Nghiên cứu - trao đổi
Trang chủ / Nghiên cứu - trao đổi / Nghiên cứu - trao đổi
Hoàn thiện pháp luật về thu hồi đất từ thực tế triển khai dự án mở rộng ngõ chùa Liên Phái - Hà Nội
11:35 AM 16/01/2019
(LĐXH) - Sau hơn bốn năm triển khai thi hành Luật đất đai 2013, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã thay đổi rõ nét, hạn chế được tối đa việc thu hồi đất “tùy tiện”, ảnh hưởng lớn đến quyền của người sử dụng đất đã được ghi nhận tại khoản 2, khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013 “Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ” và “Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch”. Bên cạnh những mặt tích cực, trong quá trình triển khai thực hiện Luật đất đai 2013 vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, đặc biệt vướng khi áp dụng Điều 62 Luật đất đai, quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng với nguồn vốn không phải vốn ngân sách nhà nước (NSNN).
Theo khoản 4 Điều 40, Điều 62 Luật đất đai và khoản 4 Điều 9 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định:  Để thực hiện việc Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án quy định tại Khoản 3 Điều 62[1] Luật Đất đai thì HĐND cấp tỉnh phải xem xét thông qua các dự án thu hồi đất đồng thời với quyết định mức vốn NSNN cấp cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trình tự, thủ tục thu hồi đất trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Điều 69, Điều 70 và Điều 71[2] Luật Đất đai năm 2013.
 Quy định của Luật đất đai cho thấy để thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh phải có đồng thời hai điều kiện: một là HĐND cấp tỉnh phải xem xét thông qua các dự án thu hồi đất; hai là HĐND cấp tỉnh phải  quyết định mức vốn NSNN cấp cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Thực tế triển khai, có những dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách hay vốn xã hội hóa muốn thu hồi đất lại gặp khó khăn vì không đáp ứng hai điều kiện trên.
Mở đường giai đoạn 1 còn dở dang và nhà ở sau lấy đất còn lại diện tích siêu nhỏ trước cổng Chùa Liên Phái
Chẳng hạn, đối với dự án mở rộng ngõ Chùa Liên Phái, quận Hai Bà Trưng được thông qua trong Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 02/12/2015 của HĐND thành phố Hà Nội, quy định 4 vấn đề[3]: Dự án vốn ngoài ngân sách; Chủ đầu tư là xã hội hóa; Diện tích của dự án là 0,4 ha;  Dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo bố trí đủ kinh phí phần giải phóng mặt bằng trong năm 2016 (Nghị quyết không nêu dự án chia thành các giai đoạn hay tiến độ đầu tư nên trong năm 2016, chủ đầu tư là xã hội hóa phải bố trí đủ vốn giải phóng mặt bằng có diện tích 0,4 ha). Chính vì dự án không sử dụng vốn NSNN nên khi triển khai đã gặp các vấn đề sau:
Thứ nhất, phải thay đổi chủ đầu tư. Theo Nghị quyết số 13 chủ đầu tư là xã hội hóa thì sẽ khó khăn trong việc lấy đất để thực hiện dự án, nên đến cấp quận đã phải thay đổi chủ đầu tư từ xã hội hóa sang UBND phường[4]. Việc thay đổi thực chất đã không đúng Nghị quyết số 13.
Thứ hai, khó khăn về nguồn vốn thực hiện. Nếu dự án sử dụng vốn NSNN thì trước khi quyết định đầu tư  thường các cơ quan có thẩm quyền đã cân đối được nguồn ngân sách nên đảm bảo tính khả thi cho việc triển khai. Tuy nhiên, với dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách hay vốn xã hội hóa thì việc đảm bảo kinh phí thực hiện chưa có cơ chế cụ thể. Nếu chủ đầu tư không bố trí đủ kinh phí thì dự án không thể thực hiện. Điều này cũng đặt một câu hỏi về tính khả thi của các dự án sử dụng vốn xã hội hóa, nếu như chủ đầu tư cam kết bố trí đủ kinh phí để giải phóng mặt bằng để đưa vào văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý thì khi chủ đầu tư không bố trí đủ kinh phí thực hiện thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải ban hành quy định hủy bỏ hay sửa đổi dự án vì liên quan đến quyền lợi của người có đất bị lấy. Khi đất của người sử dụng bị đưa vào vùng quy hoạch thì khó khăn trong việc thực hiện các quyền về chuyển dịch đất đai do luật định.
Thứ ba, phải thay đổi diện tích dự án. Nếu theo Nghị quyết 13 dự án có diện tích là 0,4 ha và không được phân chia giai đoạn thì đến cấp quận triển khai đã phải tự ý thay đổi chia dự án thành 3 giai đoạn và giai đoạn một chỉ thực hiện dự án với diện tích khoảng 0,1 ha[5]. Vì phân chia dự án thành 3 giai đoạn và không có cơ chế đảm bảo thực hiện dự án bằng vốn xã hội hóa nên nếu dự án không được triển khai thực hiện thì những hộ gia đình nằm trong diện tích quy hoạch mà chưa được triển khai các giai đoạn tiếp theo khi muốn xây dựng mới thì cũng chỉ được cấp phép xây dựng tạm. Theo quy định về cấp phép xây dựng tạm,  khi dự án được triển khai các giai đoạn tiếp sau thì nhà xây dựng tạm bị phá dỡ và không được hưởng quy chế đền bù.
Thứ tư, khó khăn về xác định nguồn vốn ngoài ngân sách hay vốn xã hội hóa có là vốn NSNN không.
Theo Điều 1 Luật NSNN năm 2002[6] quy định “NSNN là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước”. Mặt khác, hiện nay Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, hay Ủy ban thường vụ Quốc hội... chưa có quy định giải thích về nguồn vốn ngoài NSNN hay vốn xã hội cũng là vốn NSNN. Do đó, vốn ngoài ngân sách hay vốn xã hội hóa không phải là vốn NSNN. Chính vì vậy, đối với các dự án được HĐND cấp tỉnh thông qua mà không sử dụng nguồn NSNN sẽ không thể ban hành quyết định thu hồi đất hay quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
Thứ năm, khó khăn về xử lý các quyết định thu hồi đất đã thực hiện việc thu hồi đất của các hộ gia đình mà chưa đủ căn cứ để ban hành. Trong năm 2016, 2017, 2018[7] UBND quận Hai Bà Trưng đã ra các quyết định thu hồi được khoảng 90% diện tích dự án và trả tiền đền bù theo khung giá nhà nước quy định. Tuy nhiên, vì quyết định chưa đủ căn cứ pháp lý để ban hành nên không thể tiếp tục ban hành quyêt định khác để thu hồi nốt phần diện tích còn lại của các hộ dân cũng như hiện nay cũng chưa có cơ chế hay hướng giải quyết đối với các quyết định thu hồi đất đã ban hành không đúng luật.
Để khắc phục những tồn tại vướng mắc trên của dự án  thu hồi đất không sử dụng vốn NSNN thì theo tác giả cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, Luật NSNN cần bổ sung quy định vốn ngoài NSNN hay vốn xã hội hóa cũng là vốn NSNN. Hoặc Luật đất đai cần sửa đổi lại theo hướng quy định cơ quan có thẩm quyền được ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách hay vốn xã hội hóa.
Hai là, Luật cần quy định cho phép UBND cấp huyện có thẩm quyền điều chỉnh Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh với các dự án thu hồi đất (như điều chỉnh về chủ đầu tư, điều chỉnh về diện tích đất thực hiện dự án, điều chỉnh về các giai đoạn thực hiện dự án...)
Ba là, Luật cần bổ sung quy định cho phép áp dụng hiệu lực hồi tố hợp thức hóa các quyết định đã ban hành không đủ cơ sở pháp lý của UBND cấp huyện. Đặc biệt có quy định cụ thể về hiệu lực hồi tố cho các quyết định thu hồi đất của UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành và đã được thực hiện trong năm 2016, năm 2017 trong dự án mở rộng ngõ Chùa Liên Phái./.
Trần Văn
 


[1] Khoản 3 Điều 62 quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

[2] Điều 69. Trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Điều 70. Cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc

Điều 71. Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất

[3] Khoản 1 Điều 1 và Biểu tổng hợp số 02 Danh mục các dự án thu hồi đất năm 2016 trên địa bàn  thành phố ban  hành  kèm theo Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 02/12/2015 HĐND thành phố Hà Nội thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2016.

 

[4] Quyết định số 1717/QĐ-UBND ngày 13 tháng 4 năm 2016 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016 quận Hai Bà Trưng.

[5] Quyết định số 605/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

[6] Vì Nghị quyết 13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2016  nên vẫn  áp dụng quy định của Luật NSNN năm 2002. Luật NSNN  năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.

[7] Quyết định số 604/QĐ-UBND ngày 13/3/2017 của UBND quận Hai Bà Trưng về việc thu hồi 64,25 m2 đất của 04 hộ gia đình, cá nhân tại phường Cầu Dền để thực hiện dự án xây dựng, mở rộng ngõ chùa Liên Phái.

Quyết định số 4012/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất (thu hồi 15,31m2 đối với ông Đỗ Khởi và bà Dương Thị Luật thửa đất số 438(1f), tờ bản đồ số 6H-IV-22 tại số 28 ngõ Chùa Liên Phái) (dựa trên Quyết định thu hồi đất số 3573/QĐ-UBND ngày 28/9/2016 của UBND quận Hai Bà Trưng).

Quyết định số 4013/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất (thu hồi 12,2m2 đối với bà Nguyễn Thị Tuyết và các thừa kế của ông Nguyễn Viết Cương thửa đất số 472A, tờ bản đồ số 6H-IV-22 tại số 9 ngõ Chùa Liên Phái) (dựa trên Quyết định thu hồi đất số 3573/QĐ-UBND).

 Quyết định số 4014/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất (thu hồi 11,32m2 đối với bà Lê Thị Thanh Hà thửa đất số 463, tờ bản đồ số 6H-IV-22 tại số 27 ngõ Chùa Liên Phái), (dựa trên Quyết định thu hồi đất số 4069/QĐ-UBND ngày 19/10/2016 của UBND quận Hai Bà Trưng).

 

TAG: thu hồi đất ngõ Chùa Liên Phái Luật đất đai
Tin khác
Một số vấn đề giáo dục hướng nghiệp người lớn
Xác định tư cách pháp lý chủ thể doanh nghiệp trong thực tiễn hành nghề công chứng
Quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế
Hội thảo 'Kinh nghiệm của các nước về phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền và bài học cho Việt Nam'
Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại các cấp địa phương
Trách nhiệm của thanh niên khi tham gia không gian mạng
Kinh tế xanh ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức
Môi trường làm việc an toàn và lành mạnh là quyền cơ bản của người lao động
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay