Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Gặp người thương binh “nghiện” làm từ thiện ở quận Hoàng Mai
01:26 PM 25/12/2019
(LĐXH)- Nhắc tới thương binh Triệu Ngọc Du ở tổ 18, phường Mai Động - quận Hoàng Mai, Hà Nội, các cựu chiến binh và lãnh đạo phường đều ca ngợi và tỏ lòng kính trọng, khâm phục. Năm nay đã 81 tuổi, song ông vẫn không ngừng tham gia công tác xã hội, đóng góp công sức xây dựng các hội ông tham gia, luôn là tấm gương sáng cho con cháu, bà con dân phố noi theo. Đặc biệt từ nhiều năm qua, ông là người “nghiện” làm công tác từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời còn thiếu may mắn.
Phóng viên gặp thương binh Triệu Ngọc Du dịp các cựu chiến binh phường Mai Động tổ chức gặp gỡ sinh hoạt định kỳ cuối năm. Tại đây, những người lính cụ Hồ xưa lại có dịp hàn huyên, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống, cũng như ôn lại một thời máu lửa, oai hùng và đẹp đẽ mà họ được trải qua thời trai trẻ. Thương binh Triệu Ngọc Du kể, ông bắt đầu đi thanh niên xung phong từ năm 1959, tham gia xây dựng con đường 12B Hòa Bình. Hai năm sau, được chuyển về học nghề cơ khí ở Uông Bí, sau đó có mặt phục vụ các công trường lớn như hồ Thác Bà, khu công nghiệp Bắc Giang, Công ty sà lan Chèm...
Về những vết thương trên cơ thể, ông nhớ lại cuối năm 1966, khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông tình nguyện tạm biệt cha mẹ già, vợ trẻ, con thơ để lên đường nhập ngũ vào chiến trường Sài Gòn, dù ông là con trai duy nhất. Gần Tết Mậu Thân 1968, ông được bổ sung vào Trung đoàn Cơ động của biệt động thành. Đúng 28 Tết, ông cùng đồng đội vượt sông Sài Gòn để vào thành và bị địch chặn đánh. Đợt đó, địch dùng pháo binh đánh suốt ngày và ông bị thương ở Bình Mỹ - Củ Chi.
Thương binh Triệu Ngọc Du
Ngày 29 Tết, ông được đưa về khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia để điều trị vết thương ở đầu và vai. Sau đó, ông được bổ sung về Tiểu đoàn Bảo vệ Cục tham mưu Quân giải phóng. Do ông bị thương, lại có trình độ văn hóa nên được bố trí làm công tác quản lý. Năm 1973, Tiểu đoàn này giải tán, ông được đưa đi bồi dưỡng sư phạm và trở thành giáo viên. Sau giải phóng 1975 ông được ra Bắc, trở về với gia đình, vợ con.
“Tôi thấy mình thật may mắn vì chỉ bị thương, vì lúc đó đã xác định vào Sài Gòn hoặc là chết hoặc bị địch bắt. Được trở về gia đình là điều hạnh phúc nhất của người lính, bởi nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống nơi chiến trường. Vì thế người còn sống phải sống tốt, sống có ích, biết yêu thương và chia sẻ với cộng đồng” - ông tâm sự.
Tham gia Hội cựu chiến binh được gần 20 năm, đảm nhiệm công tác Chi hội trưởng từ năm 2014, cùng với đó ông tham gia Hội chữ thập đỏ, Hội thanh niên xung phong, hội Người cao tuổi phường Mai Động. Ở cương vị nào, ông cũng tham gia nhiệt tình, đóng góp hiệu quả, sống gương mẫu, xây dựng mối đoàn kết trong hội. Ông nghe đài, xem vô tuyến thấy còn nhiều mảnh đời bất hạnh nên tâm niệm cần san sẻ chút ít với cộng đồng. Ông có đọc Kinh phật, được hiểu về “từ bi hỷ xả”. Trong khi đó với phong trào “Lá lành đùm lá rách”, chỉ cần mỗi người góp 200.000 đồng một tháng là có thể đem lại cơ hội trường hay chữa được bệnh tim bẩm sinh cho hàng ngàn em nhỏ. Ông nghĩ, với mức lương hưu, cùng với lương thương binh của mình cũng có khả năng làm việc này.
Thế là bắt đầu từ quý 4/2016, ông bắt đầu đóng góp cho Hội chữ thập đỏ phường Mai Động để cùng san sẻ với những mảnh đời còn thiếu may mắn trên địa bàn. Đều đặn mỗi tháng, ông trích 200.000 đồng nộp vào quỹ “Lá lành đùm lá rách” của phường. Như vậy trong năm 2017, ông đóng góp được 2,4 triệu đồng. Thấy vẫn còn... ít, năm 2018 ông đề xuất được đóng lên 3 triệu đồng và được lãnh đạo Hội cũng như phường hết sức hoan nghênh. Năm 2019 ông tăng số tiền lên, nộp lên phường 300.000 đồng mỗi tháng. “Tôi coi đây như hạt cát trong sa mạc từ thiện thôi chứ cũng chẳng đáng là bao” - ông phấn khởi nói.
Về những địa chỉ cần giúp đỡ, các cán bộ Hội chữ thập đỏ phường thấy trên địa bàn vẫn còn nhiều địa chỉ rất khó khăn, cho nên đóp góp của thương binh Triệu Ngọc Du phần nào san sẻ, động viên để giúp những đối tượng cần giúp đỡ thấy ấm lòng hơn. “Các chị ở phường nói, trong năm 2018 ở khu dân phố tôi có một địa chỉ được nhận mỗi quý 500.000 đồng, 4 quý là 2 triệu đồng; 1 triệu còn lại trợ giúp cho các cháu nhỏ, gia đình cô đơn, khó khăn mỗi người một chú ít trong dịp Tết tới đây. Như vậy tôi đã giúp được 3 địa chỉ. Hội chữ thập đỏ cũng kêu gọi mỗi hội viên là một địa chỉ của từ thiện và tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đó” - người thương binh già cười hiền hậu.
Bản thân ông luôn tự nhận thấy việc mình làm là rất nhỏ nhoi, chưa thấm vào đâu. Song, ông chính là tấm gương, nguồn cảm hứng để nhiều thành viên trong Hội, cũng như những người có điều kiện trong phường noi theo. Bởi thống kê cho thấy, theo gương ông, nhiều người đã rất tích cực tham gia đóng quỹ “Lá lành đùm lá rách” dù ít nhiều, thậm chí có người mỗi năm đóng từ 5 - 6 triệu đồng, có khi lên đến 10 triệu đồng mỗi năm.
Nhắc đến thương binh Triệu Ngọc Du, ông Nguyễn Đình Luật - Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường Mai Động hồ hởi cho biết, trên cương vị công tác Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh, ông Du đảm nhiệm được 4 năm và năm nào Chi hội cũng đạt danh hiệu Xuất sắc toàn diện. Đến nay, riêng khu 3 nơi ông Du sinh sống, phường thí điểm về quản lý đô thị “Xanh, Sạch, Đẹp”. Bản thân ông Du luôn cố gắng phối hợp với khu phố thường xuyên làm công tác tuyên truyền, vận động giữ vệ sinh, an toàn giao thông, nâng cao ý thức người dân. Đối với gia đình, ông luôn gương mẫu, vận động con cháu sống trong khu phố sao cho luôn xứng với gia đình văn hóa.
“Thương binh Triệu Ngọc Du là một trong những hội viên điển hình, tích cực tham gia công tác xã hội trong khu dân cư, bảo vệ dân phố, góp phần cùng chính quyền và nhân dân giữ vững an anh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, xây dựng tổ dân phố, khu dân cư ngày càng vững mạnh. Ông đã đoàn kết các hội viên, giúp đỡ lẫn nhau tích cực rèn luyện, giữ vững phẩm chất truyền thống người lính cách mạng” - ông Nguyễn Đình Luật nhấn mạnh./.
Hồng Minh
TAG: tấm gương thương binh bao
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024