Xã hội
Trang chủ / Xã hội / Xã hội
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo sớm 2 năm
09:02 AM 17/09/2020
(LĐXH)- Xác định mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo và quyết liệt triển khai chỉ đạo. Nhờ đó, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo sớm 2 năm, số hộ gia đình có thu nhập khá ngày càng tăng lên.
Hỗ trợ thiết thực hộ nghèo
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg, ngày 02/9/2016 của Thủ tướng chính phủ, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những chính sách thiết thực, cụ thể từng bước ổn định, phát triển nên công tác giảm nghèo đã có những chuyển biến rõ nét. Đơn cử, công tác giảm nghèo ở các xã miền núi của huyện Thạch Thất là một minh chứng.
Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo, trong 5 năm qua, trên địa bàn 03 xã miền núi (Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung) của huyện Thạch Thất đã giảm 145 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 5,17% năm 2014, giảm xuống còn 1,28%. Đến nay, 03 xã đều được công nhận nông thôn mới.
Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành cộng với sự cố gắng nỗ lực của từng địa phương và các tầng lớp nhân dân nên diện mạo kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thạch Thất đổi thay từng ngày theo chiều hướng đi lên.

Lãnh đạo phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) trao hỗ trợ cho 3 hộ thoát cận nghèo

Không chỉ ở những vùng miền núi, ngoại thành hay vùng khó khăn mà ngay cả những địa bàn trung tâm Thủ đô cũng được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức quan tâm hỗ trợ bằng nhiều cách thiết thực đối với các hộ nghèo và cận nghèo. Cuối tháng 8/2020, chúng tôi đến thăm gia đình bà Đào Thị Lý là 1 trong 17 hộ mới ra khỏi danh sách hộ cận nghèo của quận Cầu Giấy. Trái với không khí nhộn nhịp bên ngoài phố Nghĩa Tân, con ngõ dẫn vào nhà bà Lý rộng rãi và yên tĩnh. Nguyễn Thị Phương Anh, con gái út bà Lý chia sẻ: Bố em bị bệnh tâm thần không thể làm việc. Mẹ là chủ gia đình nhưng bị suy thận giai đoạn cuối, vừa mới mổ ghép thận. Anh trai em bị tự kỷ từ nhỏ. Bà ngoại 78 tuổi, hàng ngày ra chợ bán hàng mã nhưng lãi chẳng bao nhiêu. Ngoài thời gian học đại học, em tranh thủ cộng tác với một kênh truyền hình. Gia đình em luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ thiết thực của tổ dân phố, phường, quận, cộng với tiền cho thuê phòng trọ nên đã vươn lên mức trung bình.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, công chức Văn hóa – Xã hội phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết; Tính đến cuối năm 2019, phường Nghĩa Tân có 3 hộ trong diện cận nghèo. UBND phường đã đưa ra một số giải pháp hỗ trợ như: Tận dụng tối đa các chế độ chính sách của Nhà nước áp dụng cho hộ cận nghèo. Căn cứ vào đặc điểm của từng hộ, phường phân tích nguyên nhân dẫn đến cận nghèo, nhu cầu hỗ trợ. Ví dụ, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí 100%, tặng xe máy gần 20 triệu đồng, sổ tiết kiệm để tạo vốn kinh doanh. Ngoài ra, kêu gọi các tổ chức từ thiện trao quà dịp lễ Tết, tặng gạo cho hộ thoát cận nghèo ăn trong một năm.
“Khi nhận được sự quan tâm đó, các hộ gia đình ổn định được cuộc sống ở mức trung bình, phấn đấu làm ăn, tự nguyện viết đơn thoát cận nghèo. Cho đến tháng 3 và 4/2020, phường Nghĩa Tân không còn hộ cận nghèo” – bà Nguyễn Thị Lan Anh, thông tin.
Kết quả giảm hộ cận nghèo ở phường Nghĩa Tân đã góp phần đưa quận Cầu Giấy là địa phương thứ hai ở Hà Nội, sau quận Hai Bà Trưng đến nay không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ông Nguyễn Quang Hồng, Trưởng phòng Lao động - TBXH quận Cầu Giấy phấn khởi cho biết: Đến cuối năm 2019, Cầu Giấy còn 17 hộ nghèo. Phòng Lao động - TBXH đã tham mưu cho quận để triển khai các biện pháp phù hợp với từng hộ và đến ngày 30/5, Cầu Giấy đã giải quyết xong 100% hộ cận nghèo. Để giảm nghèo bền vững, chúng tôi duy trì các chính sách tặng sổ tiết kiệm, nuôi đỡ đầu, tặng thẻ BHYT, hỗ trợ trang thiết bị, học phí...
Tạo sinh kế cho hộ nghèo
Cùng với ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, 5 năm qua, thành phố Hà Nội còn triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản trên địa bàn huyện Thạch Thất đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Đáng nói, thông qua việc triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản hỗ trợ các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc còn khó khăn ở những xã miền núi, trong các năm 2017, 2018, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản với quy mô 170 con (mỗi hộ 1 con) trên địa bàn các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất, Gia Lâm, Sóc Sơn và Quốc Oai. Năm 2019, Trung tâm tiếp tục triển khai mô hình với quy mô 80 con tại 05 xã miền núi thuộc 03 huyện: Thạch Thất, Ba Vì và Mỹ Đức.
Hộ gia đình chị Đinh Thị Miên ở thôn 4, xã Ba Trại (huyện Ba Vì) là một trong các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được nhận bò sinh sản miễn phí để chăn nuôi theo mô hình do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai từ năm 2017. Chị Đinh Thị Miên chia sẻ, chồng chị bị mất sức lao động, một mình chị là lao động chính với nghề nông nên cái nghèo cứ đeo bám. Sau khi chị nhận được con bò giống của mô hình về chăm sóc, không bao lâu đã sinh ra bê con. Đến nay, gia đình đã thoát khỏi diện hộ nghèo.
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, cho biết: Sau khi nhận hỗ trợ, các hộ đã tổ chức chăn nuôi hiệu quả và vươn lên thoát nghèo. Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hướng dẫn lập dự án trình UBND thành phố phê duyệt triển khai thực hiện nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 14 xã khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc miền núi trên địa bàn thành phố với tổng kinh phí 14 tỷ đồng. Dự kiến, sẽ có 700 hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 14 xã được hỗ trợ phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo…
Được biết, nhằm tiếp tục tạo sinh kế cho các hộ nghèo, các cấp, các ngành thành phố cũng đang tích cực rà soát, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, cùng với đề xuất tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo, các sở, ngành cũng nghiên cứu đề xuất thành phố tăng cường hệ thống chính sách đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo. Bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo; tăng cường lồng ghép, kết hợp Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình giảm nghèo. Cùng với đó, bổ sung các nguồn vốn vay như vốn vay giải quyết việc làm, vay hỗ trợ sản xuất, vay xuất khẩu lao động...; định mức vay cho mỗi hộ được tăng lên để mở rộng sản xuất, thu hút lao động, tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình...
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Đến thời điểm này, toàn thành phố Hà Nội có 8 quận và 3 huyện không còn hộ nghèo; trong đó có 2 quận không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây là sự nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm của thành phố cũng như các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn, tổ dân phố, thôn trong công tác giảm nghèo bền vững suốt nhiều năm qua. Theo đó, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, thành phố Hà Nội đã ban hành chuẩn nghèo riêng.

Trao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo xã Vân Nội (huyện Đông Anh)

Năm 2016, toàn thành phố có 65.377 hộ nghèo, chiếm 3,64% tổng số hộ dân và có 34.005 hộ cận nghèo chiếm 1,89%. Thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo đồng bộ, quyết liệt như hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; miễn học phí cho 38.211 lượt học sinh nghèo và giảm học phí cho 51.447 lượt học sinh thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ 60.282 lượt học sinh chi phí học tập từ nguồn ngân sách và xã hội hóa...
Cũng trong giai đoạn 2018 - 2020, đã có hơn 5.600 hộ nghèo được hỗ trợ xây sửa nhà ở xuống cấp, hư hỏng; 6.087 hộ nghèo, 6.608 hộ cận nghèo được vay vốn, với số tiền trên 501,3 tỷ đồng... Từ chỗ thành phố có 3,64% hộ nghèo năm 2016 đến tháng 6/2020 giảm xuống còn 0,42%, hoàn thành trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2016 – 2020. Hiện, Hà Nội chỉ còn 8.754 hộ nghèo.
Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Lao động - TBXH huyện Đông Anh, chia sẻ: Bằng các biện pháp trợ giúp, cuối năm 2019, Đông Anh không còn hộ nghèo. Đến nay, toàn huyện còn 1.193 hộ cận nghèo, chiếm 1,15%. Bài học trong công tác giảm nghèo của Đông Anh là sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở; ban hành chủ trương, chính sách, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể hỗ trợ hộ nghèo... Cùng với đó là sự tham gia tích cực của các ban, ngành, hội, đoàn thể; sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ những hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - TBXH Hà Nội, thời gian qua, nhiều quận, huyện, thị xã của thành phố đã có những giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, gắn với xây dựng nông thôn mới để giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Không ít địa phương hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là những căn nguyên cơ bản để Hà Nội có được những kết quả tích cực trong thời gian qua, cũng là cơ sở để phấn đấu cơ bản tiến tới không còn hộ nghèo, cận nghèo.

Chí Tâm

TAG: Hà NộI chương trình Mục Tiêu quốc gia Giảm nghèo Hoàn Thành về đích sớm 2 năm bao
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công