Xã hội
Trang chủ / Xã hội / Xã hội
Hà Giang huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
11:45 AM 26/10/2020
(LĐXH)- Thực hiện Chương trình mực tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hà Giang đã tập trung ưu tiên nguồn lực cho các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, gắn mục tiêu giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hà Giang ước giảm khoảng 33.163 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 22,53%, giảm 21,12% so với đầu năm 2016 (bình quân mỗi năm giảm 4,2% tỷ lệ hộ nghèo). Trong đó, 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 64,03% xuống còn 34,0%, giảm 30,03% so với đầu năm 2016 (bình quân mỗi năm giảm 6,0% tỷ lệ hộ nghèo); riêng huyện Bắc Mê (huyện mới bổ sung vào huyện nghèo 30a từ năm 2018) giảm từ 38,73% xuống còn 25,89%.
Theo báo cáo của Sở Lao động – TBXH, tính đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ở Hà Giang đạt 22,8 triệu đồng, tỷ lệ lao động qua đào tạo nâng lên 52,6% (trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 42,8%); số người dân có thẻ BHYT đạt 98,5% và 100% hộ gia đình có người ốm đau được được đưa đi khám chữa bệnh, tỷ lệ huy động trẻ từ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,8%; 91% dân số thành thị được sử dụng nước sạch, 84,7% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 92,3% hộ được sử dụng điện, 57,6% hộ nghèo được tiếp cận thông tin; 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 100% thôn bản có đường đi được xe cơ giới đến thôn. Đến cuối năm đã có trên 4.000 hộ hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở…

Người dân xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang) vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi bò

Để đạt được kết quả trên, ngoài kinh phí từ ngân sách, việc huy động các nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tăng cường tiếp xúc và vận động, tạo cơ chế thuận lợi để các tổ chức quốc tế đầu tư vào các lĩnh vực giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội cơ bản. Kết quả, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 ở Hà Giang là gần 8.226 tỷ đồng, gồm: ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.731,021 tỷ đồng, nguồn lực khác là 4.344 tỷ đồng (doanh số cho vay tín dụng), nguồn lực huy động lồng ghép thực hiện Chương trình gần 1.151 tỷ đồng (trong đó, ngân sách địa phương 594,64 tỷ đồng, trái phiếu Chính phủ 96,88 tỷ đồng, doanh nghiệp, người dân và cộng đồng đóng góp 459,387 tỷ đồng).
Chỉ tính riêng hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, tỉnh Hà Giang được đầu tư 151,771 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ tiền giống, phân bón, chuyển đổi cây trồng, gồm: giống ngô, đậu tương, lạc, hồng không hạt, cây lê, cây dược liệu, phân bón, giống lợn, dê, bò, bồ câu... có năng suất và giá trị kinh tế cao; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, tạo diện tích nuôi trồng thủy sản, mua giống trồng cỏ để chăn nuôi gia súc; tập huấn khuyến nông… cho gần 112.000 lượt hộ nghèo hưởng lợi; tổ chức dạy nghề cho 8.157 lao động nông thôn và hỗ trợ giống cây tam giác mạch để thu hút khách du lịch đến với các địa phương. Ngoài ra, tỉnh còn được hỗ trợ đầu tư 18,832 tỷ đồng, giao cho 7 huyện nghèo xây dựng 65 mô hình giảm nghèo nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà đen theo hình thức luân chuyển và có thu hồi cho 1.546 hộ nghèo hưởng lợi.
Tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, giúp người dân có điều kiện cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo… là những giá trị được mang lại từ việc triển khai các Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện Mèo Vạc. Đến nay, huyện đã triển khai 14 dự án tại 10 xã với 289 hộ tham gia, gồm các mô hình, như: nuôi bò, lợn nái, dê sinh sản, nuôi bò vỗ béo… Tổng kinh phí thực hiện trên 4,7 tỷ đồng; trong đó, kinh phí hỗ trợ của Nhà nước gần 3,4 tỷ đồng, người dân đối ứng hơn 1,3 tỷ đồng. Nhìn chung, trong quá trình triển khai, thực hiện dự án, các hộ hưởng lợi được Ban Điều hành Dự án thường xuyên quan tâm, tuyên truyền, vận động trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Nhờ vậy, đàn gia súc luôn khỏe, sinh trưởng và phát triển tốt. Từ đó, người dân đã dần thay đổi nhận thức từ nhận hỗ trợ cho không sang nhận hỗ trợ có điều kiện và đã nhận thức được việc cần phải cố gắng sản xuất, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Thực tế cho thấy, đã có 44 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo tại một số xã thực hiện dự án hiệu quả cao, như: Lũng Pù, Niêm Sơn, Giàng Chu Phìn, Khâu Vai, Lũng Chinh...
Hiện có hơn 10 nghìn hộ nghèo, Bắc Mê là địa phương mới bổ sung vào huyện nghèo 30a (năm 2018), bên cạnh những cơ chế hỗ trợ của địa phương thì các hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình 135 đã tạo động lực và thúc đẩy các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo. Việc hỗ trợ đa dạng sinh kế trên tất cả các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, máy nông cụ… đã tạo cho người dân có nhiều cơ hội lựa chọn, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu. Bên cạnh đó, các dự án giảm nghèo tập trung hỗ trợ các nội dung như: đầu tư kết cấu hạ tầng sản xuất và sinh hoạt; hỗ trợ sản xuất và đa dạng hóa sinh kế của người nghèo; nâng cao chất lượng nhân lực ở huyện, xã nghèo tham gia xuất khẩu lao động nhằm nâng cao thu nhập và giảm nghèo; truyền thông về giảm nghèo và tiếp cận thông tin của người nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Soi, Trưởng phòng Lao động - TBXH huyện Bắc Mê, cho biết: Với sự linh động của các cơ chế, bằng việc mở rộng các loại hình hỗ trợ đã tạo cho người nghèo có nhiều cơ hội thoát nghèo. Đặc biệt, để sinh lợi từ nguồn vốn, ngoài việc để người dân tự lựa chọn loại hình hỗ trợ, chủ động mua cây, con giống thì huyện đã phối hợp với các ngành, xã, thôn thành lập các đoàn xuống khảo sát nhu cầu của người dân, lợi thế của địa phương; để người dân họp bàn và đề xuất các hộ được hỗ trợ; bám sát các nhiệm vụ nghị quyết của Đảng bộ xã, nghị quyết HĐND; tiến hành kiểm tra tình hình sức khỏe, cơ sở vật chất, chất lượng máy nông cụ… đảm bảo không dịch bệnh, chất lượng tốt mới tiến hành giải ngân. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và nỗ lực vươn lên thoát nghèo của chính người dân đã giúp huyện Bắc Mê hoàn thành mục tiêu giảm 400 hộ nghèo và đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2020 xuống còn 25,8%.

Cán bộ xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) kiểm tra việc hỗ trợ trâu sinh sản cho hộ nghèo tại thôn Bản Chiều

Tiếp đến, việc hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo cũng được Hà Giang quan tâm triển khai hiệu quả. Tính từ khi triển khai (năm 2016) đến thời điểm hiện tại, Hà Giang đã thực hiện hỗ trợ 1.254 hộ với kinh phí 31,224 tỷ đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ nguồn hỗ trợ của các hội, đoàn thể, tổ chức, cá nhân, Quỹ ngày vì người nghèo, doanh nghiệp đã hỗ trợ xóa nhà tạm và sửa chữa nhà cho 998 hộ nghèo và hội viên; các huyện và các ngành đã tự vận động nguồn lực tổ chức triển khai hỗ trợ cho 202 hộ nghèo.
Đặc biệt, từ tháng 8/2019, thực hiện Chương trình hỗ trợ nhà ở từ nguồn xã hội hóa theo Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 25/7/2019 của Ban chỉ đạo thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có 2.330 hộ gia đình đã triển khai xây dựng nhà ở, bao gồm: 199 hộ gia đình chính sách người có công, 464 hộ cựu chiến binh nghèo, 1.310 hộ nghèo xã biên giới, 42 hộ nghèo thuộc xã nông thôn mới và 315 hộ nghèo xã nội địa. Tỉnh đang phấn đấu đến hết năm 2020, hỗ trợ xây dựng cho 3.000 hộ và dự ước tổng số hộ được hỗ trợ cả giai đoạn là 5.455 hộ.
Nhằm hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, Hà Giang còn quan tâm đầu tư nguồn lực để triển khai thực hiện công tác hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho hộ nghèo. Ước từ năm 2016 đến hết năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo cho 55.000 người, chủ yếu là lao động thuộc hộ nghèo và dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Hiệu quả của công tác này đã góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh từ 46% năm 2015 lên 54% năm 2020, trong đó qua đào tạo nghề tương ứng từ 37,1% lên 44%...
Không chỉ vậy, tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác giải ngân vốn tín dụng với tổng dư nợ đạt 2.895,2 tỷ đồng/82.532 hộ, tăng 939,9 tỷ đồng so với năm 2015. Doanh số cho vay trong giai đoạn 2016 - 2019 đạt 3.416 tỷ đồng/104.188 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 38.544 lượt hộ nghèo, 11.307 lượt hộ cận nghèo, 7.683 lượt hộ mới thoát nghèo, 6.089 lượt hộ dân tộc thiểu số được vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tạo việc làm cho 6.071 lao động tại địa phương; ngoài ra còn có 21.046 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đảm bảo theo tiêu chuẩn được xây dựng, 1.324 nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được xây dựng...
Có thể thấy, Hà Giang đã triển khai khá nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính khả thi và đồng bộ nhằm đảm bảo chương trình giảm nghèo được hiệu quả và bền vững. Các cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia với quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và sự đồng thuận của các cấp ủy, chính quyền, công chức, viên chức và người lao động về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của các cấp, các ngành, cộng đồng trong hỗ trợ giúp đỡ người nghèo. Đồng thời, chú trọng tập trung phát triển sản xuất, ngành nghề, chuyển giao khoa học, công nghệ, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn, xuất khẩu lao động, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Chí Tâm

TAG: Hà GIang chương trình Mục Tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững Huy động nguồn Lực giai đoạn 2016 - 2020 bao
Tin khác
 Nữ Bí thư Chi đoàn tận tâm với hoạt động tín dụng chính sách
Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo và giám sát đánh giá
Ninh Bình: Tăng cường công tác trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội
Tháo gỡ vướng mắc trong số hóa chi trả an sinh xã hội cho người dân
Nâng cao công tác truyền thông về BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng mới Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về người khuyết tật
Trà Vinh: Một số kết quả trong công tác lao động, người có công và xã hội tháng 2/2024
Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin