Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Hà Nội: Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài Nhà nước
04:15 PM 23/04/2021
(LĐXH) - Sáng ngày 23/4, tại Hà Nội, Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Đây là hoạt động ý nghĩa của tổ chức Công đoàn Thủ đô hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; chào mừng kỷ niệm 135 năm ngày Quốc tế lao động 1/5, ngày hội của giai cấp công nhân và người lao động trên toàn thế giới.
Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội
Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng về chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn Thành phố, từ đó đưa ra được những đề xuất, kiến nghị, dự báo phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Liên đoàn Lao động Thành phố khóa XVI về: “Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước”, xác định những mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp đối với hoạt động công đoàn cơ sở trong thời gian tới.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đang quản lý chỉ đạo 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với tổng số 8.899 công đoàn cơ sở và 608.630 đoàn viên. Trong đó, Công đoàn doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước là 5.480 công đoàn cơ sở; với 413.728 đoàn viên (chiếm 61,5% số công đoàn cơ sở và 67,9% tổng số đoàn viên công đoàn toàn Thành phố).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Phi Thường - Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố nhìn nhận: Xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở vững mạnh là vấn đề mà tất cả các cấp Công đoàn đều hết sức quan tâm, coi trọng; công đoàn cơ sở có mạnh, thì tổ chức Công đoàn mới mạnh; từ đó mới có đủ vị thế để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ cốt lõi của mình
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Lê Đình Hùng phát biểu tại hội thảo.
Trong thời gian qua, công đoàn doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động làm mục tiêu tập hợp, thu hút và hoàn thiện phương thức hoạt động. Đồng thời, tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, theo hướng thiết thực, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, đại diện tập thể người lao động tham gia xây dựng các nội quy, quy chế của doanh nghiệp, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế khen thưởng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phi Thường cho rằng, bên cạnh những thành tích đạt được, công đoàn doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như, chậm đổi mới, chưa theo kịp với đòi hỏi từ nhu cầu thực tiễn và kỳ vọng của số đông người lao động. Nhiều nơi chưa tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn đó là đại diện và bảo vệ.
Báo cáo tại Hội thảo, ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội, cho biết: Thời gian qua, Liên đoàn lao động TP Hà Nội phối hợp Sở LĐ -TB&XH, BHXH, Thanh tra Thành phố… thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp Luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Luật An toàn, vệ sinh lao động từ 200 đến 250 đơn vị, doanh nghiệp/năm, phối hợp giải quyết các vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Năm 2020 và đầu năm 2021, dịch bệnh khiến trên 165.000 công nhân lao động mất việc làm, thiếu việc làm, phải nghỉ luân phiên, thu nhập giảm sút. Liên đoàn lao động TP Hà Nội đã xây dựng  kịch bản ứng phó sớm với diễn biến phức tạp của dịch bệnh có thể xảy ra và có các giải pháp hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Ông Vũ Hồng Quang - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 
Tại Hội thảo, bà Phan Thị Thu Hằng, Chủ tịch Liên đoàn lao động quận Long Biên cho rằng, thương lượng tập thể được coi là chìa khóa giúp giảm thiểu và giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng. Một bản thỏa ước lao động tập thể có chất lượng sẽ là công cụ quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động và giải quyết các mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể vẫn chưa thực sự được cả người sử dụng lao động và người lao động quan tâm, vẫn còn nhiều hạn chế và ít nhiều hình thức
Đây là nguyên nhân khiến quan hệ lao động tại các doanh nghiệp chưa thực sự ổn định và quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo, nhất là liên quan đến lương, thưởng, chính sách đãi ngộ. Các cấp công đoàn chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như việc thực hiện thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể ở các doanh nghiệp... đảm bảo có lợi hơn cho người lao động so với quy định của luật.
Ông Trịnh Quốc Cường, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Dệt 10/10 cho rằng, về quy định nguồn thu của công đoàn cơ sở từ 2 nguồn chính đó là đoàn phí do đoàn viên công đoàn đóng và từ phần trích của doanh nghiệp, nhưng với 2 nguồn thu này thì công đoàn cơ sở cũng không đủ nguồn lực tài chính để lo cho các hoạt động.
Toàn cảnh hội nghị
Phát biểu tại Hội thảo Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cơ bản hệ thống quy định của pháp luật về Công đoàn nói chung và công đoàn cơ sở nói riêng đều tương đối đầy đủ về cơ chế, chính sách cho công đoàn nói chung và công đoàn cơ sở nói riêng, góp phần cho tổ chức, hoạt động của hệ thống Công đoàn phát huy hiệu quả thời gian qua.
Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn không phải chỉ là bảo vệ quyền lợi của đoàn viên mà là bảo vệ quyền lợi của toàn thể 54 triệu lao động, cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi đã đề xuất một số định hướng, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước. Trong đó, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần thí điểm thành lập công đoàn cơ sở ghép trong các đơn vị có dưới 25 đoàn viên; nghiên cứu, hướng dẫn đổi mới mô hình tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp có trên 2000 lao động khu vực ngoài nhà nước; Nghiên cứu sửa đổi quy định về nhiệm vụ của công đoàn cơ sở phù hợp với từng loại hình đơn vị, doanh nghiệp và theo hướng giảm những nhiệm vụ không liên quan trực tiếp đến chức năng đại diện của công đoàn trong phạm vi quan hệ lao động.
Khánh Quyên
 

 

TIN LIÊN QUAN
TAG: Liên đoàn Lao động Hà Nội công đoàn doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước LĐ -TB&XH BHXH
Tin khác
Hơn 6.000 việc làm tại Ngày hội việc làm Trường Đại học Công Thương
Đắk Lắk: Nhiều hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024
Quảng Ninh: Quan tâm tạo việc làm cho người lao động
Lạng Sơn: 3.500 lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2024
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm