An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hội thảo chuyên đề y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng ngành Lao động – Thương binh và Xã hội
01:51 PM 17/08/2018
(LĐXH)- Trong 2 ngày (17 - 18/8), tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), Bộ Lao động – TBXH tổ chức Hội thảo chuyên đề y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội. Thứ trưởng Lê Tấn Dũng dự và chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi chủ trì Hội thảo
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội; TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội; ông Darryl Barrett, Giám đốc Kỹ thuật WHO về người khuyết tật; đại biểu đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế; đại diện các Bệnh viện, Trung tâm chỉnh hình phục hồi chức năng thuộc Bộ Lao động - TBXH và các Trung tâm Điều dưỡng người có công, Trung tâm công tác xã hội, cơ sở trợ giúp xã hội của 38 tỉnh, thành phố…
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Lê Tấn Dũng cho rằng: Đất nước ta đã trải qua nhiều năm chiến tranh, lại thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh và những tai nạn, rủi ro về sức khỏe nên hiện nay số người có vấn đề xã hội rất lớn (chiếm hơn 20% dân số). Trong đó, có trên 10 triệu người cao tuổi, 7,6 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 2,783 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; trên 2 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, khoảng 254 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện và hơn 210 nghìn người nghiện ma túy.
TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại Hội thảo
Hiện nay, lực lượng lao động cả nước có khoảng 53 triệu người, trong đó trên 22 triệu làm việc trong khu vực có hợp đồng lao động (50% số này được đóng BHXH và BHYT); khoảng hơn 30 triệu lao động còn lại làm việc trong khu vực phi kết cấu, không có hợp đồng lao động, tự kiếm sống và không tham gia BHXH. Việc khám sức khỏe định kỳ hằng năm mới thực hiện cho 20 - 30% người lao động có BHXH, khám bệnh nghề nghiệp cho 100.000 – 120.000 người lao động có nguy cơ, phát hiện được từ 5.000 – 7.000 người lao động mắc bệnh nghề nghiệp.

Các đại biểu tham dự hội thảo
Trong giai đoạn tới, số lượng và cơ cấu đối tượng thuộc diện được trợ giúp xã hội cần trợ giúp y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng tiếp tục có sự biến động, có xu hướng gia tăng do các nguyên nhân như: già hóa dân số, tình trạng rủi ro do biến đổi khí hậu, hạn hán, ngập lụt, do tác động của môi trường, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, sự tác động của nền kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa…
Ông Darryl Barrett, Giám đốc Kỹ thuật WHO về người khuyết tật chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo 
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết thêm: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chính sách trợ giúp xã hội nhằm chăm lo đời sống các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong đó có Nghị quyết số số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe trong tình hình mới và Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII... Đặc biệt, ngày 16/5/2018, Bộ Lao động - TBXH và Bộ Y tế đã ban hành Chương trình phối hợp số 1883/CTr-BLĐTBXH-BYT về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới nhằm triển khai tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là cho các nhóm đối tượng như: người lao động, người có công với cách mạng, người bị ảnh hưởng bởi hậu quả chiến tranh, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, người tâm thần, người bị nhiễm HIV/AIDS và một số đối tượng khác cần chăm sóc đặc thù; đồng thời, thúc đẩy nâng cao năng lực công tác y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng của ngành lao động, thương binh và xã hội trong thời gian tới.
Giảng viên trao đổi kinh nghiệm về chỉnh hình, phục hồi chức năng
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng đã đề nghị các chuyên gia, giảng viên và đại biểu tập trung vào các nội dung như: hướng dẫn các đơn vị có hoạt động y tế của ngành Lao động – TBXH thực hiện các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh, chỉnh hình, phục hồi chức năng và nâng cao nghiệp vụ y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng cho đội ngũ nhân viên y tế của Ngành; hướng dẫn đào tạo liên tục cho cán bộ y tế, y học gia đình và mô hình bác sĩ gia đình ở Việt Nam, kiến thức về các bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi; hướng dẫn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị của mô hình kiểm soát trầm cảm tại cộng đồng...
Đại diện các đơn vị đề xuất và trao đổi về chỉnh hình và phục hồi chức năng ngành Lao động - TBXH

Chí Tâm

TAG: Hội thảo về y tế chỉnh hình và phục hồi chức năng ngành lao động - TBXH Thứ trưởng Lê Tấn Dũng dự hội thảo y tế chỉnh hình và phục hồi chức năng tại Hội An Quảng nam
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công