Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Gửi con trai của mẹ
08:58 AM 25/12/2018
(LĐXH)- Cậu bé ngoan yêu quý của mẹ! Sẽ có một ngày con trở về nhà sau khi cùng các bạn hăng say hỏi han: Tại sao cần phải bình đẳng giới? Bình đẳng giới tại sao bắt con trai làm việc nặng còn con gái thì làm việc nhẹ hơn?
Ừ nhỉ! Nghe thì vô lí biết là bao nhiêu, đúng không? Đám nhóc tụi mẹ ngày bằng tầm tuổi các con cũng đã có những cuộc tranh luận thật gay gắt về điều này. Và có những người vì bảo vệ ý kiến của mình mà chẳng còn nhìn lại mặt đối phương nữa đấy.
Điều mẹ muốn kể trước hết cho con về bà nội và bà ngoại của con – những người mẹ của mẹ.
Bà ngoại của con sinh vào khi chiến tranh vẫn còn trên mảnh đất xinh đẹp này. Bà sinh ra và lớn lên khi những đói nghèo, loạn lạc và nước mắt trải đều mọi miền Tổ quốc, khi đàn ông được quyền năm thê bảy thiếp, đàn bà quẩn quanh những góc bếp hay chân lấm tay bùn, bất công và thiệt thòi là lẽ đương nhiên phải chịu.
Bà ngoại con sinh ra, trưởng thành, lập gia đình và sống đến bây giờ, luôn trong định kiến ấy. Vẫn luôn đè nặng tâm trí những gì xã hội nuôi cấy vào suy nghĩ: Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Thời của bà, sinh liền toàn con gái - ắt hẳn người phụ nữ sẽ là người “không biết đẻ”.
Bà ngoại con sinh vào thời mà tất cả gánh nặng đè lên vai người phụ nữ, con hư chắc hẳn do mẹ không biết dạy, chồng có thế nào cũng là do không biết giữ chồng… Bà ngoại con sinh vào thời hai từ “bình đẳng” thật mơ hồ, và không bao giờ nghĩ rằng nó có thể xảy đến trong cuộc đời bà, con ạ!
Đàn ông có thể san sẻ việc nhà với phụ nữ (Ảnh minh họa)
Sau này khi con khôn lớn, con sẽ có những giờ phút rung động với một bạn nữ nào đó trong đời.
Tình yêu là điều chẳng thể sẻ chia, và Hôn nhân cũng vậy.
Con sẽ chẳng thể nào chấp nhận việc người yêu của con có tình cảm cùng một cậu bạn bảnh bao nào khác. Nhưng bất bình đẳng, chính là việc xã hội trước đã ép buộc người phụ nữ phải “chia chồng” và san sẻ niềm quan tâm với những người đàn bà khác.
Thật đau lòng, đúng nhỉ phải không con?
Bà nội của con, người mẹ thứ hai của mẹ đã có lần vừa kể với mẹ vừa khóc. Hình ảnh chị gái bà vừa vượt cạn lần thứ tư – lại là gái, không có một miếng cháo vào bụng khi trải qua một ải sinh tử gian khổ vô cùng. Người đàn ông chung giường chung gối bỏ ngang nồi cháo đang sôi trên bếp lửa khi được nghe thông báo “lại là gái” phía cổng nhà.
Sinh con gái, người đàn bà mặc nhiên là người có lỗi. Liên tiếp sinh con gái, người đàn bà trở thành “tội đồ”.
Sau này, con đi học đến kiến thức môn Sinh học, con sẽ hiểu việc quyết định sinh con trai hay con gái là do người đàn ông, chẳng phải do phụ nữ. Vậy mà suốt bao nhiêu thế kỉ dài đằng đẵng, người đàn bà sinh con gái lại mang bao đau khổ, uất ức và tủi cực.
Buồn cười lắm đấy, đúng không con?
Ví dụ xa xôi trước nữa trước nữa mẹ cũng có thể kể cho con nghe, nhưng mẹ nghĩ có thể sách vở, báo đài, hay một phím gõ enter cũng để con tìm được hàng ngàn nguồn tài liệu khác.
Ông bà ngoại nghe biết bao câu người ta nói bóng gió: Nuôi con gái ăn học làm gì nó lại về nhà chồng. Nuôi con gái hay chữ làm gì nó cãi giả. Nuôi con gái làm gì quanh năm về bòn rút chắc gì biếu xén được cái gì… Nuôi con gái làm gì, vừa tốn của vừa tốn công…
Ông bà ngoại đã nuôi ba đứa con gái học hành tử tế, là mẹ là bác con, chỉ để “cho các cháu đỡ khổ, người đời đỡ khinh thường, chèn ép”.
Ông bà con đã nuôi con gái vì thương “chúng nó” thôi. Con ạ!
Ông bà nội con đã nói với bố con khi mẹ đang ở cữ rằng: “Bố mẹ nuôi con vất vả bao nhiêu, cũng như ông bà bên nhà nuôi vợ con bấy nhiêu. Có khi còn nhịn ăn nhịn mặc hơn thế vì ông bà đông con hơn bố mẹ. Nuôi được con lớn con khôn là đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Vì thế cần phải yêu thương vợ con nhiều hơn nữa. Chỉ cần các con yêu thương nhau, sống hạnh phúc thế đã là trả công bố mẹ rồi.”
Mẹ kể con nghe về thế hệ mẹ và bố, ngay cạnh con, hiện hữu bên con, được không?
Người đàn ông nắm tay mẹ trong phòng chờ sinh con, đau dồn dập năm ngày dài; mẹ không nuốt được một thìa cháo, cũng không thể nuốt được một ngụm sữa. Trong năm ngày ấy, điều duy nhất mẹ có chỉ là Tình yêu.
Là bà ngoại vừa khóc vừa nói: “Nếu là gánh đá mẹ còn gánh cho được. Nhìn thế này mẹ xót mà không biết phải làm thế nào”. Là bố chạy ngang chạy dọc, tìm bác sĩ xin giảm đau và xin cho mẹ đẻ mổ. Là cậu của con dìu mẹ ra vào nhà vệ sinh, là thấy mẹ muốn ngất đi bố xin mẹ đừng bỏ cuộc. Là bà nội vừa mổ u được năm ngày vẫn gọi điện liên tục hỏi han mẹ ra sao, “đau như thế xin mổ cho nó khỏe, bố mẹ xót ruột quá”. Là cơn đau kéo dài nhưng mẹ có những yêu thương xoa dịu. Là người phụ nữ khác trong phòng một mình đi đẻ, chỉ vì “Đứa này lại là con gái”.
Mẹ đã tưởng thời nay, chỉ cần có đứa con chấy rận là tốt lắm. Là chênh lệch giới tính nhiều như thế, sinh được con gái người phụ nữ phải thật là giỏi giang chứ nhỉ?
Mẹ kể con nghe việc có rất nhiều những cô gái trẻ xung quanh đang tuổi ăn tuổi học có bầu. Đương nhiên, lựa chọn giữ một đứa trẻ khi ấy không còn là việc của những cô gái ấy nữa, nó là trách nhiệm, đắn đo và cả một tương lai dài mà chàng trai và cô gái trẻ cùng lựa chọn. Và quyết định thế nào luôn có những hệ quả sau này.
Từ trước tới nay, những người hứng chịu nhiều nỗi đau từ dư luận chính là người phụ nữ.
Có thể khi bức thư này tới tay con, con cũng biết hành động “gọt đầu bôi vôi” của thời trước là sự xỉ nhục lớn đến nhường nào. Nhưng, chỉ người đàn bà phải gánh chịu? Thời nay cũng thế, bởi đàn ông không phải mang bầu, chẳng có dấu tích gì của việc làm sai trái, nhwung đàn bà thì có.
Việc sử dụng một biện pháp an toàn nên là ưu tiên hàng đầu cho những sự tò mò non dại của đám trẻ. Và việc giúp các con tiếp cận được chúng từ khi các con đến tuổi tìm hiểu, nó bỗng thuộc về trách nhiệm của gia đình và xã hội chúng ta đang xây dựng hàng ngày.
Trách nhiệm phòng ngừa thai không phải chỉ của cô gái trẻ dại dột, đừng đổ trách nhiệm cho một phía để cuối cùng run rẩy sợ hãi khi thấy kết quả của những đòi hỏi hết sức đời thường.
Mẹ muốn nói với con về những người hàng xóm xung quanh gia đình mình cười chê khi bố con vào bếp. Khi những bữa cơm sau ngày dài làm việc căng thẳng bố là người đảm nhận cho mẹ con mình.
Kể cho con nghe việc thiên hạ nói rằng “Đàn ông con giai mà phải nấu cơm rửa bát à? Kém!”
Mẹ không buồn vì miệng thiên hạ nói với bố như thế, bởi bố yêu mẹ con mình, bố sẽ không chấp nhặt những điều vụn vặt. Nhưng mẹ buồn cho những người phụ nữ tám giờ tối trở về nhà vẫn tất bật với dầu mỡ, cơm nước dù chồng ở nhà, hoặc vui vẻ bên một quán bia hơi ven đường.
Người nào cũng có nhu cầu thiết yếu: Ăn – ngủ - nghỉ và làm việc. Muốn ăn ngon, chắc hẳn phải biết nấu, hoặc ra nhà hàng. Muốn có áo quần đẹp, chắc hẳn phải biết là lượt hoặc đem ra tiệm. Nhưng đem ra ngoài phải đổi lại bằng những đồng tiền từ ví của họ, và họ không mất tiền chỉ mặc định cơm ngon canh ngọt do tay đàn bà. Vậy đàn bà làm, đàn ông các con bù đắp gì cho những cố gắng ấy? Chẳng phải dốc lòng hi sinh, dốc sức bảo vệ gia đình, đừng bao giờ phủ nhận, làm tổn thương tinh thần những người phụ nữ của mình hay sao?
Đó là công bằng, quan hệ trao đổi vô cùng bình đẳng đấy. Con ạ!
Bình đẳng giới có gì đâu to tát? Công việc nhà được san sẻ cùng nhau, bữa cơm cùng nấu, áo quần người giặt người phơi… Bình đẳng giới đâu phải chỉ tìm lại công bằng cho người phụ nữ? Chẳng phải đang gỡ bỏ biết bao áp lực cho cánh đàn ông các con hay sao? Ai nói đàn ông không được khóc? Đàn ông cũng có cảm xúc, cũng biết yêu thương – hờn giận cơ mà?
Ai nói đàn ông lúc nào cũng phải gồng mình mạnh mẽ? Cũng có những khi cảm thấy yếu đuối chết đi được, cớ gì mình không được bộc lộ chúng ra ngoài? Không được kiếm tìm sự cảm thông?
Vậy nên, chàng trai của mẹ. Hi vọng rằng nếu bức thư này có thể tới tay con, con có thể biết nâng niu hơn những người yếu đuối hơn con, trong tất cả khả năng con có. Hãy đối xử công bằng hơn với họ, hãy chia sẻ nhiều hơn những công việc của chung. Bởi không có công việc nào mang tới lợi ích chung mà nó chỉ của một người, con ạ.
Hi vọng những lời mẹ nói lúc này mang lại giá trị tích cực nhất cho chàng trai của mẹ.
Gửi chàng trai của mẹ tất cả thương yêu! 
                                                                             Tuyết Minh
TAG: bình đẳng giới Sinh nở bao
Tin khác
Sóc Trăng: Thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Ninh Bình: Huy động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững
 Sở LĐ-TB&XH TP.HCM gặp gỡ đối thoại với cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể
Lạng Sơn: Hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo
Bảo hiểm xã hội TP.HCM chuyển trụ sở làm việc về quận 7
Tín dụng chính sách - Điểm tựa cho thanh niên lập thân, lập nghiệp
 Nữ Bí thư Chi đoàn tận tâm với hoạt động tín dụng chính sách
Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo và giám sát đánh giá
Ninh Bình: Tăng cường công tác trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội