An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách xã hội ở huyện Thanh Trì
01:59 PM 26/10/2020
(LĐXH) – Thời gian quan, cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên toàn huyện chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới, Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Là một huyện ven đô nằm ở phía đông nam thành phố Hà Nội, Thanh Trì có diện tích tự nhiên 6.292,7 ha, dân số 274.347 người. Những năm qua, huyện tập trung phát huy tiềm năng và thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Về thương mại, dịch vụ, Thanh Trì sẽ kêu gọi các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu, xây dựng các khu phức hợp (nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn, siêu thị, khu vui chơi, giải trí...), các bến bãi tập kết nhằm khai thác vị thế đầu mối giao thông của thành phố. Đối với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện tiếp tục duy trì các cụm công nghiệp, làng nghề, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ, đồng thời xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề tập trung theo quy hoạch, đưa các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra ngoài khu dân cư. Về nông nghiệp, thủy sản, huyện tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, có chất lượng cao. Cùng với đó, Thanh Trì sẽ chuyển đổi mạnh mẽ các mô hình sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa, củng cố phát triển các vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch: Vùng sản xuất rau an toàn, vùng nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi bền vững theo hướng an toàn sinh học, vùng trồng lúa chất lượng cao.
Thời gian qua, cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên toàn huyện chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới, Ngân hàng CSXH huyện kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Thậm chí, không ít hộ sau khi thoát nghèo đã phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TƯ, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, số cho vay của Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện đạt 456.563 tỷ đồng, với 20.750 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn toàn huyện được vay vốn; qua đó giúp hàng trăm gia đình ổn định đời sống...
Nguồn vốn tín dụng CSXH đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở xã Tân Triều có nguồn vốn phát triển kinh tế
Xã Tân Triều là một điểm sáng trong thực hiện hoạt động ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy, chính quyền xã Tân Triều đã nhận thức rõ rệt về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng CSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, nhất là về địa điểm, thời gian đối với các buổi làm việc tại điểm giao dịch xã. UBND xã Tân Triều bố trí 1 điểm giao dịch, thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm... phục vụ các đối tượng ngay tại xã vào ngày 18 hàng tháng. Chính sự thuận lợi về phương thức vay vốn, lãi suất ưu đãi, đã khiến hoạt động tín dụng chính sách là điểm tựa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Tiêu biểu như Hộ gia đình anh Nguyễn Huy Giáp, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều cũng được tổ chức Hội Nông dân xã giúp đỡ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để kinh doanh, mở cửa hàng sơ chế nhựa. Đến nay, mỗi năm thu nhập của gia đình anh đạt hàng trăm triệu đồng. Anh Giáp chia sẻ: “Trước đây tuy tìm được hướng phát triển kinh tế, nhưng thiếu vốn nên mọi dự định của gia đình tôi đành phải gác lại. Nhờ được Hội Nông dân xã tạo điều kiện giúp vay vốn lãi suất thấp thuận lợi, kịp thời, nay gia đình tôi đã thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững”.
Hay anh Đỗ Đình Đăng sinh ra trong một gia đình khó khăn ở thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, cha mất sớm, tài sản duy nhất cha để lại cho mẹ là 03 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Kỳ tuyển sinh ĐH năm 2013, Đỗ Đình Đăng  đỗ vào Học viện Quân y Hà Nội. Đăng nhớ lại: “Có quá nhiều phân vân lúc đó, nhưng thực sự gia đình tôi nghèo, mẹ lại hay đau ốm. Cả nhà không có ai làm trong ngành y tế, nên mỗi lần nhà có ai bệnh là bao khó khăn chồng chất. Còn một điều nữa là ba tôi đã mất vì bệnh nan y. Sau khi cân nhắc, tôi chọn ngành Y”. 5 năm học với bao khó khăn, nhưng nhờ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, mỗi năm được vay 10 triệu đồng. Anh đã có điều kiện để theo học và tốt nghiệp Học viện Quân y. Hiện anh đã trở thành một bác sỹ, được làm công việc mà mình yêu thích và dành tâm huyết tại Bệnh viện Thận Hà Nội.
Có thể khẳng định, 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW  đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức tư tưởng và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể trong việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách xã hội cũng như hoạt động của Ngân hàng NSXH. Bên cạnh đó, nguồn vốn nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH huyện cũng chuyển biến rõ rệt. Nếu như trước khi có Chỉ thị 40, nguồn vốn tín dụng chính sách nhân dân xã Tân Triều được vay là gần 12,6 tỷ đồng, thì từ khi có Chỉ thị đến nay, tổng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương đến hết 30/9/2019 đạt gần 22,8 tỷ đồng tăng hơn 10 tỷ đồng; có trên 2 nghìn lượt khách hàng được vay từ nguồn vốn tín dụng Chính sách xã hội, đã giúp 549 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nguồn vốn phát triển kinh tế; tạo việc làm cho 245 lao động; góp phần xây dựng trên 200 công trình nước sạch và công trình vệ sinh. Với 06 chương trình tín dụng chính sách đang chuyển dịch trong đời sống và đặc biệt là chất lượng tín dụng của xã không có nợ quá hạn, đó là sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể cũng như Tổ trưởng  Tổ tiết kiệm và vay vốn đã phối hợp nhịp nhàng cùng Ngân hàng CSXH triển khai có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Đảng và Chính phủ đối với người nghèo.
Có thể nói, công cuộc giải quyết việc làm, phát triển kinh tế của xã Tân Triều đang có những bước tiến vững chắc, các tổ chức Hội với mạng lưới là các tổ vay vốn đã và đang tiếp tục chung tay nâng cao cuộc sống người dân, trong đó tiêu biểu là nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, tổ chức cho hội viên vay vốn, đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thực hiện các công trình nước sạch vệ sinh môi trường, chăm lo học hành cho thế hệ trẻ từ nguồn vay vốn học sinh, sinh viên...., qua đó, góp phần chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, hoàn thành các tiêu chí để xã Tân Triều đủ điều trở thành phường trong thời gian tới.
Chợ Quang là chợ lớn nhất của xã Thanh Liệt, nơi đây tập trung hơn 400 hộ sản xuất kinh doanh các mặt hàng từ quần áo, vải vóc đến thực phẩm tươi sống… tạo thu nhập cao cho người kinh doanh tại đây. Ngày 31/3/2018, không may, chợ đã bị cháy đã thiêu rụi hơn 100 sạp hàng của các tiểu thương; tuy không gây thiệt hại về người nhưng ước tính đã gây hàng tỷ đồng tài sản của các hộ kinh doanh.
Ngân hàng CSXH huyện đã giúp các tiểu thương Chợ Quang có nguồn vốn để ổn định kinh doanh
Nhận được thông tin trên, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện Thanh Trì, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Trì đã tham mưu UBND huyện sử dụng nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang NHCSXH huyện năm 2018 là 500 triệu đồng để cho các tiểu thương vay vốn khắc phụ hỏa hoạn. Cùng với nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã được UBND huyện phân bổ đến xã Thanh Liệt, ngay sau thời điểm hỏa hoạn, Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp với UBND xã, hội đoàn thể nhận ủy thác đã giải ngân cho vay được 15 tiểu thương có hộ khẩu thường trú tại xã Thanh Liệt với số tiền 50 triệu đồng đồng/hộ, tổng số tiền cho vay là 600 triệu đồng. Số tiền vay trên đến đúng thời điểm tiểu thương cần, và đã phát huy hiệu quả được đồng vốn vay.
Nói về vốn vay, Chị Lê Thị Ánh Hồng – thôn Nội  cho biết, bản thân chị có 3 kiot quần áo trong chợ, vừa mới nhập toàn bộ hàng mới trong ngày hôm trước, dự kiến bán trong mùa hè, nhưng sau một đêm đã bị thiêu ra thành tro hết. Được sự giúp đỡ của các cấp, ngân hàng chính sách xã hội, ban dân chính thôn, sự vào cuộc của BCH đoàn xã, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nội, chị được vay 50 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm, chị đã đầu tư sửa chữa và nhập hàng mới về bán. Đến nay, cửa hàng chị lại đầy ắp hàng hóa, mẫu mã phong phú, mang lại thu nhập ổn định cho chị từ 5 – 7 triệu đồng/tháng, và chị đang là hộ vay biết sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả, là tấm gương cho các hộ dân trong thôn, xã học tập làm theo.
Không chỉ chị Lê Thị Ánh Hồng mà các tiểu thương được vay vốn khác cũng vui mừng và cảm ơn nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với họ kịp thời, đúng lúc, giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn, dần ổn định lại việc buôn bán, kinh doanh.
Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng CSXH huyện Thanh Trì đã góp phần quan trọng, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương thời gian qua. Từ các chương trình tín dụng CSXH giai đoạn 2016-2020, huyện Thanh Trì đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,54% năm 2015 đến nay còn 0,35%, đời sống của người dân được nâng lên và diện mạo nông thôn mới ngày càng đổi thay, khởi sắc./.
Nguyễn Thị Hiền
TAG: vốn chính sách xã hội Thanh trì bao
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công