Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Hải Phòng: Không sót, lọt trường hợp người có công được hỗ trợ xây, sửa nhà ở
02:54 PM 18/11/2019
(LĐXH)- Hải Phòng là địa phương được Chính phủ ghi nhận, biểu dương trong thực hiện Quyết định số 22 nhờ có cách làm chủ động, sáng tạo trong thực hiện chính sách này.
Ông Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng khẳng định: “Việc chăm lo, tri ân người có công với cách mạng nói chung, hỗ trợ người có công về nhà ở nói riêng được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố xác định cần làm ngay, làm kịp thời, không chờ đến khi có đủ điều kiện, bởi người có công mỗi năm một giảm đi. Sự quan tâm kịp thời, nhất là hỗ trợ về nhà ở có ý nghĩa thiết thực nhất khi người có công còn sống”. 
Do đó, những năm qua các cấp ủy, chính quyền thành phố Hải Phòng đã có nhiều cố gắng triển khai nhanh chóng, kịp thời; huy động sự tham gia của các cấp, các ngành có liên quan và cơ bản đã thực hiện tốt Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 63 của Chính phủ và đều thống nhất nhận định, đây là chính sách an sinh xã hội quan trọng, giúp cải thiện về nhà ở cho người có công với cách mạng được tốt hơn. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là Hải Phòng không để sót lọt hộ gia đình chính sách không được nhận hỗ trợ theo Quyết định 22; địa phương nào để xảy ra tình trạng sót lọt thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành thăm, tặng quà ông Nguyễn Xuân Hòa cán bộ tiền khởi nghĩa, phường Thành Tô, quận Hải An
Thực tế triển khai Quyết định 22 cho thấy, do số lượng người có công cần hỗ trợ về nhà ở lớn, kinh phí Nhà nước hỗ trợ có hạn (40 triệu đồng/hộ xây mới nhà; 20 triệu đồng/hộ sửa chữa nhà), do vậy để hộ người có công có được ngôi nhà vững chắc, việc huy động nhiều nguồn lực, cùng sự nỗ lực của các đối tượng là hết sức quan trọng. Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố, giai đoạn đầu thực hiện Quyết định 22, nguồn kinh phí do ngân sách Trung ương cấp (80%) chậm tiến độ. Do đó thành phố Hải Phòng đã chủ động ứng trước bằng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ cho các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ nhưng chưa được cấp kinh phí, một số địa phương huy động sự tham gia của cộng đồng và từ các nguồn khác để hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình nhằm nâng cao chất lượng nhà ở.
Đối với các hộ gia đình được hỗ trợ, ngoài kinh phí được Nhà nước hỗ trợ đã tự bỏ thêm kinh phí hoặc huy động thêm nguồn hỗ trợ bằng tiền, vật liệu, nhân công... từ người thân, họ hàng, cộng đồng để nâng cao chất lượng nhà ở. Nhờ vậy, đến hết năm 2018, thành phố có hơn 10.700 hộ người có công đã hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà (đạt hơn 80% số hộ).
Đến nay, theo Quyết định 22/QĐ-TTg, Hải Phòng đã triển khai hỗ trợ được 02 đợt cho 9.894 hộ (gồm 4.883 hộ xây mới; 5.001 hộ sửa chữa), tổng kinh phí 295,540 tỷ đồng/362,74 tỉ đồng (trong đó 80% kinh phí Trung ương, 20% kinh phí thành phố). Một số quận, huyện làm tốt công tác này là Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Lê Chân, Hồng Bàng, Hải An, Thủy Nguyên…
Lực lượng quân đội hỗ trợ sửa nhà ở cho người có công (Ảnh minh họa)
Sau khi có Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ (kinh phí thực hiện do các địa phương chủ động bố trí từ nguồn ngân sách hàng năm và nguồn kinh phí hỗ trợ khác để thực hiện), trên cơ sở quy định của Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 32/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố về cơ chế chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ gia đình người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Nghị quyết bắt đầu thực hiện từ năm 2019, Hải Phòng là điểm sáng trên cả nước về chính sách riêng của thành phố đối với  người có công về hỗ trợ cải thiện nhà ở.
Theo Nghị quyết số 32/2018/NQ-HĐND, kinh phí thực hiện 100% nguồn ngân sách địa phương; tiêu chí về đối tượng và điều kiện nhà ở, quy trình thẩm định, phê duyệt danh sách, mức hỗ trợ bằng tiền thực hiện như Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Điểm khác biệt của Nghị quyết số 32/2018/NQ-HĐND là bên cạnh việc hỗ trợ bằng tiền như mức của Quyết định số 22, thành phố hỗ trợ thêm vật liệu xây dựng là xi măng và gạch chỉ cho các hộ xây mới, sửa chữa nhà ở (hộ xây mới: 5,9 tấn xi măng/hộ, 14.000 viên gạch chỉ/hộ; hộ sửa chữa bằng 50% hộ xây mới: 2,95 tấn xi măng/hộ, 7.000 viên gạch chỉ/hộ).
Tại hội nghị, nghe báo cáo triển khai thực hiện hỗ trợ đối với người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 32 của HĐND thành phố vào cuối tháng 10/2019, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu: Đối với Nghị quyết số 32, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất để người có công tiếp nhận vật liệu, hướng dẫn thực hiện thủ tục xây dựng. Với những vướng mắc từ cơ sở, các ngành, địa phương báo cáo UBND thành phố để kịp thời giải quyết./.
Hồng Minh
TAG: quyết định 22 nhà ở Người có công
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công