FDI Nhật Bản, các DN Nhật Bản tại Việt Nam như lĩnh vực chế biến chế tạo hay hoạt động xây dựng, các chuyên gia đã chia sẻ thông tin cụ thể về tình hình sử dụng ADRs trong một số nhóm hợp đồng – tranh chấp hợp đồng thường gặp trong hoạt động giao thương nói chung giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản như các hợp đồng trong lĩnh vực xây dựng, hợp đồng phân phối, sản xuất, hợp đồng logistics v.v.. doanh nghiệp tham dự có thể đúc rút cho mình các kinh nghiệm sát với thực tiễn hoạt động cũng như có thêm các căn cứ cụ thể cho việc cân nhắc phương thức nào là phù hợp khi có tranh chấp.
Phiên 3: Sáng kiến thành lập Nhóm liên kết về tranh chấp thương mại Việt Nam – Nhật Bản (Hòa giải – Trọng tài) hỗ trợ các tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản. Tại VIAC, Nhật Bản nằm trong nhóm 10 quốc gia có các bên tham gia giải quyết tranh chấp nhiều nhất tại VIAC với các tranh chấp chủ yếu thuộc lĩnh vực mua bán hàng hóa/xuất nhập khẩu, cung ứng dịch vụ, xây dựng và tài chính ngân hàng. Từ thực tiễn, nhu cầu tại Việt Nam và Nhật Bản, VIAC cùng các tổ chức giải quyết tranh chấp tư tại Nhật Bản đã trao đổi và đi đến đề xuất thành lập nhóm liên kết về tranh chấp thương mại tại Việt Nam – Nhật Bản (Hòa giải và Trọng tài). Theo đó, chia sẻ tại hội thảo, ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIAC cho biết các tổ chức trong nhóm liên kết sẽ triển khai các hoạt động hợp tác theo nhiều mức độ khác nhau, đó là: Hợp tác trong Mạng lưới để tổ chức các sự kiện xúc tiến sử dụng trọng tài và hòa giải trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản; Hợp tác trong bổ sung nguồn chuyên gia chất lượng cao, có uy tín vào danh sách các trọng tài viên, hòa giải viên, đề cử thành viên Ban giải quyết tranh chấp, đề cử chuyên gia ...; Nghiên cứu tiền khả thi về việc thành lập Trung tâm giải quyết tranh chấp thương mại Việt Nam – Nhật Bản với tham vọng cộng hợp sức mạnh và uy tín của các tổ chức và phục vụ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản.
Đồng tình với các đề xuất của ông Dương, ông Kazuki Bando, Chủ tịch JCAA cũng đã đưa ra ý kiến đề xuất về sự hợp tác cùng cung cấp các thủ tục giải quyết tranh chấp lựa chọn giữa JCAA và VMC/VIAC. Ông Shiro Muto, Trưởng nhóm pháp chế JCCI và Bà Nguyễn Thu Trang, Phó Ban Pháp chế VCCI cũng đã có ý kiến ủng hộ sự chủ động, sáng tạo của VIAC, VMC, JIMC, JCAA, JIDRC – những tổ chức ADRs nổi bật nhất của VN và NB trong việc kết nối để tận dụng được ưu thế của nhau, bổ sung cho nhau, cùng phục vụ tốt nhất cho DN. Cả hai đại diện đến từ Cơ quan đại diện cộng đồng DN cũng đã đồng ý sẽ hết sức giúp đỡ việc hợp tác nói trên.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam và Nhật Bản luôn là đối tác chiến lược quan trọng của nhau trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác phát triển kinh tế. Trong năm 2019, Nhật Bản là đối tác lớn thứ hai về đầu tư, thứ ba về du lịch và thứ tư về thương mại, với khoảng 4.400 dự án đầu tư tại Việt Nam, tương đương tổng số vốn lên đến gần 60 tỷ USD; kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 40 tỷ USD. Theo báo cáo của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), hiện có khoảng hơn 4.300 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam và khoảng 64% đang có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Điều này chứng minh mối quan hệ kinh tế tốt đẹp giữa hai nước và tiềm năm phát triển lớn trong tương lai.
Năm 2020, nền kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đều đã có những biện pháp hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì nền kinh tế. Hiện tại, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh và thiết lập “trạng tái bình thường mới” để phát triển kinh tế với những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực. Theo đó, mức đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam vẫn duy trì ở mức ổn định với tổng số dự án đăng ký đến hết tháng 04/2020 là 116 và tổng số vốn vào khoảng 1,2 tỷ USD, đứng thứ ba chỉ sau Singapore và Thái Lan; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những nỗ lực kể trên của chính phủ hai nước để duy trì nền kinh tế được đánh giá là rất hiệu quả, tuy vậy, không thể phủ nhận rằng hoạt động kinh doanh thương mại hiện vẫn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19. Cụ thể, ở góc độ vi mô – quan hệ giao dịch giữa các doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng, tiêu thụ bị đứt gãy dẫn tới nhiều giao dịch không được thực hiện hoặc chi phí thực hiện giao dịch bị tăng lên rất cao, đẩy nhiều doanh nghiệp đứng trước các rủi ro pháp lý như đình chỉ hợp đồng, huỷ bỏ hợp đồng hoặc thậm chí là vi phạm hợp đồng, có thể dẫn tới tranh chấp và kiện tụng.
Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, doanh nghiệp quan tâm sẽ có được những thông tin hữu ích về các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại tại Việt Nam và Nhật Bản, quản lý và giảm thiểu rủi ro trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam, từ đó duy trì và phát triển mối quan hệ thương mại giữa doanh nghiệp hai nước.
Thảo Lan
TAG: Hội thảo Trọng tài thương mại và Hòa giải thương mại Giải pháp giải quyết tranh chấp cho các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản
Tin khác
Generali Việt Nam nhận Danh hiệu dẫn đầu về đổi mới sáng tạo và trải nghiệm khách hàng
Amway Việt Nam vinh dự là doanh nghiệp FDI phát triển nền kinh tế xanh bền vững
TikTok Shop ký kết hợp tác thúc đẩy quảng bá hàng Việt và sản phẩm xanh
Sun Life Việt Nam ra mắt ứng dụng /savant/ - tiếp tục hành trình nâng cấp trải nghiệm của khách hàng
Hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia triển lãm SaigonTex & SaigonFabric 2024
Chương trình “TCP – Hành trình vì một Việt Nam xanh” chung sức trồng 2.700 cây xanh tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Chứng nhận hữu cơ EU cam kết toàn diện về thực hành canh tác bền vững mang lại niềm tin cho người tiêu dùng
Đắk Lắk: Cần chung tay để loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng
Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông vì một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững