Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Hà Nam đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động
12:14 AM 04/02/2019
Hà Nam là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế Bắc Bộ. Dân số của tỉnh hiện là 807.720 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 473.728 người, chiếm 58,65%.
Năm 2018, công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm (GDNN, GQVL) cho người lao động tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm. Hệ thống văn bản pháp lý và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ngày càng đầy đủ, đồng bộ nên đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Chất lượng GDNN ngày càng được nâng cao
- Mạng lưới các cơ sở GDNN của tỉnh tiếp tục được củng cố, sắp xếp theo hướng tập trung các ngành, nghề trọng điểm. Điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN đang từng bước được nâng lên để đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 23 cơ sở GDNN, với tổng số 782 giáo viên, bao gồm 05 trường cao đẳng; 05 trường trung cấp; 05 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 08 cơ sở có hoạt động GDNN.
 Sở LĐTBXH tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác GDNN như kế hoạch thực hiện các hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu GDNN- Việc làm và An toàn lao động đến năm 2020; Kế hoạch về đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018; Kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp và GQVL cho đối tượng bị thu hồi đất; văn bản chỉ đạo việc gắn kết GDNN với doanh nghiệp.
Cùng với đó, Sở đôn đốc, hướng dẫn các trường xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng ngành nghề, trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và khung trình độ quốc gia. Trong đó, mục tiêu của GDNN là đổi mới từ “cung” sang đào tạo theo “cầu” của doanh nghiệp, thị trường lao động. Chương trình đào tạo được xây dựng theo định hướng năng lực thực hiện. Việc tổ chức đào tạo cũng được nhiều cơ sở GDNN áp dụng theo phương thức đào tạo mới, đảm bảo liên thông thuận lợi giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng ngành, nghề hoặc với các ngành, nghề khác hoặc liên thông lên trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đào tạo đi đôi với rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh, quy trình quản lý chất lượng 5S.

Đồng chí Đặng Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
 Song song với đó, các cơ sở GDNN đã chủ động đổi mới phương thức tuyển sinh đào tạo, áp dụng nhiều biện pháp tích cực như: cử cán bộ, giáo viên tuyển sinh xuống các trường trung học tư vấn, hướng nghiệp trực tiếp cho phụ huynh và học sinh; phối hợp tổ chức cho học sinh, phụ huynh tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm nghề nghiệp ngay tại nhà trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh (tuyển sinh trực tuyến), góp phần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Hầu hết học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều được tư vấn và giới thiệu việc làm, tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 80%.
Xác định công tác tăng cường gắn kết giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong GDNN là bước đột phá để nâng cao chất lượng dạy nghề, thời gian qua, Sở LĐTBXH đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện việc gắn kết GDNN với doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn các trường, các doanh nghiệp thực hiện gắn kết, hợp tác 3 bên Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong GDNN. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề nghiệp tại chỗ để nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, thực hiện đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động khi doanh nghiệp thay đổi công nghệ.
- Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh cũng từng bước được đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các ngành, nghề trọng điểm nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giảng dạy; từng bước xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng học chuyên môn hóa đáp ứng được yêu cầu thực tế sản xuất. Học sinh được học lý thuyết kết hợp ngay với thực hành, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thể hiện qua các Hội thi, Hội giảng cấp trường và Quốc gia. Cụ thể, năm 2018, tham gia Kỳ thi tay nghề Quốc gia, đoàn Hà Nam có 3/5 thí sinh đạt giải, bao gồm 01 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Đồng và 1 Giải Khuyến khích; Tham gia Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc có 4/4 nhà giáo đạt giải, bao gồm 01 Giải Nhất và 03 Giải Khuyến khích).
- Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm triển khai
 Căn cứ kế hoạch UBND tỉnh ban hành và nguồn kinh phí phân bổ thực hiện hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Sở LĐTBXH đôn đốc, hướng dẫn Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Trên cơ sở điều tra, khảo sát, tổng hợp nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, các đơn vị, các địa phương đã tập trung triển khai nhân rộng các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; dạy nghề gắn với các doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh, xã xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên tổ chức dạy nghề đối với lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, lao động nữ, lao động là người khuyết tật.
 Kết quả năm 2018, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo cho 21.621 người (đạt 105,5% chỉ tiêu kế hoạch giao), bao gồm, hệ cao đẳng: 1.707 người; hệ trung cấp: 7.948 người; hệ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng: 11.966 người. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2018 đạt 63%, trong đó có chứng chỉ bằng cấp đạt 51%.
Những kết quả này đã góp phần nâng cao hơn chất lượng nguồn lao động, giảm dần tỷ lệ lao động phổ thông, lao động chưa qua đào tạo, xây dựng và định hình tác phong công nghiệp cho người lao động, bảo đảm yêu cầu và đòi hỏi tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm
Cùng với công tác GDNN, công tác GQVL cho người lao động được tỉnh đặc biệt chú trọng. Sở LĐTBXH ban hành kế hoạch thực hiện triển khai, thu thập, tổng hợp thông tin thị trường lao động năm 2018; Kế hoạch tuyển chọn lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc năm 2018 và quy trình tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, chấp thuận cho phép doanh nghiệp tuyển và sử dụng lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh; kế hoạch phân bổ chỉ tiêu giải quyết việc làm mới năm 2018 cho các huyện, thành phố. Thường xuyên phối hợp với UBND huyện, thành phố, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn triển khai chính sách pháp luật về lao động.
Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp; đưa vào sử dụng 02 Website: vlhanam.vieclamvietnam.gov.vn và vieclamhanam.vn là địa chỉ thường trực dành cho người tìm việc và việc tìm người ở Hà Nam; tổ chức được 27 sàn giao dịch việc làm vào ngày 15 hàng tháng tại Trung tâm và các phiên giao dịch việc làm đặt tại các huyện thu hút khoảng 977 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng và thu hút được 8.720 lượt người tham gia phỏng vấn, 3.280 lao động đăng ký tìm việc làm thường xuyên tại Trung tâm và văn phòng đại diện, có 1.755 lượt người đã tìm được việc làm tại các phiên giao dịch; thẩm định và ra quyết định cho 4.099 người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp với số tiền chi trả gần 49 tỷ đồng.
Thống kê trong năm 2018, tỉnh Hà Nam đã GQVL mới cho 23.801 người, vượt chỉ tiêu kế hoạch 46,5% (trong đó lao động nữ là 10.132 người; XKLĐ 1.132 người (vượt 13,2%); giải quyết việc làm thêm cho 23.526 người. Cấp giấy phép cho 220 người nước ngoài đủ điều kiện làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2019, Hà Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác GDNN, GQVL cho người lao động, trong đó trọng tâm là việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về GDNN, các chính sách pháp luật lao động, GQVL; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDNN thực hiện tốt công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp năm 2019 theo phương châm lấy chất lượng và hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng GDNN (như đổi mới chương trình, giáo trình; đầu tư cơ cở vật chất, thiết bị đào tạo; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo...); tăng cường năng lực quản lý nhà nước về GDNN; thực hiện gắn kết GDNN với doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, phát huy vai trò các sàn giao dịch việc làm; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để khảo sát, nắm bắt kịp thời nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, tạo cầu nối trực tiếp cung cấp cho người lao động và người sử dụng lao động những thông tin về cung - cầu lao động; tiếp nhận và giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu giảm nghèo và Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới./.

Đặng Xuân Hải
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
 
TAG: Hà nam dạy Nghề Việc Làm bao
Tin khác
Quảng Nam: Đẩy mạnh công tác lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Honda Việt Nam thực hiện nghiêm công tác an toàn lao động tại nơi làm việc
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Thường xuyên diễn tập kỹ năng xử lý sự cố an toàn lao động
Kiểm tra công tác ứng dụng công nghệ và kiểm soát rủi ro về an toàn lao động
Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) đủ mạnh để bào vệ được người lao động và cán bộ Công đoàn
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Diễn tập thường xuyên để tránh xảy ra sự cố về an toàn lao động
Vĩnh Phúc: Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động
Ninh Bình: Triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
Hà Nội: Đào tạo nghề miễn phí cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp