Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Hà Nội không ngừng phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
09:16 AM 02/08/2022
(LĐXH)- TP Hà Nội đã tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả của hệ thống Sàn giao dịch việc làm; xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về thị trường lao động và việc làm tại mỗi quận, huyện, thị xã; chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên; nâng chất lượng công tác dự báo để chủ động chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu, xu thế phát triển...
Một chương trình tư vấn việc làm cho học sinh phổ thông, do TTDVVL Hà Nội tổ chức

Tạo nhiều việc làm mới
Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định “tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19", những tháng đầu năm 2022, Sở LĐTB&XH đã tham mưu UBND thành phố thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động nên tạo được nhiều việc làm mới, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tăng cao. Thị trường lao động được ghi dấu bởi sự phục hồi và phát triển mạnh từ tháng 3, khi thành phố đã dần thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 với phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả 6 tháng đầu năm, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 118.853/160.000 lao động. Trong đó, tạo việc làm qua hình thức vay vốn cho 45.000 lao động với số tiền cho vay là 2.090 tỷ đồng; số lao động nhân được việc làm sau khi phỏng vấn tại 124 phiên, sàn giao dịch việc làm là 7.832 lao động; số lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động là 1.201 người; số lao động được cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và gia các hình thức khác là 64.820 người. Kết quả giải quyết việc làm 6 tháng đầu năm đạt 74,3% kế hoạch được giao trong năm, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021; tăng 47,6% so với cùng kỳ năm 2020 (khi dịch bệnh COVID-19 mới xâm nhập và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội của thành phố) và tăng 24,9% so với 6 tháng đầu năm 2019 (khi điều kiện phát triển kinh tế-xã hội ở trạng thái bình thường. Các đơn vị tích cực thực hiện giải pháp để tạo việc làm cho người lao động là Phú Xuyên, Thanh Oai, Thanh Xuân, Hà Đông.
Cùng với đó, hỗ trợ học nghề cho 787 người với số tiền 3,53 tỷ đồng; chiếm 8,7% trong tổng số 9.392 người được học nghề của cả nước. Thẩm duyệt, chấp thuận vị trí việc làm của người nước ngoài lao động tại Việt Nam cho 5.326 lượt doanh nghiệp với 5.822 vị trí; cấp mới 4.663 giấy phép cho lao động nước ngoài là việc tại Việt Nam, chiếm 8,5% tổng số giấy phép cấp cho người nước ngoài của cả nước. Tiếp nhận khai báo, đăng ký thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động 1.646 thiết bị của 201 đơn vị; tiếp nhận đăng ký chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu cho 517 đơn vị với 175.665 thiết bị nhập khẩu.
Để hỗ trợ tạo việc làm, từ đầu năm đến nay, Sở đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại Mê Linh, Long Biên, Gia Lâm, qua đó các doanh nghiệp không mất nhiều thời gian để tìm kiếm lao động, người lao động cũng có thêm cơ hội việc làm. Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp, thông qua số điện thoại, email, Zalo để gửi thông tin về các phiên giao dịch việc làm đến người lao động nhằm giúp họ sớm tìm kiếm việc làm và quay trở lại thị trường lao động. Sở cũng đề xuất bổ sung nguồn vốn từ ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay vốn đối với các hộ sản xuất kinh doanh, người lao động đang gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 có nhu cầu vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Riêng trong tháng 7, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho hơn 18.400 lao động, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Sở cũng đã thực hiện ký kết Chương trình phối hợp công tác với Thành đoàn Hà Nội về công tác thanh niên. Phối hợp với huyện Đông Anh tổ chức Lễ phát động Tháng công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Thành phố năm 2022 với chủ đề Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động năm 2022 "Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích trang an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19"; Chủ đề Tháng công nhân năm 2022 "Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng". Các quận, huyện, thị xã và các khu công nghiệp cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền trong Tháng hành động như: treo băng rôn, khẩu hiệu, cấp phát ấn phẩm, tờ rơi, tài liệu hướng dẫn đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và nhân dân trên địa bàn nhằm nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.
Theo ông Hoàng Thành Thái - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội, để có được kết quả tích cực nêu trên, những tháng đầu năm, TP Hà Nội đã đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn trong điều kiện bình thường mới. Để bảo đảm được các mục tiêu về giải quyết việc làm cho người lao động, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của thành phố, cũng như các cơ quan của địa phương, đồng thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện công tác nghiên cứu, dự báo và đánh giá về tình hình thị trường lao động hiện tại cũng như xu hướng phát triển và tác động trong thời gian tới, xu hướng dịch chuyển ngành nghề sau dịch; định hướng, cải thiện chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ người lao động học nghề, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết việc làm.
Nhiều nỗ lực trong tuyển sinh, đào tạo nghề
Để tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động bị thu hồi đất, thanh niên hoàn thành nghĩa vị quân sự, Sở LĐTB&XH đã tham mưu xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng theo Quyết định 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời xây dựng hướng dẫn liên ngành để triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố. Xây dựng Kế hoạch truyền thông về công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2022; Kế hoạch tổ chức Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động năm 2022. Tính đến tháng 6/2022, trên địa bàn thành phố có 361 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, chia theo hình thức sở hữu có 119 đơn vị công lập, 241 đơn vị ngoài công lập; chia theo loại hình đơn vị có 238 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm 68 trường cao đẳng, 83 trường trung cấp, 75 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề) và 135 doanh nghiệp, loại hình khác.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, song các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh. 6 tháng đầu năm, toàn thành phố tuyển sinh và đào tạo cho 101.620 lượt người (trình độ cao đẳng 2.450 người; trung cấp 2.700 người; sơ cấp và dưới 3 tháng 96.470 người), đạt 45,26% kế hoạch tuyển sinh năm 2022, tăng 194,5% so với cùng kỳ năm 20218), chiếm 12,8% tổng số tuyển sinh và đào tạo nghề cho người lao động của cả nước).
Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH thành phố đã phối hợp Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố ban hành Kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghê, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa thành phố năm 2022. Trên cơ sở đó, tính đếng tháng 6/2022 đã triển khai chức đào tạo, bồi dưỡng cho gần 3.000 lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (trong đó, đào tạo từ nguồn ngân sách thành phố cho 365 lao động đào tạo tại nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp có liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho 2.500 lao động). Tổ chức thành công Hội thi thiết bị đào tạo tự làm thành phố năm 2022. Kết quả Hội thi đã chọn ra 6 thiết bị đoạt giải Nhất, 12 thiết bị đoạt giải Nhì, 14 thiết bị đoạt giải Ba và 16 thiết bị đoạt giải Khuyến khích.
Nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường lao động
Ông Hoàng Thành Thái – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH thành phố cho biết, trong những tháng cuối năm 2022, TP Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy thị trường lao động như: Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm; triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất; khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp truyền thống. Thành phố cũng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Đồng thời, tiếp tục triển khai hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, nâng cao kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; tiếp tục xét duyệt cho vay vốn; thu thập thông tin thị trường, kết nối cung cầu lao động./.
Nguyễn Lại Thìn
TAG: thị trường lao động Hà NộI
Tin khác
Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5
TP.HCM: Hơn 2.600 lượt công nhân được vay vốn lãi suất ưu đãi từ CEP
Nghệ An: Chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động
TP.HCM: Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần