An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hà Giang hỗ trợ người nghèo các huyện 30a vươn lên trong cuộc sống
02:46 PM 09/12/2019
(LĐXH)- Hà Giang có 6 huyện nghèo được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần (sau này có thêm huyện Bắc Mê được bổ sung vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020).
Hà Giang là tỉnh miền núi, vùng cao, có đường biên giới dài gần 278km tiếp giáp với tỉnh Vân Nam và một phần của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Hà Giang được đánh giá là địa phương có dân số trẻ, lực lượng lao động chiếm trên 64% dân số, trong đó độ tuổi từ 15 - 35 chiếm gần 30%. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người đạt khoảng 7,5%/năm (giai đoạn 2016 – 2020), GDP đầu người đạt khoảng 30 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế, tỷ trọng các ngành nông nghiệp chiếm 33%, công nghiệp - xây dựng chiếm 29% và dịch vụ chiếm 38%. Giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 - 16.000 lao động/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60% đến năm 2020. Tỷ lệ tăng trưởng dân số tự nhiên khoảng 1,4% và giảm hộ nghèo xuống khoảng dưới 5% vào năm 2020 (trung bình mỗi năm giảm từ 3 - 5%)...
Theo đánh giá của Sở Lao động - TBXH tỉnh Hà Giang, kết quả giảm nghèo nhanh và bền vững rất tích cực, người nghèo được tạo cơ hội tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục. Trong đó, đời sống của người dân tại 6 huyện nghèo được cải thiện, có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập nhờ được hỗ trợ từ các chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo.
Nhiều hộ nghèo ở các huyện 30a tỉnh Hà Giang đã vương lên thoát nghèo từ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án
Đến xã vùng cao biên giới Bạch Đích (huyện Yên Minh) thăm gia đình chị Nông Thị Vĩnh, thôn Na Sàng 3. Gia đình chị Vĩnh là hộ nghèo, được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết từ nguồn Quỹ vì người nghèo của tỉnh và huyện Yên Minh với số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng. Dù tất bật hỗ trợ tổ thợ vận chuyển vật liệu, vất vả và mệt nhọc nhưng ánh mắt không giấu nổi niềm vui, chị Vĩnh chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, làm ruộng và trồng ngô chỉ đủ ăn, cho nên không có kinh phí làm nhà. Giờ được hỗ trợ chi phí xây nhà mới, tuy đang trong thời gian xây dựng, nhưng tôi rất mừng và phấn khởi”.
Niềm vui của gia đình chị Nông Thị Vĩnh cũng là niềm vui chung của hàng nghìn hộ nghèo ở tỉnh Hà Giang được Quỹ vì người nghèo các cấp hỗ trợ làm nhà mới, sửa nhà cũ. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang Triệu Quốc Lương, cho biết: “Ban vận động Quỹ vì người nghèo các cấp tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ, đóng góp xây dựng quỹ tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương. Các cơ quan, doanh nghiệp đóng góp bằng tiền, con giống, cây giống; người dân thì góp gạo, góp ngô, góp công lao động; có tổ chức thì đóng góp bằng quà để hỗ trợ người nghèo nhân dịp lễ, Tết.
"Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, Quỹ vì người nghèo toàn tỉnh đã vận động được hơn 27 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm. Việc sử dụng Quỹ được công khai, minh bạch, đối tượng được hưởng lợi cũng được bình xét từ thôn, bản nên bảo đảm công bằng. Nguồn quỹ tập trung chính vào hỗ trợ người dân xây dựng nhà đại đoàn kết. 5 năm qua, đã có 309 hộ được hỗ trợ hơn 7,7 tỷ đồng để làm nhà đại đoàn kết; 1.520 hộ được hỗ trợ hơn 15 tỷ đồng để tu sửa nhà cửa; hàng nghìn hộ nghèo, gia đình chính sách được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết. Ngoài ra, với tinh thần tương thân, tương ái, cộng đồng dân cư trong thôn, bản, tổ dân phố đã hỗ trợ nhau bằng ngày công, nguyên vật liệu để góp phần xây dựng những căn nhà tình nghĩa, thể hiện sự đoàn kết gắn bó của người dân" ông Triệu Quốc Lương, cho biết.
Được biết đến là tỉnh nghèo, nên việc huy động cán bộ, nhân dân góp Quỹ vì người nghèo ở Hà Giang còn hạn chế. Do đó, trong những năm qua, MTTQ các cấp còn đứng ra kêu gọi xã hội hóa công tác xóa đói, giảm nghèo. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2018, từ sự kêu gọi của Mặt trận và chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ nhân dân ở xã nghèo về đồ dùng học tập, học bổng cho học sinh, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, xây dựng điểm trường, xóa nhà tạm, hỗ trợ công cụ sản xuất với tổng trị giá hơn 105 tỷ đồng. Đáng chú ý, sáu huyện nghèo của tỉnh tiếp tục vận động các tập đoàn, tổng công ty hỗ trợ hơn 131 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho xây dựng các trường học, lớp học, nhà lưu trú, bếp ăn học sinh vùng sâu, vùng xa.
Gia đình ông Sùng Chính Phổng, thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc) là một trong rất nhiều hộ trên địa bàn huyện được nhận bò giống. Từ con bò giống được trao tặng năm 2015, cộng với việc vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mèo Vạc, đến nay gia đình ông Phổng đã có đàn bò bốn con khỏe mạnh. Ông Sùng Chính Phổng, tâm sự: “Trước kia, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn phát triển chăn nuôi cũng không có điều kiện. Nhờ được hỗ trợ một con bò giống cho nên tôi mới có niềm tin và quyết tâm vay vốn, mua thêm bò phát triển chăn nuôi, thoát khỏi cảnh đói nghèo”.
Trong quá trình thực hiện hỗ trợ hộ nghèo tại các huyện 30a, MTTQ các cấp ở Hà Giang luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như giám sát thực hiện các chính sách dân tộc và miền núi. Do đó, các chính sách được chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc và đạt nhiều thành quả. Tỉnh cũng ban hành nhiều nghị quyết, quyết định về các chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, cụ thể: Hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ học sinh bán trú chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, hộ có mức sống trung bình làm nghề nông, lâm nghiệp, hộ tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Đến nay, Hà Giang đang từng bước xóa đói, giảm nghèo, bình quân mỗi năm giảm từ 4 đến 6% tỷ lệ hộ nghèo. Riêng năm 2018, toàn tỉnh có 7.010 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 31,17%, trong đó, sáu huyện nghèo 30a giảm còn 46,25%.

Chí Tâm

 

TAG: Hà GIang huyện 30a hỗ trợ hộ nghèo
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024