An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hiệu quả chính sách giảm nghèo ở Thuận Châu (Sơn La)
04:01 PM 28/09/2020
Diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống của người dân, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng cao từng bước được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo, có cuộc sống ổn định và được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Đó là những kết quả nổi bật mà Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đem lại cho người dân trên địa bàn huyện Thuận Châu.
Hằng năm, huyện Thuận Châu giao các chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể đến từng địa phương để triển khai thực hiện; các ngành là thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của huyện chủ động phối hợp, triển khai các chính sách về giảm nghèo đến các đơn vị phụ trách, các xã, thị trấn; kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo. Tận dụng tối đa các nguồn lực trong công cuộc giảm nghèo, như: Thực hiện các mô hình khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật; tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân nhận khoán bảo vệ rừng để được hưởng phí chi trả dịch vụ môi trường rừng; hỗ trợ và khuyến khích người dân thực hiện các dự án trồng cây sơn tra, sa nhân, cây ăn quả... Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ được công khai dân chủ từ cơ sở, lấy ý kiến từ các bản, người dân, lựa chọn, bình xét theo thứ tự ưu tiên nên nội dung đầu tư, hỗ trợ cơ bản đúng đối tượng theo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân và được người dân tham gia hưởng ứng. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao, dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Năm 2018, toàn huyện có 6.923 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 18,63% (giảm 0,13% so với năm 2017); 14.825 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 39,98% (giảm 5,05% so với năm 2017).
Hộ nghèo ở xã Chiềng Ly (Thuận Châu) được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để phát triển chăn nuôi.
Tại các xã vùng cao của Thuận Châu, như: Long Hẹ, Co Tòng, Pá Lông, Co Mạ, các chương trình, dự án giảm nghèo đã tạo động lực để đổi thay diện mạo cuộc sống của đa số đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng chí Bạc Cầm Cảm, Phó Chủ tịch UBND xã Co Mạ, cho biết: Các chính sách, dự án giảm nghèo đã phát huy hiệu quả. Thông qua các chính sách hỗ trợ trực tiếp, các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là những công trình phục vụ đời sống dân sinh, như: Giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà cộng đồng... đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống của người dân. Từ nguồn vốn các chương trình giảm nghèo bền vững, nhiều hộ gia đình trong xã được hỗ trợ chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng xoài, sa nhân... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm qua các năm, năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo 72,84% thì đến năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 68%, tính đến hết tháng 6 năm 2019, tỷ lệ này giảm xuống còn 60,3%.
Bên cạnh việc triển khai, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là ý thức, sự nỗ lực vươn lên của người nghèo. Nhiều hộ nghèo không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và tự vươn lên thoát nghèo. Điển hình là hộ gia đình anh Quàng Văn Ngọc, bản Bó Nưa, xã Chiềng Ly, là hộ nghèo lâu năm; năm 2015, gia đình anh Ngọc được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thuận Châu, đầu tư trồng cỏ, nuôi bò nhốt chuồng, đến nay gia đình anh đã trả hết nợ, còn dư một khoản tiền làm vốn sản xuất và thoát khỏi diện hộ nghèo từ năm 2018.
Năm 2019, huyện Thuận Châu ban hành Kế hoạch thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo tại các xã, bản đặc biệt khó khăn nâng cao năng lực sản xuất, tạo việc làm cho người nghèo. Việc lựa chọn vật nuôi, cây trồng, xây dựng các mô hình sinh kế giảm nghèo được xuất phát từ nhu cầu cộng đồng, hộ nghèo. Các dự án, mô hình phù hợp với nhu cầu, điều kiện và khả năng sản xuất của các hộ tham gia, phù hợp với quy hoạch, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của địa phương gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh từng vùng. Mục tiêu năm 2019, huyện Thuận Châu sẽ hỗ trợ thực hiện 27 dự án về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/dự án.
Trong thời gian tới, huyện Thuận Châu tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp về nhận thức, thể chế, chính sách, công tác tổ chức thực hiện và nguồn lực; xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo tiếp cận và tham gia; hỗ trợ các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao, quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
PV
TAG: Hộ nghèo Chính Sách Tín Dụng sản xuất
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024