Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Giáo dục kỹ năng sống: Sự chuyển mình mạnh mẽ về môi trường văn hoá học đường
10:55 AM 15/10/2018
Giáo dục kỹ năng sống là một yêu cầu quan trọng, đảm bảo giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên Việt Nam thành công dân toàn cầu, hội nhập quốc tế. Khi trang bị tốt kỹ năng sống, chúng ta đã trao cơ hội đảm bảo thành công cao hơn cho học sinh, sinh viên.
Ngày 12/10, tại Nghệ An, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo "Thực trạng và giải pháp giáo dục kỹ năng sống trong trường học". Hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo đã cùng tập trung nghiên cứu, thảo luận đóng góp ý kiến sâu sắc và đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực nhất để giáo dục kỹ năng sống (KNS) trong trường học được toàn diện, đầy đủ và hiệu quả.
Năng lực, ý thức và kỹ năng mềm của HSSV phát triển
Năm học mới 2018-2019 đánh dấu năm thứ 6 toàn hệ thống chính trị và ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Toàn ngành giáo dục đã đạt được các kết quả to lớn trong triển khai Nghị quyết 29, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Trong đó đã chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, giá trị sống được tăng cường. Đặc biệt trong đó quá trình triển khai giáo dục KNS cho học sinh, sinh viên (HSSV) đã đạt được nhiều kết quả.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh cho biết, trong nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đã tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ để xác định các mục tiêu, ban hành các chính sách, quy định các điều kiện cơ sở đảm bảo công tác giáo dục KNS được thực hiện hiệu quả trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2010-2020, các nghị định của Chính phủ, các đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ GD&ĐT đã chủ động ban hành theo thẩm quyền nhiều quy định nhằm chỉ đạo triển khai giáo dục KNS cho HSSV trong tất cả các cấp học.
Nội dung giáo dục KNS đã được tích hợp vào trong các môn học chính khóa của chương trình phổ thông (môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Ngữ văn, Sinh học, Địa lý...), thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, của Đoàn-Đội, sinh hoạt dưới cờ hằng tuần... Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thường xuyên tổ chức và yêu cầu đổi mới nội dung, hình thức các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi, Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, trong đó đã thiết kế riêng hoạt động trải nghiệm (ở cấp tiểu học, THCS) và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (ở cấp THPT) với thời lượng 75 tiết đối với tất cả các học kỳ.
Trên cơ sở đó, ông Bùi Văn Linh cho biết, hiện nay hầu hết HSSV đã có nền tảng kiến thức rộng hơn, được trang bị và hiểu biết, thực hành tốt hơn các kỹ năng sống thiết yếu trong học tập, cuộc sống, sự tự tin và khả năng hội nhập quốc tế tốt hơn nhiều... Năng lực, ý thức và kỹ năng mềm, KNS xã hội, kỹ năng nghề nghiệp, thực hành, khả năng vận dụng sáng tạo kiến thức được học vào giải quyết các bài toán thực tiễn cuộc sống của HSSV được nâng cao rõ rệt.
Hội thảo "Thực trạng và giải pháp giáo dục kỹ năng sống trong trường học"
 Ảnh: VGP/Nhật Nam
Cơ sở vật chất thiếu, phụ huynh ít quan tâm
Tuy vậy, theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV, việc triển khai công tác giáo dục KNS trong các nhà trường vẫn còn các bất cập, khó khăn làm hạn chế hiệu quả công tác này. Đó là, cơ sở vật chất tại các trường học để tổ chức hoạt động các câu lạc bộ cho HSSV còn thiếu, tài liệu, học liệu cũng cần bổ sung thêm phục vụ công tác, vai trò của gia đình HSSV trong việc phối hợp tổ chức hoạt động KNS chưa đáp ứng yêu cầu thường xuyên cập nhật các kỹ năng của HSSV.
Tại Hội thảo, các tham luận phát biểu đã xác định những hạn chế, bất cập hiện nay, từ đó tiếp tục đưa ra các giải pháp đồng bộ, nâng cao nhận thức vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhà giáo, phụ huynh và HSSV trong tổ chức giáo dục kỹ năng sống.

Ông Nguyễn Trọng Bé (Sở GD&ĐT Nghệ An) cho biết, hiện tại công tác chỉ đạo, quản lý về hoạt động giáo dục KNS ở Nghệ An ở bậc học nào thì do phòng chuyên môn ở bậc học đó tham mưu triển khai mà chưa quy về một đầu mối quản lý chung, vì vậy sự liên thông và đồng bộ chưa cao, ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động này.
Chương trình, nội dung giáo dục KNS hiện nay chủ yếu đang ở dạng tích hợp, lồng ghép trong một số môn học nên chưa có nhiều thời gian để học sinh vận dụng vì vậy các nhà trường lúng túng trong việc lựa chọn, tổ chức các hoạt động. Các hoạt động tập thể về giáo dục KNS cơ bản mới đảm bảo được chiều rộng đó là cung cấp thông tin, lý thuyết mà chưa đi vào các tình huống thực tế nên việc tiếp nhận và vận dụng vào đời sống hàng ngày của học sinh chưa đạt như mong muốn. Mặc dù có sự chỉ đạo chung từ Sở GD&ĐT Nghệ An nhưng ở mỗi cơ sở giáo dục lại có những cách làm khác nhau.
Theo ông Nguyễn Trọng Bé, việc cân bằng định mức lao động ở một số nhà trường ảnh hưởng đến việc bố trí người tổ chức được các hoạt động giáo dục KNS. Vì vậy một số giáo viên làm công tác giáo dục kỹ năng sống tại nhiều trường học hiện nay còn hạn chế về năng lực và thiếu kinh nghiệm tổ chức các hoạt động.
TPHCM là địa phương có nhiều trung tâm giáo dục KNS nhất cả nước. Hiện nay, TPHCM đã cấp phép cho hơn 67 công ty, doanh nghiệp theo quy định có đủ điều kiện để hoạt động giáo dục KNS và hoạt động ngoài giờ chính khóa. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hồng Anh (Sở GD&ĐT TPHCM), tại TPHCM, ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục KNS chưa được nhận thức một cách đúng mức trong một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên. Khi thực hiện giáo dục KNS, giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng (chưa có tài liệu cho giáo viên và học sinh, tiêu chí đánh giá chưa cụ thể…). Bà Hồng Anh cho rằng tổ chức giáo dục KNS có những đặc thù riêng khác với các hoạt động giáo dục khác, nội dung giáo dục không chỉ diễn ra trong môn học mà còn thông qua một số hoạt động khác (hoạt động ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ...) cho nên phải tính đến cơ sở vật chất, kinh phí để thực hiện.
Cần cơ chế, chính sách riêng cho giáo dục KNS
Sở GD&ĐT Nghệ An kiến nghị Bộ GD&ĐT cần ban hành cơ chế, chính sách riêng để công tác giáo dục KNS được thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả và tăng cường kiểm tra đánh giá hoạt động này ở các nhà trường.
Cần có các chương trình tập huấn cho đội ngũ giáo viên làm công tác giáo dục kỹ năng sống cho các trường phổ thông. Có quy định cụ thể về định mức lao động đối với giáo viên làm công tác giáo dục kỹ năng sống. Quy định mức kinh phí, nguồn kinh phí được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm với mục đích giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông.
Các cơ sở giáo dục cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về giáo dục KNS cho các nhà trường, phụ huynh, cộng đồng. Tăng cường công tác phối hợp các cấp, các ngành, đoàn thể… trong giáo dục KNS cho học sinh.
Cần có cơ chế xã hội hoá giáo dục đối với việc giáo dục KNS để có kinh phí cho hoạt động ngoài giờ lên lớp, tham quan, trải nghiệm sáng tạo, dạy bơi...cho học sinh.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần thông tin rộng rãi đến cha mẹ học sinh ý nghĩa và lợi ích của việc tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động giáo dục kỹ KNS.
Đại diện Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng ngành giáo dục các địa phương nên phối hợp với các đơn vị có chức năng tổ chức hoạt động giáo dục KNS đã được cấp phép hoạt động tổ chức các hoạt động giáo dục KNS cho học sinh tại đơn vị trên cơ sở cấp thiết, phù hợp với từng đối tượng và có sự đồng thuận từ phía cha mẹ học sinh.
Bà Nguyễn Phương Liên (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội) nhấn mạnh việc các trường cần tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các lớp tập huấn về giáo dục KNS, quan tâm đến việc trang bị các cơ sở vật chất, phương tiện nhằm nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ phụ trách công tác giáo dục KNS tại đơn vị. Trong nhà trường, hết sức chú trọng đến việc chỉ đạo thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, câu lạc bộ kỹ năng, câu lạc bộ sáng tạo… Tạo điều kiện về mặt cơ sở vật chất, thời gian, con người và kinh phí hoạt động để các câu lạc bộ trong nhà trường hoạt động hiệu quả nhằm tạo môi trường vui chơi, học tập qua đó trang bị các kỹ năng cần thiết cho học sinh.
Theo chinhphu.vn
TAG: giáo dục kỹ năng sống học sinh sinh viên
Tin khác
Công bố quyết định thành lập trường Cao đẳng Huế
TP.HCM: Nâng cao chất lượng GDNN đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế
684 học viên các trường Bộ Công an hoàn thành huấn luyện đầu khóa
Trường Cao đăng Quảng Nam ký biên bản hợp tác toàn diện với Trường Đại học Thái Bình Dương
Hội GDNN TP.HCM: Tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai hoạt động năm 2024
Trường Đại học Lao động - Xã hội ký kết các Biên bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo
Trương Cao đẳng Y tế Tiền Giang: Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển
Thành phố Hồ Chí Minh: Trên 20 cơ sở GDNN tham gia tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh tại Ngày hội “Hướng nghiệp - Tuyển sinh” lần 12
Chọn nghề trong thời đại 4.0