Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Hà Nội: Trường ngoài công lập “đau đầu” với tuyển sinh đầu cấp
09:22 AM 02/05/2018
Thời điểm nộp hồ sơ tuyển sinh vào các lớp đầu cấp phổ thông gồm mầm non, lớp 1, lớp 6 đang đến gần. Đây cũng là lúc nhiều trường phổ thông ngoài công lập (trường tư thục) cũng đang "đau đầu" tính toán tới phương án tuyển sinh trong năm 2018, nhất là về tính tự chủ trong tuyển sinh.
Các trường tư thục cần được tự chủ tuyển sinh
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho biết: “Hệ thống giáo dục tư thục đã có những đóng góp tích cực quan trọng cho Nhà nước. Nhà nước cũng đã có chính sách xã hội hóa giáo dục để trường ngoài công lâp ra đời hơn 30 năm nay. Trường tư thục cũng được thanh tra, kiểm tra, tham gia thi đua như trường công lập”.
Tuy nhiên, bà Hiền cũng nêu rõ, khó khăn lớn nhất của các trường tư thục là dù được tự chủ về tài chính, nhân sự nhưng đến nay vẫn chưa được tự chủ tuyển sinh.
“Điều kiện để trường ngoài công lập tồn tại là phải có điều kiện cơ sở vật chất (CSVC) và tuyển được học sinh. Nếu chúng tôi biết được năm học tới có bao nhiêu học sinh nhập trường thì có thể chuẩn bị CSVC. Nếu sát nút thời điểm tuyển sinh mới biết con số nộp hồ sơ thì trường không thể tự chủ về CSVC.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch HĐQT Trường Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch HĐQT Trường Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.
"Với những trường khó khăn trong tuyển sinh mà phải tuyển cùng ngày với trường công lập, các trường tư thục không biết năm tới họ có học sinh đăng kí hay không mà chuẩn bị CSVC. Với trường Đoàn Thị Điểm thì không quá khó, vì chưa năm nào trường tôi đáp ứng đủ nhu cầu của phụ huynh. Năm 2017, trường chỉ giải quyết được 500/1.500 đơn xin học tại trường của phụ huynh”, bà Hiền dẫn giải.
Cũng theo đại diện Trường Đoàn Thị Điểm, việc tuyển sinh trường tư thục song song với trường công sẽ khó khăn cho phụ huynh. Bởi, việc chọn trường cho con là một việc làm tốt. Việc này tùy thuộc vào dân trí của phụ huynh. Chúng ta không nên phê phán phụ huynh chọn trường, họ có quan tâm đến con em họ thì mới tìm trường.
“Nếu đúng quy định của Sở, tới đầu tháng 7 chúng tôi mới được tuyển sinh thì phụ huynh sẽ gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm ngày 11/7 mới biết trường mình không nhận thì con họ sẽ học ở đâu. Chính cái này gây khó nhiều hơn cho phụ huynh chứ không phải là các trường tư thục.
Tôi rất mong lãnh đạo Sở GD&ĐT và UBND TP Hà Nội cần tạo điều kiện để chúng tôi có được một quy trình, báo cáo để tuyển sinh trước thời điểm tuyển sinh của các trường công lập”, bà Hiền gửi gắm.
Cần nhìn nhận đúng vai trò của trường tư thục
Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), tuyển sinh lớp 6 trước đây chỉ xét tuyển, hiện nay đã cho phép xét tuyển kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực đối với các trường có đông hồ sơ đăng kí là điều hợp lý.
Đối với các trường tư thục, khó khăn về quy định thời gian tuyển sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu cuối tháng 6, đầu tháng 7 mới được tuyển.
Ông Hòa nhấn mạnh: “Trường tư cần tuyển sinh sớm hơn, nhất là lớp 1, lớp 6 mà muốn vào trường tư thục. Nếu không được vào thì phụ huynh còn phải tìm trường khác. Nếu ở trường tư mà không được tuyển sinh sớm mà trong khung như trường công thì không đúng đặc thù của trường tư, rất khó tuyển sinh.
Nếu trường tư tuyển sinh cùng thời gian với trường công sẽ vô tình tạo ra sự ồ ạt, đông đúc, xếp hàng. Trường tư cần tuyển sinh trước giãn ra để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh thì sẽ tốt cho học sinh. Tuy nhiên, nếu làm như thế thì các trường tư bị mang tiếng "vượt rào" và có thể sẽ bị Sở GD&ĐT phê.
Các trường được tự chủ mọi thứ mà không được tự chủ về tuyển sinh. Trong khi chỉ có tuyển sinh được thì mới tồn tại được. Cần tự chủ về thời gian và phương thức tuyển sinh thì mới được”.

Ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch HĐQT Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch HĐQT Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hòa cũng cho biết, các trường tư thục có ưu điểm ở chỗ: Các trường Tiểu học - THCS là bán trú, một số trường THPT cũng bán trú. Thời gian học của học sinh có nhiều hơn nên nhà trường sẽ có thể giãn chương trình ra.
Trường tư thục coi trọng phát triển toàn diện, phát triển nhân cách, không gây áp lực nhiều cho học sinh, môi trường giáo dục thân thiện và quan tâm đến học sinh. Nhiều trường tư thục còn có điểm vượt trội so với trường công lập, phù hợp với chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng, Nhà nước.
Về vấn đề học phí trường tư thục thường rất cao, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, học phí của các trường tư thục thu cao mới đúng.
Nếu trường công lập thu học phí đủ thì cũng phải cao như vậy, nhưng họ có Nhà nước đầu tư. Còn tư nhân tự đầu tư tiền của nhiều thì không thể có kiểu nhà tranh tre nứa lá 50 - 60 em/lớp được, mỗi lớp chỉ khoảng 20 học sinh.
“Ở Hà Nội, các trường tư thục có những mức học phí khác nhau. Đây là điều hợp lý. Nếu nói trường tư chủ yếu chỉ dành cho đối tượng học sinh "con nhà giàu" là không đúng. Bây giờ xã hội phát triển, đồng lương cơ bản cũng đã thay đổi. Các gia đình lo đến sự phát triển trong tương lại thì sẵn sàng đầu tư 30 - 50% thu nhập để lo cho con đi học. Tôi cho đây là quan điểm hoàn toàn đúng đắn.

Học sinh vào lớp 1 của Trường tiểu hoc Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.
Học sinh vào lớp 1 của Trường tiểu hoc Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.
Các trường gọi là "chỉ dành cho con nhà giàu" ở Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các trường tư thục không phải chỉ dành riêng cho học sinh "con nhà giàu". Trường tư là những trường dành cho những người không muốn áp lực học tập cao, muốn con mình phát triển toàn diện, hình thành được nhân cách và phát triển những năng lực cần thiết để trở thành công dân của thế kỉ thứ 21. Chứ không phải là chạy theo thành tích”, ông Nguyễn Văn Hòa cho hay.
Có một thực tế là có nhiều học sinh là con em những gia đình thu nhập bình thường từ tỉnh lẻ mà không có suất học ở trường công rất khó khăn, buộc lòng những gia đình này phải cho con học trường tư. Nhưng trường tư lại học phí quá cao, không đủ khả năng chi trả của phụ huynh.
Về điều này, ông Hòa cho biết: “Các trường tư ở Hà Nội cũng có nhiều mức học phí khác nhau. Có trường dành cho con nhà thu nhập trung bình. Ví dụ trường mầm non chỉ thu khoảng 800.000 đồng/HS/tháng; trường tiểu học thu đến 2 triệu đồng/HS/tháng; trường THPT khoảng 700.000 đồng/HS/tháng. Có những trường đầu tư nhiều đến hàng chục tỉ, trăm tỉ đồng thì họ phải thu lại thông qua con đường học phí, gia đình nào chấp nhận thì cho con vào học. Về mặt chất lượng, đa số trường tư họ vẫn đảm bảo và quan tâm đến giáo dục toàn diện và quan tâm đến từng học sinh. Đấy là đặc điểm của các trường tư thục”.

Theo tienphong.vn


TAG: ngoài công lập Tuyển Sinh bao
Tin khác
Công bố quyết định thành lập trường Cao đẳng Huế
TP.HCM: Nâng cao chất lượng GDNN đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế
684 học viên các trường Bộ Công an hoàn thành huấn luyện đầu khóa
Trường Cao đăng Quảng Nam ký biên bản hợp tác toàn diện với Trường Đại học Thái Bình Dương
Hội GDNN TP.HCM: Tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai hoạt động năm 2024
Trường Đại học Lao động - Xã hội ký kết các Biên bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo
Trương Cao đẳng Y tế Tiền Giang: Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển
Thành phố Hồ Chí Minh: Trên 20 cơ sở GDNN tham gia tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh tại Ngày hội “Hướng nghiệp - Tuyển sinh” lần 12
Chọn nghề trong thời đại 4.0