Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Hỗ trợ hơn 100 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao năng lực cộng đồng, cải thiện cuộc sống qua các sáng kiến phát triển
05:15 PM 05/01/2022
(LĐXH) Dự án “Nâng cao năng lực cộng đồng trong các sáng kiến phát triển” với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chính phủ Ai Len đã mang lại những thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của hơn 100 nghìn người dân tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số và vùng miền núi khó khăn tại tỉnh Hà Giang, Kon Tum và Quảng Trị.
Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, Hà Giang, Kon Tum tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Nâng cao năng lực cộng đồng trong các sáng kiến phát triển” do chính phủ Ai Len tài trợ tại 3 tỉnh.  Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Đông Hà,  tỉnh Quảng Trị và kết nối với các điểm cầu Hà Giang, Kon Tum và Hà Nội, với sự tham gia của hơn 100 đại biểu từ các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, người dân tham gia dự án, các tổ chức phi chính phủ và Đại sứ quán Ai Len (nhà tài trợ của dự án).
Được triển khai thực hiện tại 231 thôn thuộc 8 huyện là các địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại 3 tỉnh Kontum, Quảng Trị và Hà Giang, là những khu vực khó khăn nhất tại Việt Nam, từ cuối năm 2017, dự án “Nâng cao năng lực cộng đồng trong các sáng kiến phát triển” với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chính phủ Ai Len đã mang lại những thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của người dân.   

Người dân thôn Phú An, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị chung sức xây dựng sân nhà cộng đồng

831 sáng kiến cộng đồng về các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ trẻ em, dinh dưỡng, nước sạch vệ sinh môi trường mang lại thay đổi cho hơn 100.000 người dân, trong đó 55% là nữ và 8% là người khuyết tật.  Dự án đã đào tạo nâng cao năng lực cho 27 ban giám sát cấp xã và 231 ban phát triển thôn và các nhóm cộng đồng về phương pháp phát triển cộng đồng, giám sát đánh giá, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng viết báo cáo, quản lý tài chính, kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, thúc đẩy bình đẳng giới, …
Bà Nguyễn Thị Loan, người dân tại xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần tỉnh Hà Giang) tâm sự: “Tham gia vào dự án này, chị em phụ nữ chúng tôi được họp, được tham vấn, được nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, chúng tôi đã chọn sáng kiến làm đường và nhóm hộ”.
Theo ông A Tét, trưởng thôn Dak Ang, xã Dak Ting, Kon Tum: “Hoạt động dự án là nhân dân cùng làm, sau này khi đưa vào sử dụng, nếu có rủi ro, hỏng hóc gì, nhân dân sẽ cùng nhau tự đóng góp để sửa chữa”.
Điều đặc biệt quan trọng là phương pháp tiếp cận Phát triển cộng đồng dựa vào nội lực (ABCD) đã được đối tác đón nhận và nhân rộng ra các địa bàn khác trong huyện và tỉnh. Tỉnh Quảng Trị đã nhân rộng phương pháp tiếp cận đến 22 xã còn sử dụng nguồn lực Chương trình135, nay là Chương trình Mục tiêu Quốc gia  Phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong toàn tỉnh, Kon Tum đã nhân rộng đến 8 xã, Hà Giang cũng đã giới thiệu đến 7 huyện khác với tổng số 193 xã.
Theo bà Hồ Thị Minh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị: “Phương pháp ABCD đã được áp dụng trong Dự án đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng tại các xã thuộc Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, mở rộng phạm vi đến toàn bộ các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Các hoạt động thực hiện dự án đã được cộng đồng đóng góp mọi nguồn nội lực vốn có, bền vững; tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân và là cơ sở để đảm bảo nguồn lực địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025."
Phát biểu tại hội thảo tổng kết Dự án, bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Tác động Chương trình và Đối tác, tổ chức Plan International chia sẻ: Chiến lược quốc gia 5 năm lần thứ 5 của tổ chức Plan hướng tới 2 triệu trẻ em gái có thể học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển. Để đạt được mục tiêu này, sự tham gia của người dân, cộng đồng vào các sáng kiến do người dân làm chủ sẽ là một nền tảng cơ bản để tạo ra sự thay đổi lâu dài cho cuộc sống của người dân, giúp hiện thực hóa Quyền trẻ em và Bình đẳng giới tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi.”
Cũng tại sự kiện, ông Tô Ngọc Anh – Cố vấn cao cấp về Phát triển bền vững của Đại sứ quán Ai Len,  đại diện cho nhà tài trợ cho biết: “Các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức để phát triển. Trong 15 năm qua, chính phủ Ai Len đã phối hợp với chính phủ Việt Nam và các tổ chức phát triển như Plan để hỗ trợ cho các sáng kiến phát triển cộng đồng. Những kết quả tích cực của dự án đã được các đối tác và các bên liên quan đánh giá cao. Phương pháp phát triển cộng đồng dựa vào nội lực (ABCD) đã được đối tác đón nhận và nhân rộng ra các địa bàn khác trong huyện và tỉnh. Chúng tôi rất mong trong thời gian tới sẽ được tiếp tục hợp tác với Chính phủ và các tổ chức phát triển để triển khai các sáng kiến tại cộng đồng có tính thiết thực và có tác động to lớn như mô hình này.”.
Thảo Lan
 
TAG: Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao năng lực cộng đồng sáng kiến phát triển Hà GIang quảng Trị KON TUM Tổ chức Plan International Việt Nam Dự án Nâng cao năng lực cộng đồng trong các sáng kiến phát triển
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024