Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Hà Giang sớm để nạn nhân mua bán hòa nhập cộng đồng
05:55 PM 24/09/2021
(LĐXH)- Thời gian qua, công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng trở về địa phương được tỉnh Hà Giang triển khai có hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong thực hiện chính pháp luật đối với người bị mua bán trở về, giúp họ ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng...
Tiềm ẩn tội phạm mua bán người
Hà Giang là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Tổng dân số 871.435 người với 19 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo 22,53%.
Diện tích tự nhiên của tỉnh là 7.945,55 km2, chia thành 3 vùng với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội khác biệt, gồm: vùng cao nguyên đá Đồng văn là 4 huyện biên giới (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc); vùng cao núi đất phía Tây là 02 huyện biên giới (Xín Mần, Hoàng Su Phì và một số xã của huyện Quang Bình); vùng núi thấp là thành phố Hà Giang, huyện Bắc Mê, huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Quang và một số xã huyện Quang Bình.
Với 11 huyện, thành phố, Hà Giang có 192 xã, phường, thị trấn. Trong đó, tuyến địa bàn biên giới gồm có 07 huyện, 34 xã, thị trấn biên giới; 343 thôn, bản (122 thôn, bản giáp biên giới) với tổng chiều dài đường biên giới quốc gia là 277,928 km. Tỉnh có 01 cửa khẩu quốc tế, 01 cửa khẩu chính, 02 cửa khẩu phụ và 12 lối mở; ngoài ra, còn nhiều đường mòn qua lại biên giới, tiếp giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc.
Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, song đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số ở Hà Giang vẫn còn thấp; nhu cầu tìm kiếm việc làm ở Trung Quốc ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng công dân đi lao động tự do diễn biến phức tạp.

Đời sống của người dân tộc thiểu số ở xã biên giới Xín Cái, huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) vẫn còn nhiều khó khăn

Nhận thức về pháp luật, ý thức cảnh giác đấu tranh với tội phạm chưa cao, đây là điều kiện cho các đối tượng câu kết, hình thành các ổ nhóm đường dây hoạt động tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em và có chiều hướng gia tăng. Nạn nhân thường là những phụ nữ người dân tộc người đang trong độ tuổi kết hôn, người dưới tuổi vị thành niên sống tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, không có việc làm ổn định, trình độ dân trí thấp, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Xuất phát từ thực tế trên, dẫn đến tình trạng mua bán người ở Hà Giang vẫn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm hết sức tinh vi, sảo quyệt. Hầu hết các vụ án xảy ra đều có sự câu kết giữa các đối tượng là người Việt Nam và đối tượng là người Trung Quốc. Đặc biệt là việc lợi dụng những phụ nữ dân tộc thiểu số thiếu hiểu biết, hoàn cảnh khó khăn, trình độ văn hóa thấp, nhẹ dạ cả tin, có mâu thuẫn gia đình hay bị bạo hành để dụ dỗ lôi kéo sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, do những tác động tâm lý như mặc cảm, xấu hổ, sợ hãi, ngại tiếp xúc, thay đổi lời khai… đã ảnh hưởng tới quá trình cung cấp thông tin, tố giác của nạn nhân cho cơ quan chức năng và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho họ trước pháp luật.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2018 – 2021, lực lượng Công an, Biên phòng tỉnh Hà Giang đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận 72 trường hợp nghi là nạn nhân bị mua bán do công an Trung Quốc trao trả. Tiếp nhận, xác minh 119 trường hợp nghi là nạn nhân bị mua bán, gồm: 72 trường hợp do công an Trung Quốc trao trả, 26 trường hợp tự trở về địa phương đến công an khai báo, 21 trường hợp được các cơ quan chức năng giải cứu. Kết quả, đã xác định có 58 người là nạn nhân bị mua bán...
Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua bán người
Ông Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Giang, cho biết: Những năm qua, nhằm nâng cao hiệu quả, vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Hà Giang ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình đưa các nạn nhân về tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ sớm ổn định tâm lý, xóa bỏ mặc cảm và hỗ trợ sinh kế để ổn định cuộc sống.
Hằng năm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các sở, ban, ngành đoàn thể và các địa phương ở Hà Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến để người dân nắm được nội dung của Luật Phòng chống mua bán người và các văn bản liên quan. Từ đó nhận biết được âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm mua bán người dưới nhiều hình thức khác nhau; đồng thời, nâng cao nhận thức, cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân.

Tuyên truyền lồng ghép nội dung của Luật Phòng chống mua bán người cho chị em phụ nữ xã Vần Chải, huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) 

Cùng với đó là hướng dẫn các huyện, thành phố chuẩn bị cơ sở vật chất cho công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về. Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở những địa bàn có nguy cơ cao, trên các tuyến địa bàn biên giới; tổ chức rà soát, phân loại những địa bàn có nguy cơ cao về tội phạm mua bán người, mua bán chiếm đoạt trẻ em...
Theo báo cáo, trong 3 năm gần đây, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Giang đã tổ chức mở 17 lớp tập huấn nghiệp vụ về phòng, chống mua bán người cho trên 1.400 cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, xã, phường, thị trấn, thôn bản nắm được những nội dung cơ bản của Luật Phòng chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật. Tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân tại các buổi họp chợ đông người, trường học, thôn bản, thu hút trên 90.000 lượt người tham gia.
Tiến hành lắp đặt 10 pa nô tuyên truyền về phòng, chống mua bán người in bằng hai thứ tiếng Kinh và tiếng Mông; in ấn và cấp phát trên 4.345 cuốn cẩm nang pháp luật quốc tế và quốc gia về phòng chống mua bán người. Cấp phát trên 16.000 tờ gấp tuyên truyền số điện thoại đường dây nóng phòng chống mua bán người 18001567; đường dây nóng Quốc gia (111) và  đường dây nóng tỉnh Hà Giang (18001282) cho người dân tại 195 xã, phường, thị trấn…
Hỗ trợ sinh kế ổn định cuộc sống
Hiện tại, tỉnh Hà Giang có 01 cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân mua bán là Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Tại đây, nạn nhân sau khi tiếp nhận được hỗ trợ toàn diện về ăn, nghỉ; được khám và điều trị bệnh, tư vấn hỗ trợ tâm lý, pháp lý, hướng nghiệp - dạy nghề; cung cấp thông tin về phòng, chống mua bán người; tham vấn về kế hoạch tái hoàn nhập cộng đồng; phối hợp cùng địa phương và gia đình đưa các nạn nhân về tái hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống.
Thời gian qua, công tác tiếp nhận nạn nhân mua bán người ở Hà Giang luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Sau khi tiếp nhận nạn nhân do nước ngoài trao trả hoặc giải cứu của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an và các ngành chức năng kịp thời hỗ trợ nhu cầu thiết yếu ban đầu và chăm sóc nạn nhân như: bố trí nơi ở tạm thời, ăn uống hàng ngày, quần áo, đồ dùng cá nhân, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý hỗ trợ tiền ăn, đi đường cho nạn nhân trở về nơi cư trú.
Kết quả trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Giang đã phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tiếp nhận, xác minh 58 nạn nhân mua bán người đưa về các địa phương và Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để chăm sóc sức khỏe, ổn định tâm lý, tư vấn và thực hiện hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng theo quy đúng quy định. Trong đó, có 36 nạn nhân mua bán người được tiếp nhận vào Trung tâm đều được hỗ trợ về ăn, nghỉ, đồ dùng thiết yếu; khám và điều trị y tế; hướng nghiệp dạy nghề...
Giám đốc Sùng Đại Hùng, đánh giá: Công tác trợ cấp khó khăn cho nạn nhân bị mua bán người tái hòa nhập cộng đồng về địa phương, được chính quyền và các tổ chức, đoàn thể quan tâm giúp đỡ. Đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ sinh kế như: vay vốn phát triển kinh tế, chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản, cây giống, thêu dệt lanh thổ cẩm, trồng cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi, hồng không hạt...), trồng cỏ chăn nuôi bò, dê; ưu tiên giới thiệu việc làm phù hợp để ổn định cuộc sống.
Riêng trong năm 2020 – 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Giang đã phối hợp với Tổ chức trẻ em rồng canh (BDCF/Úc) hỗ trợ làm nhà cho 04 nạn nhân bị mua bán, với tổng kinh phí là 240 triệu đồng (mỗi người được hỗ trợ 60 triệu đồng); hỗ trợ chăn nuôi lợn, dê, bò sinh sản cho 06 nạn nhân với kinh phí 87,6 triệu đồng. Tổ chức đưa 15 học viên đi học nghề khách sạn 5 sao và nhà hàng bánh Piza tại Hà Nội (có 11 học viên tốt nghiệp); hỗ trợ 02 nạn nhân học lớp sửa chữa xe máy tại Hà Giang, đã có 01 người đi làm tại cơ sở sửa chữa xe máy trên địa bàn với mức lương 5,1 triệu/tháng…
Đến nay, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp can thiệp và hỗ trợ kịp thời, Hà Giang đã tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ về pháp lý, y tế, giáo dục, học nghề, tạo việc làm, vay vốn, hỗ trợ sinh kế... Qua đó, giúp nạn nhân bị mua bán sớm hòa nhập cộng đồng, góp phần kiềm chế, giảm tình trạng tái bị mua bán, giảm thiểu tội phạm liên quan đến mua bán người trên địa bàn tỉnh.
Chí Tâm
TAG: Hà GIang phòng Chống mua bán người Hỗ Trợ Sinh kế nạn Nhân mua Bán trở Về Hòa Nhập Cộng đồng
Tin khác
Quảng Ninh: Chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Bắc Kạn: Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Nghệ An trách nhiệm nghĩa tình với người có công
Thái Nguyên: Thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng
Bình Định: Thực hiện kịp thời, đồng bộ chính sách trợ giúp xã hội
Cảm phục những tấm gương thương, bệnh binh làm kinh tế giỏi ở huyện Yên Thế
Bình Định: Đẩy mạnh giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Hải Dương: Triển khai đồng bộ chính sách lao động, người có công và xã hội
Quảng Nam: Tập trung thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng