Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Đồng Nai: Triển khai nhiều giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động
05:27 PM 27/01/2023
(LĐXH)- Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19 và tình hình kinh tế trong nước và thế giới, tỉnh Đồng Nai đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, qua đó góp phần phục hồi và phát triển thị trường lao động.

Tỉnh đã triển khai nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Đồng Nai là tỉnh nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam với dân số hơn 3,3 triệu người, diện tích tự nhiên 5.894,73 km2 gồm 11 huyện, thành phố. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có 35 khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 2.010 dự án của các quốc gia như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... Tỉnh có trên 41.200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó có 1.551 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với khoảng 540.000 lao động; có gần 10.000 doanh nghiệp có tham gia đóng BHXH với số lượng lao động tham gia BHXH là 806.948 người, trong đó có 789.630 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, trên địa bàn Đồng Nai diễn biến hết sức phức tạp và chịu ảnh hưởng nặng nề, có khoảng 4.200 doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch COVID-19 với gần 500.000 lao động phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ giãn cách, chấm dứt hợp đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai đã chi hỗ trợ cho 10.642 đơn vị/doanh nghiệp, 22.259 hộ kinh doanh và 2.128.578 người lao động với tổng số tiền là 4.660,01 tỷ đồng. Trong đó riêng chính sách hỗ trợ lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động là 995.164 người với số tiền là 1.492,75 tỷ đồng. Hỗ trợ gạo theo Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 19/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận và kịp thời phân bổ hơn 3.128 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
UBND các huyện, thành phố đã phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của 4.089 doanh nghiệp với 341.790 lao động, trong đó: 300.648 lao động hưởng chính sách đang làm việc tại doanh nghiệp; 41.142 lao động hưởng chính sách quay trở lại thị trường lao động tổng số tiền hỗ trợ là 442.146 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai một số chính sách đặc thù của tỉnh như: Quyết định số 4346/QĐ-UBND hỗ trợ 06 nhóm đối tượng khó khăn gồm người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo (1.500.000 đ/người/hộ); người dân đang thuê phòng trọ (300.000 đ/người); người thuê phòng trọ phải thực hiện giãn cách xã hội trong các khu cách ly tạm thời và người lang thang trong các khu cách ly tạm thời (120.000 đ/người/ngày). Theo đó, toàn tỉnh đã thực hiện phê duyệt cho 601.247 người với số tiền là 295,76 tỷ đồng; thực hiện chi trả cho 533.794 người được hưởng chính sách hỗ trợ từ gói an sinh xã hội với kinh phí trên 274,79 tỷ đồng.
Hỗ trợ đối với người lao động có hoàn cảnh khó khăn: Tỉnh hỗ trợ 60.000 phần quà trị giá 500.000 đồng/người, với tổng số tiền 30 tỷ đồng để chăm lo cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết nguyên đán năm 2023 theo đề nghị của LĐLĐ tỉnh. Đối với công nhân lao động bị mất việc: Hiện Thường trực Tỉnh ủy đã chấp thuận chủ trương và UBND tỉnh đang hoàn chỉnh hồ sơ để ban hành Quyết định hỗ trợ cho khoảng 50.000 người lao động bị mất việc hoặc bị hoãn hợp đồng lao động trên 30 ngày và hiện nay chư có việc làm, mỗi người 1,5 triệu đồng, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 75 tỷ đồng.
Theo Sở Lao động - TBXH tỉnh, với những tác động tiêu cực của dịch bệnh và trong bối cảnh xu hướng phát triển tình hình trong nước và trên thế giới, nhằm duy trì việc làm bền vững, phục hồi, ổn định và phát triển thị trường lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, Sở đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện các giải pháp: Tiếp tục thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhằm giúp các doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất, thích ứng với diễn biến của dịch trên cơ sở bám sát các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các chủ trương, chính sách của tỉnh.
Tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp; cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời nhằm kích thích nền kinh tế, cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Sớm ban hành những chính sách ưu tiên và khuyến khích hộ sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vì đây sẽ lực lượng phục hồi nhanh hơn so với các loại hình khác và tạo nhiều chỗ làm việc để thu hút người lao động. Những biện pháp này không chỉ giúp các doanh nghiệp và người lao động thoát khỏi nguy cơ phá sản, mất việc và giảm thu nhập, mà còn tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của chương trình giải quyết việc làm. Đa dạng hóa các hình thức tạo việc làm kết hợp đào tạo nghề; mở nhiều sàn giao dịch phù hợp với đặc điểm của địa phương và đối tượng tham gia, nâng cao năng lực tư vấn, giới thiệu việc làm của trung tâm dịch vụ việc làm trong vận hành sàn giao dịch. Tăng cường sự phối hợp kết nối thông tin giữa các Trung tâm dịch vụ việc làm với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động.
Chuyển hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới theo hướng tăng chất lượng, tăng nhanh các ngành dịch vụ công nghiệp kỹ thuật cao, đặc biệt chú trọng thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ. Khuyến khích ứng dụng, sử dụng khoa học công nghệ cao. Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, đặc biệt là lao động trẻ, lao động là người đồng bào dân tộc, lao động nữ nhằm phát triển về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, để có một đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, có kỹ năng nghề nghiệp, có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hiệu quả, sản xuất, kinh doanh./.
 
Thu Hương
TAG: lao động Hỗ Trợ Ðồng Nai
Tin khác
Hà Nội: Hỗ trợ 2000 công nhân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024
Quảng Nam: Đẩy mạnh công tác lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Honda Việt Nam thực hiện nghiêm công tác an toàn lao động tại nơi làm việc
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Thường xuyên diễn tập kỹ năng xử lý sự cố an toàn lao động
Kiểm tra công tác ứng dụng công nghệ và kiểm soát rủi ro về an toàn lao động
Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) đủ mạnh để bào vệ được người lao động và cán bộ Công đoàn
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Diễn tập thường xuyên để tránh xảy ra sự cố về an toàn lao động
Vĩnh Phúc: Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động
Ninh Bình: Triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024