An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hiệu quả vốn vay trong giảm nghèo tại xã Trà Giáp...
02:43 PM 24/05/2022
(LĐXH) - Xã Trà Giáp (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) thuộc xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Tính đến thời điểm 31/12/2021, toàn xã có 906 hộ, 3.654 nhân khẩu, số hộ nghèo 754 hộ, tỷ lệ 83,22%, trong đó: hộ nghèo là người đồng bào DTTS 749 hộ, chiếm tỷ lệ 99,34%.
Nhờ nguồn vốn vay, nhiều hộ nghèo đã được đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi ổn định cuộc sống
Tổng dư nợ vay nguồn vốn tín dụng chính sách tính đến 30/4/2022 là 31.879 triệu đồng, với 657 hộ vay, xã không có nợ quá hạn, tập trung chủ yếu là chương trình cho vay hộ nghèo 20.834 triệu đồng, với 484 hộ vay, chiếm tỷ lệ 65% tổng nguồn vốn. Dư nợ bình quân 48,5 triệu đồng/hộ.
Chất lượng tín dụng chính sách toàn xã luôn đạt trên 99,5 điểm, chất lượng hoạt động 13 Tổ TK&VV luôn xếp loại tốt hằng năm. Trả lãi, huy động tiết kiệm qua tổ đều hằng tháng và đạt số dư tiết kiệm trên 4,2% so với dư nợ. Bên cạnh việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách cho nhân dân trên địa bàn, UBND xã luôn quan tâm đến việc chỉ đạo rà soát đối tượng thụ hưởng, lập danh sách đối tượng thụ hưởng, khảo sát nhu cầu vay vốn cũng như kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, chỉ đạo Ban giảm nghèo xã, trưởng thôn, Tổ TK&VV tăng cường trách nhiệm trong việc triển khai tín dụng chính sách, đôn đốc hộ vay trả nợ, trả lãi, phối hợp với NHCSXH đề nghị xử lý rủi ro cho hộ vay kịp thời khi họ gặp rủi ro khách quan.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã lan tỏa đến từng nhà, từng nóc ở những nơi xa xôi nhất, tạo điều kiện cho người nghèo có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi chủ động phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo bền vững.
Theo đánh giá của UBND xã Trà Giáp, có được kết quả trên là do xã luôn bám sát vào chỉ đạo của Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện để quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Hằng năm làm tốt công tác rà soát, xác nhận đối tượng vay vốn, nắm bắt và đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Lãnh đạo xã luôn trăn trở, suy nghĩ tìm mọi cách để tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là hộ nghèo chủ động trong việc vay vốn và tổ chức sản xuất, sử dụng vốn thật sự hiệu quả, có như vậy mới bảo tồn được nguồn vốn, người dân mới có cơ hội thoát nghèo. Hiện nay, UBND xã thường xuyên chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã, các trưởng thôn phối hợp với 04 Hội đoàn thể nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền và xét chọn các đối tượng phù hợp để thực hiện các chương trình tín dụng trong gói phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 theo Nghị quyết 11 của Chính phủ và cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1: 2021-2025 theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Cùng với đó, phải đảm bảo tăng trưởng quy mô tín dụng phải gắn liền với chất lượng tín dụng. Để giải quyết được vấn đề này thì cần phải làm tốt ngay từ khâu bình xét cho vay, chỉ đạo các thành phần có liên quan như Tổ trưởng, Thôn trưởng, các Hội đoàn thể phải kiểm tra thật kỹ đối tượng vay vốn trước khi trình UBND xã phê duyệt. Ngoài ra, ngày 9 hằng tháng tổ chức họp giao ban với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tại điểm giao dịch xã để trực tiếp nắm tình hình, chỉ đạo giải quyết những tồn tại phát sinh. Đối với những hộ chây ỳ trong việc trả nợ gốc, lãi mà các Hội đoàn thể không giải quyết được, sẽ mời lên UBND xã để trực tiếp xử lý. Cuối năm tổ chức tổng kết để nắm kết quả hoạt động trong năm, đồng thời khen thưởng cho Hội, Tổ trưởng làm tốt để gây dựng phong trào thi đua. Chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tiếp cận với việc sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao, những hàng hoá mang tính đặc thù của địa phương, cùng với đó tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, bổ sung kiến thức, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh quy trình sản xuất với liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Chỉ đạo xây dựng Ban quản lý Tổ thật sự tâm huyết, có năng lực, có khả năng tuyên truyền vận động tốt. Người Tổ trưởng Tổ TK&VV là hạt nhân trong hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương, ngoài việc làm tốt vai trò trong việc quản lý vốn người Tổ trưởng còn phải là người làm gương trong việc sử dụng vốn hiệu quả và hướng dẫn cho bà con cách thức làm ăn.
 Ngoài ra, xã cũng tăng cường công tác chỉ đạo 4 Hội đoàn thể nhận ủy thác là Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn TNCSHCM thực hiện tốt các công việc trong Văn bản liên tịch đã ký kết với NHCSXH huyện, đồng thời trực tiếp xử lý các trường hợp tồn tại phát sinh trong Tổ do Hội đoàn thể mình quản lý, hằng tháng báo cáo lại cho đồng chí Chủ tịch trong phiên họp giao ban.
 Với sự quan tâm chỉ đạo, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy được hiệu quả, nhiều hộ nghèo sau khi mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn vay hiệu quả đến nay đã khá lên, làm được nhà của khang trang, lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, điển hình như hộ Trần Văn Tuyên (thôn 2) vay 80 triệu đồng, hiện có trên 10 ha keo, 05 con trâu, 03 con bò; hay hộ ông Nguyễn Văn Côi (thôn 5) vay 90 triệu, đã trồng được 02 ha quế, 04 ha keo, nuôi 04 con bò, 03 con trâu…
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chương trình tín dụng chính sách trong thời gian tới, xã Trà Giáp thường xuyên bám sát vào các Nghị quyết của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện và các văn bản hướng dẫn của NHCSXH để cụ thể hoá trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện, trong đó tập trung: Rà soát các nhóm đối tượng thụ hưởng các chính sách, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt và gửi NHCSXH huyện làm căn cứ để cho vay đảm bảo đối tượng thụ hưởng theo quy định. Tiếp tục thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát hoạt động uỷ thác của các Hội đoàn thể nhận uỷ thác, hoạt động của các Tổ TK&VV; kiểm tra, giám sát và hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả; giới thiệu, bình xét cho vay đúng đối tượng thụ hưởng từng chương trình tín dụng, tổ chức họp bình xét vay vốn để đảm bảo việc thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước được công khai, minh bạch, hiệu quả và dân chủ trong quá trình triển khai thực hiện nhằm hạn chế các tiêu cực phát sinh./.

Hồng Phượng
 
TAG: Giảm nghèo Tín Dụng Quảng nam
Tin khác
 Nữ Bí thư Chi đoàn tận tâm với hoạt động tín dụng chính sách
Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo và giám sát đánh giá
Ninh Bình: Tăng cường công tác trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội
Tháo gỡ vướng mắc trong số hóa chi trả an sinh xã hội cho người dân
Nâng cao công tác truyền thông về BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng mới Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về người khuyết tật
Trà Vinh: Một số kết quả trong công tác lao động, người có công và xã hội tháng 2/2024
Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin