Xã hội
Trang chủ / Xã hội / Xã hội
Đồng Nai: Nhiều kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững
02:32 PM 06/08/2020
(LĐXH) - Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong những năm qua, bằng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở Đồng Nai đã đạt nhiều kết quả khả quan, qua đó giúp cho người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Ông Huỳnh Văn Tịnh – Giám đốc - Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích trong công tác giảm nghèo bễn vững

Theo ông Huỳnh Văn Tịnh – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết: “Theo kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh Đồng Nai có 7.954 hộ nghèo, chiếm 0,99% so với số hộ dân và 10.387 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,3% số hộ dân thì đến cuối năm 2019 toàn tỉnh đã giảm được 0,35% tỷ lệ hộ nghèo ( tương đương 2.454 hộ nghèo) và giảm 0,64% tỷ lệ hộ cận nghèo ( tương ứng giảm 4.632 hộ cận nghèo) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy giao (Tỉnh ủy giao giảm 0,3% tỷ lệ hộ nghèo và 0,5% tỷ lệ hộ cận nghèo).

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung mọi nguồn lực triển khai các chương trình và xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế xã hội, giảm hộ nghèo bền vững theo Chương trình Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, tăng cường các chính sách ưu đãi về y tế, giáo dục, đào tạo nghề, hỗ trợ tín dụng, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, công tác xuất khẩu lao động, tạo sinh kế ổn định, thoát nghèo bền vững.

Theo đó, tỉnh Đồng Nai đã đẩy mạnh các giải pháp như công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp các ngành, tổ chức hội, đoàn thể và cán bộ, nhân dân cùng chung tay góp sức hướng đến xóa đói, giảm nghèo gắn với  thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Cụ thể,  trong năm 2019 tỉnh đã tổ chức biên soạn cuốn tài liệu truyền thông giảm nghèo (in nhân bản 800 cuốn cấp cho cấp huyện, xã để phổ biến) và tổ chức 92 lớp truyền thông chương trình giảm nghèo bền vững cho 4.784 lượt người tham dự. Ngoài ra, một số địa phương đã tổ chức truyền thông qua đài phát thanh cấp huyện, xã để giới thiệu mô hình giảm nghèo tiêu biểu, các hoạt động liên quan đến chương trình… Thông qua dự án truyền thông đã giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo được nâng cao năng lực, cập nhật các chế độ, chính sách mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo nắm bắt được các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (CTMTQGGNBV).

Mô hình nuôi dê sinh sát góp phần giảm nghèo hiệu quả tại tỉnh Đồng Nai được nhân rộng

Song song đó, toàn tỉnh đã tổ chức mở 11 lớp tập huấn (mỗi đơn vị cấp huyện mở 1 lớp) có 1.552 cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, xã, tổ vay vốn tham gia; đồng thời in 1.500 cuốn tài liệu, nội dung hướng dẫn các chính sách, dự án, hoạt động thuộc chương trình MTQGGNBV và kết hợp với một số chuyên đề theo điều kiện thực tế của từng địa phương trong tỉnh để phổ biến. Thông qua các lớp tập huấn này đã giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp nắm vững về chuyên môn nghiệp vụ và năng lực tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo đạt hiệu quả cao.

Về thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, trong năm 2019 chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã cho 3.850 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay với số tiền 145.894 triệu đồng, bình quân mức vay đạt 40,23 triệu đồng/hộ ( trong đó, ngân sách địa phương cho 1.943 hộ vay với số tiền 77.594 triệu đồng); tổng dư nợ vay 689.799 triệu đồng với 23.633 hộ vay, trong đó, nợ trong hạn: 686.632 triệu đồng, nợ quá hạn 2.974 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,43%. Ngoài ra, Ngân hàng chính sách còn cho vay hỗ trợ tạo việc làm cho 10.063 lượt hộ, với số tiền 348.312 triệu đồng, tạo việc làm cho 15.063 người lao động, mức vay bình quân của mỗi hộ là 34,6 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cho 3.438 lượt học sinh, với số tiền trên 40.509 triệu đồng; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường 18.164 lượt hộ để làm 18.164 công trình nước sạch, 17.061 vệ sinh môi trường và cho 61 người vay làm nhà ở xã hội…

 Nhìn chung, hoạt động cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn sản xuất - kinh doanh đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về vốn cho hộ nghèo. NHCSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với BCĐGN và các tổ chức Chính trị - xã hội các cấp, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn để đảm bảo cho vay đúng đối tượng, giải ngân vốn kịp thời, phù hợp nhu cầu của hộ vay và giám sát người vay sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn (gốc và lãi) đạt kết quả tốt.

Về chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo, trong năm 2019, Đồng Nai đã cấp 48.276 thẻ BHYT miễn phí cho người nghèo, người cận nghèo, người mới thoát nghèo theo quy định với số tiền 30,788,1  triệu đồng. Ngoài ra, hỗ trợ cho 356 người thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình mua thẻ BHYT với số tiền 63,7 triệu đồng. Việc mua và cấp thẻ BHYT đảm bảo đúng thời gian, đúng đối tượng và không bỏ sót đối tượng. Đây là một chính sách thể hiện sự quan tâm  của Đảng và Nhà nước tới công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, tạo công bằng xã hội, được đa số người dân ủng hộ, đặc biệt là nhóm người nghèo, tạo cho họ tâm lý an tâm, vững tin trong cuộc sống. Tỉnh còn hỗ trợ 8.1614 lượt đối tượng hộ nghèo khi đi khám chữa bệnh với tổng số tiền 8.773,3 triệu đồng theo Quyết định 28/2016 của UBND tỉnh về việc chi hỗ trợ một phần mức chi khám chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh.

Trao tặng bò cho hộ nghèo ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai

 Bên cạnh đó, trong năm học 2018-2019 và học kỳ 1 năm học 2019 - 2020,  tỉnh Đồng Nai đã thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ giáo dục con em hộ nghèo theo quy định cho 6.487 lượt  học sinh, sinh viên, với kinh phí 1.112 triệu đồng. Đồng thời hỗ trợ tiền điện cho 7.954 hộ nghèo theo quy định với kinh phí 5.297,36 triệu đồng.  Đối với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, Đồng Nai đã tích cực triển khai, phân bổ cho hoạt động phát triển sản xuất cho các hộ nghèo trên địa bàn như: Dự án khuyến nông hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề nông nghiệp cho hộ nghèo (do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì), đã triển khai thực hiện theo kế hoạch của UBND tỉnh và Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo (do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì): tổ chức xây dựng và phê duyệt 17 dự án ( 07 dự án nuôi dê, 09 dự án nuôi bò, 01 dự án trồng mít) nhân rộng  mô hình giảm nghèo ở 68 xã, phường, thị trấn có 683 hộ ( trong đó  có 238 hộ nghèo, 436 hộ cận nghèo, 09 hộ mới thoát nghèo) tham gia các dự án với kinh phí 12.799,23 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 6.909,91 triệu đồng, hộ tham gia dự án là 5.889,23 triệu đồng.

Nhiểu mô hình giảm nghèo hiệu quả ở Đồng Nai được nhân rộng trên địa bàn

Các địa phương đã làm tốt công tác chọn lựa mô hình tiêu biểu để nhân rộng, các mô hình chọn đều được đảm bảo phù hợp với các điều kiện kinh tế, kiến thức, hoàn cảnh của hộ tham gia và có tính khả thi cao. Các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế và có xu hướng ngày càng phát triển tốt. Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, kết quả của dự án sinh kế tính đến cuối năm 2019 đã có 396 hộ nghèo, 674 hộ cận nghèo tham gia dự án đã được bình xét là hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo ( chiếm 59%), số hộ còn lại sẽ thoát nghèo trong 1 đến 2 năm tới. Đây là một trong những giải pháp được đánh giá là đột phá nhất vì đã hỗ trợ hộ nghèo một cách thiết thực, hiệu quả bền vững. Ngoài ra, Sở còn tổ chức lồng ghép hỗ trợ cho 286 lao động hộ nghèo tham gia học nghề theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với kinh phí 558 triệu đồng, các nghề được đào tạo như: Nuôi gà, dê, bò và trồng nâm, sinh vật cảnh… ước có trên 90% số lao động sau khi tốt nghiệp các nghề đào tạo đã tìm kiếm được việc làm hoặc tự tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.

Cùng với đó, chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong năm 2019, tỉnh tổ chức thực hiện cuộc vận động Quỹ “Ngày vì người nghèo” được 20.594,895 triệu đồng, trong đó: sử dụng xây dựng và bàn giao 285 căn nhà tình thương với kinh phí 12.354,676 triệu đồng  và sửa chữa 62 căn nhà ở cho hộ nghèo với kinh phí 1.056,7 triệu đồng.  Ngoài ra, Ban Thường vụ UBMTTQ Việt Nam các cấp đã thăm và tặng 9.836 phần quà trị giá 4.174,9 triệu đồng cho các đối tượng (gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn đột xuất) tại các huyện, thị xã, thành phố; tặng 1.202 suất học bổng cho học sinh nghèo trị giá 1.409,2 triệu đồng; hỗ trợ 68 người nghèo khám chữa bệnh, sản xuất chăn nuôi cho 124 hộ với số tiền 2.309 triệu đồng…

Nhiều hộ nghèo ở Đồng Nai thoát nghèo bền vững vươn lên làm giàu nhờ các mô hình làm ăn có hiệu quả

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Vẫn còn một bộ phận hộ nghèo chưa tự giác nỗ lực phấn đấu vươn lên, còn trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của nhà nước và cộng đồng. Một số chính sách triển khai chậm ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng, như: dự án khuyến nông hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề nông nghiệp cho hộ nghèo, chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo.  Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo một số địa phương chưa ổn định, hay bị thay đổi (nhất là cấp xã) nên gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, điều tra rà soát hộ nghèo hàng năm.  Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt BHYT mua BHYT còn thấp.

Vì vậy, để chương trình giảm nghèo một cách bền vững, trong năm 2020 tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu phấn đấu giảm 0,19% tỷ lệ hộ nghèo (tương ứng giảm 1.500 hộ nghèo), giảm 0,25% tỷ lệ hộ cận nghèo (tương ứng giảm 2.000 hộ cận nghèo) và tập huấn nâng cao năng lực cho khoảng 1.500 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo (tỉnh, huyện, xã, ấp). Cùng với đó là hoàn thành các mục tiêu đề ra, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giảm nghèo, công tác hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả để hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, kịp thời các dự án, chính sách, hoạt động chương trình nhằm hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cạn nghèo, hộ mới thoát nghèo một cách kịp thời và có hiệu quả nhất theo kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện CTMTQGGNBV tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 – 2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều./.

Hoàng Cảnh

                                                                                                        

 

 


TAG: Đồng Nai: Nhiều kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững
Tin khác
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024
Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện A Lưới
Nghệ An: Nỗ lực chăm sóc toàn diện cho trẻ em