Thị trường - Tiêu dùng
Trang chủ / Kinh tế / Thị trường - Tiêu dùng
Giải pháp nào cho nông nghiệp sạch Việt Nam?
09:37 AM 10/01/2018
(LĐXH)- Nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đã được đưa ra trong “Diễn đàn quốc gia phát triển nông nghiệp hữu cơ lần thứ nhất” tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua.
Mở rộng diện tích và nâng cao hiệu quả trong sản xuất
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Đại Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Trang trại Bảo Châu, Hà Nội, nêu ý kiến, cần nghiên cứu công nghệ sinh học, chỉ có ứng dụng công nghệ sinh học vào NNHC thì mới có năng suất cao, có chất lượng tốt, giá thành thấp để đáp ứng đại đa số người tiêu dùng. Các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm để NNHC có năng suất cao, chất lượng ngày càng tốt hơn.
Ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội NNHC Việt Nam chia sẻ: Việt Nam là một nước nông nghiệp, đất chật người đông. Diện tích đất nông nghiệp trên đầu người chỉ bằng 8,7% trung bình của thế giới. Để đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là tăng năng suất, mà muốn tăng năng suất thì chỉ có con đường ưu tiên NNHC. Đây cũng là xu thế của các nước trên thế giới đang áp dụng.
Toàn cảnh diễn đàn quốc gia phát triển nông nghiệp hữu cơ lần thứ nhất
“Hiện nay, sản xuất NNHC ở Việt Nam đã được 33/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai, trong đó có nhiều mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Diện tích canh tác hữu cơ năm 2016 đã tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010 và đạt khoảng 77.000ha. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là một con số quá nhỏ so với 50,9 triệu ha canh tác hữu cơ của thế giới và 11,53 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam”, ông Phong cho biết thêm.
Theo báo cáo của Hiệp hội NNHC Việt Nam, về sản xuất nông sản hữu cơ, hiện nay cả nước có 26 đơn vị, với diện tích 4.100ha, ở 15 tỉnh thành mà tập trung chủ yếu là Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nam, Lâm Đồng, Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu. Một số sản phẩm hữu cơ đã có chỗ đứng vững trên thị trường như mật ong, rau, chè, thịt heo, tôm... Tuy nhiên, việc sản xuất NNHC hiện nay cơ hội thì ít mà khó khăn thách thức thì nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do quy trình sản xuất khắt khe, chi phí chứng nhận cao và phức tạp, phải có thời gian khá dài để cải tạo đất, thị trường tiêu thụ chưa ổn định…
Tháo gỡ vướng mắc
Về một số khó khăn, ông Lê Quốc Phong cho biết, tiêu chuẩn quốc gia hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm hữu cơ được sản xuất theo phương pháp hữu cơ được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2015 chưa thực sự đi vào cuộc sống, phải chuẩn bị để thay thế bằng Tiêu chuẩn quốc gia 11041:2017 đang dự thảo với các quy định chi tiết hơn. Việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản phẩm hữu cơ, hài hòa với quốc tế là rất cần thiết cho mọi thành phần tham gia sản xuất NNHC.
Nhiều mô hình sản phẩm sản xuất nông nghiệp từ quy trình NNHC được đông đảo người tiêu dùng quan tâm
Diễn đàn cũng đã đề cập đến 8 nội dung chính như: Quan điểm phát triển NNHC: NNHC hay phi hữu cơ?; NNHC nên hướng đến thị trường nào?; Ai là người tham gia sản xuất sản phẩm hữu cơ?; Quy mô phát triển NNHC ở Việt Nam nên như thế nào?; Sản xuất NNHC nên hướng vào chủng loại sản phẩm nào?; Cần có bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại sản phẩm hữu cơ?; Chính sách gì cần được Chính phủ ban hành để NNHC thực sự được các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư?; Làm sao để tránh được sự cạnh tranh không lành mạnh, loại bỏ được các sản phẩm “đội lốt” hữu cơ, đang gây ra sự hoài nghi của người tiêu dùng trong và ngoài nước?
Từ đó, nhằm giúp tìm ra giải pháp hữu hiệu cho các tổ chức, cá nhân đã, đang và sẽ tiến hành sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm NNHC được thuận lợi, có hiệu quả để phát triển bền vững như một loại hình sản xuất tiến bộ.
Để thúc đẩy phát triển NNHC, nhiều đại biểu cho rằng cần quan tâm đến nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất NNHC như đất trồng, phân bón hữu cơ, khoáng thiên nhiên, công tác bảo vệ thực vật… Ngoài ra, còn phải lưu ý vấn đề sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản hữu cơ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào quá trình sản xuất.
Kết luận tại diễn đàn, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: Cần phải có hệ thống quản lý đồng bộ NNHC, phải có lộ trình phát triển chặt chẽ cũng như có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất NNHC, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về NNHC.
"Chính phủ giao cho Bộ NN và PTNT xây dựng dự thảo Nghị định NNHC. Đến giờ này chúng tôi cũng đã hoàn tất. Có thể không lâu nữa Nghị định sẽ ra đời. Sau khi Nghị định ra đời, Chính phủ cũng giao Bộ NN và PTNT xây dựng Đề án phát triển NNHC 2018-2025, đây là những điều kiện rất tốt để chúng tôi nghiên cứu thêm từ các ý kiến thực tế, các băn khoăn của các đại biểu, chúng tôi sẽ tiếp thu đưa vào trong các Nghị định”, ông Nam nhấn mạnh./.
Hoài An
TAG: nông Nghiệp hữu cơ
Tin khác
Ra mắt Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp và Công bố Báo cáo khung chỉ số khởi nghiệp quốc gia
Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh - Xu hướng tất yếu của sự phát triển
AEON Việt Nam và chiến lược định vị nơi làm việc bền vững
Hệ thống chỉ số ACE - Mô hình kích hoạt tăng trưởng bền vững  cho thương hiệu trên TikTok Shop
BIDV MetLife chính thức giới thiệu tân Tổng Giám đốc
Generali Việt Nam tiên phong ra mắt bộ hợp đồng bảo hiểm phiên bản thân thiện môi trường
Xu hướng kinh doanh ngành chăm sóc sắc đẹp - Ứng dụng chuyển đổi số
Chuyển đổi số - cơ hội để phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam
Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động,  khơi thông động lực tăng trưởng mới