An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Hải Phòng: Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về tai nạn lao động
10:46 AM 12/06/2022
(LĐXH) - Xác định công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLÐ) là nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (NLÐ), những năm qua, các cấp công đoàn thành phố Hải Phòng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho NLÐ… Qua đó, góp phần thúc đẩy việc sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Kiểm tra công tác ATVSLĐ tại một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố
Hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLÐ 2022 (tháng 5) với chủ đề tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Ban Thường vụ LÐLÐ thành phố quyết tâm tổ chức nhiều hơn các hoạt động có ý nghĩa vì NLÐ. Theo kế hoạch, cùng với hàng loạt chuỗi hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần NLÐ, các cấp công đoàn thành phố tổ chức các hoạt động truyền thông về ATVSLÐ; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thanh, kiểm tra công tác ATVSLÐ trên địa bàn.
Theo đánh giá của Sở Lao động - TBXH, với sự quan tâm chỉ đạo, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ, điển hình như: Công ty TNHH Tân Thuận Phong có địa chỉ tại km8 quốc lộ 5, xã Nam Sơn, huyện An Dương. Doanh nghiệp này hiện đang hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, chất thải thông thường và sản xuất kim loại màu. Trong những năm gần đây, đơn vị đã xử lý hàng ngàn tấn chất thải công nghiệp cho Hải Phòng và doanh nghiệp các tỉnh lân cận; góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường của khu vực. Bên cạnh đó, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động trong và ngoài thành phố. Hiện tổng số người lao động của doanh nghiệp là 187 người, không sử dụng lao động là người nước ngoài, người tàn tật, sử dụng 19 lao động quá tuổi lao động. Mức lương bình quân khoảng 8.000.000 đồng/người/tháng, có phụ cấp độc hại cho tất cả công nhân viên 200.000đồng/người/tháng. Công ty thực hiện đóng đầy đủ 100% BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động. Hàng năm, Doanh nghiệp đều thực hiện khám sức khỏe định kỳ và tổ chức tập huấn về an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ công nhân viên. Sau khi kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp và hồ sơ liên quan, Đoàn kiểm tra của Sở Lao động - TBXH đã ghi nhận doanh nghiệp cơ bản chấp hành tốt việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực việc làm, an toàn, vệ sinh lao động.

Nhiều doanh nghiệp thực hiện nghiêm các chính sách về ATVSLĐ
Thực hiện Chương trình hành động số 76-Ctr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế thành phố được dự báo tiếp tục bứt phá với tốc độ cao. Nhiều doanh nghiệp lớn, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến trên thế giới chính thức đi vào sản xuất tại địa phương. Lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, công nghiệp sản xuất ô tô, may mặc, xây dựng, nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục phát triển mạnh. Nhiều dự án, công trình xây dựng trọng điểm của thành phố tiếp tục được triển khai nhanh. Do nhu cầu lao động ngày càng gia tăng, lực lượng lao động chưa qua đào tạo, lao động nông thôn tiếp tục được các doanh nghiệp tuyển dụng và sử dụng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang được hội nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, các công nghệ tự động hóa được áp dụng sâu rộng. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa sâu rộng các hoạt động dịch vụ về an toàn, vệ sinh lao động dễ dẫn tới chất lượng cung cấp các dịch vụ này bị ảnh hưởng do cạnh tranh không lành mạnh.
Với những thuận lợi đồng thời cũng là những thách thức về công tác an toàn, vệ sinh lao động, đòi hỏi công tác quản lý, thực hiện an toàn, vệ sinh lao động phải có nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, triển khai có hiệu quả nhằm đạt mục tiêu để ra, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Cùng với đó, thành phố đề nghị các tổ chức Công đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới phương pháp tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn trong việc tham gia xây dựng chính sách và pháp luật liên quan đến người lao động; chăm lo quyền và lợi ích chính đáng của công nhân. Các doanh nghiệp thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc để chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, đảm bảo môi trường an toàn cho người lao động. Đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh trên tinh thần “Sản xuất an toàn, an toàn để sản xuất”.
Công tác đảm bảo ATVSLĐ, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người và sự phát triển trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Do đó, quan tâm đến ATVSLĐ cũng có nghĩa là quan tâm trực tiếp đến sức khỏe người lao động, đó là tài sản quý giá của doanh nghiệp và xã hội.
Cũng theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành, công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng. Có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người và sự phát triển của mỗi cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như hộ gia đình. Vì vậy, quan tâm đến an toàn, vệ sinh lao động cũng có nghĩa là quan tâm trực tiếp đến người lao động, tài sản của doanh nghiệp và xã hội. Phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra, đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, của nền kinh tế tỉnh nhà./.

Minh Anh
 
 
TAG: an toàn Chính Sách lao động
Tin khác
Hơn 6.000 việc làm tại Ngày hội việc làm Trường Đại học Công Thương
Đắk Lắk: Nhiều hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024
Quảng Ninh: Quan tâm tạo việc làm cho người lao động
Lạng Sơn: 3.500 lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2024
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm