An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Đông Anh: Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng chính sách
02:33 PM 25/10/2021
(LĐXH) Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) luôn xác định hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Đông Anh là huyện ngoại thành lớn của Thủ đô Hà Nội, có tổng diện tích 18.562 ha, dân số gần 400 nghìn người phân bổ trên 23 xã và 1 thị trấn. Đảng bộ huyện có 60 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 45 Đảng bộ cơ sở và 15 chi bộ cơ sở. Huyện có nhiều lợi thế với diện tích tự nhiên rộng, điều kiện tự nhiên, giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào để phát triển kinh tế, xã hội.
Chính vì vậy, kinh tế của huyện luôn phát triển ổn định và duy trì mức mức tăng trưởng khá (giai đoạn 2010 - 2015 tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,3%; giai đoạn 2015 - 2020 tăng trên 10%, cao hơn chỉ tiêu đề ra). Hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội hàng năm và các chỉ tiêu kinh tế xã hội toàn khóa đều đạt và vượt so với Nghị quyết được HĐND Huyện quyết nghị và Nghị quyết Đảng bộ Huyện đề ra. Công tác giải quyết việc làm được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần và nếp sống văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao. Hệ thống hạ tầng được xây dựng đồng bộ, tạo bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, diện mạo các xã được đổi mới rõ nét; hệ thống chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn được giữ vững ổn định…
Hoạt động giao dịch của Ngân hàng chính sách xã hội tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội
Tháng 10/2016, huyện Đông Anh đã vinh dự được Chính phủ công nhận và trao danh hiệu huyện đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, trở thành huyện thứ 2 của Hà Nội, thứ 7 trong cả nước đạt chuẩn Nông thôn mới. Kết quả trên đã tạo đà cho huyện triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng Huyện Đông Anh thành quận và các xã - thị trấn thành phường trong tương lai không xa.
Để thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn xác định hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội về tín dụng chính sách xã hội. Huyện ủy đã ban hành kế hoạch số 163-KH/HU ngày 15/7/2015, chỉ đạo UBND huyện ban hành văn bản số 617/LĐTBXH-UBND ngày 14/8/2015 và giao nhiệm vụ cho các phòng, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH); quan tâm chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương gắn việc thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội với việc thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm của huyện như: xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH thực hiện tốt nhiệm vụ.
Hàng năm, HĐND, UBND huyện kịp thời bố trí nguồn vốn từ ngân sách huyện chuyển sang để NHCSXH tăng thêm nguồn vốn vay. Tính đến 30/9/2021, tổng nguồn vốn Ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH huyện đạt 12.560 triệu đồng, chiếm 2,5% tổng nguồn vốn cho vay.
Điểm giao dịch của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đông Anh tại xã Mai Lâm
UBND huyện thường xuyên chỉ đạo kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, đặc biệt từ năm 2015 việc bổ sung các Chủ tịch UBND cấp xã làm thành viên Ban đại diện cấp huyện đã tạo sự thống nhất, tập trung trong triển khai tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở. UBND Huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc giao chỉ tiêu thực hiện tín dụng chính sách; củng cố nâng cao chất lượng tín dụng-giảm chỉ tiêu nợ quá hạn; tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Đông Anh để chỉ đạo các Phòng, ngành chức năng, các đơn vị nhận ủy thác, UBND các xã, thị trấn phối hợp tốt với NHCSXH trong việc chuyển tải nguồn vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; chỉ đạo NHCSXH huyện, các đơn vị nhận ủy thác tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn trước, trong và sau khi cho vay, đảm bảo nguồn vốn đến đúng tay người thụ hưởng.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của huyện và sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được một số kết quả quan trọng: Đến 30/9/2021, tổng dư nợ nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 499.209 triệu đồng, với trên 12.000 lượt hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn huyện đã được vay vốn, trong đó có 288 hộ cận nghèo, 1.998 hộ thoát nghèo, 65 hộ vay là người tàn tật được vay vốn tạo điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống; trên 6.000 lao động tạo được việc làm; 35 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; đầu tư xây dựng trên 13.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; trợ giúp 173 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, thoát khỏi cảnh nhà tạm bợ... Các hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo tiếp tục được vay vốn để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững.
UBND huyện thường xuyên chỉ đạo NHCSXH tập trung thực hiện đúng quy trình tín dụng; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị- xã hội trong thực hiện văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác và đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn.  Đến 30/9/2021, nợ quá hạn là 65 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,013% tổng dư nợ. Số xã, thị trấn không có nợ quá hạn đạt 23/24 xã.
Thông qua việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là tại khu vực nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển các khu sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật và các vùng sản xuất nông nghiệp sạch...
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Đông Anh còn có một số hạn chế cần tập trung để chỉ đạo khắc phục đó là: một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, chưa thực sự đưa nội dung này vào nghị quyết, chương trình hoạt động theo định kỳ gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Huyện ủy, UBND huyện xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt trong thời điểm Huyện đang ưu tiên tập trung các nguồn lực để xóa nghèo, tăng giàu, tạo thế và lực mới để xây dựng Đông Anh thành quận giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn Huyện  phải tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn nữa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố về tín dụng ưu đãi.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, lãnh đạo huyện Đông Anh xác định nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới như sau: Các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố về tín dụng chính sách xã hội đến các cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân để triển khai nghiêm túc, hiệu quả.
Kiện toàn kịp thời các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện khi có sự thay đổi theo đúng quy định; phân công, phân nhiệm vụ rõ ràng cho các thành viên Ban đại diện thuộc các phòng, ban ngành, Chủ tịch UBND cấp xã để phát huy vai trò của các thành viên Ban đại diện; tăng cường công tác, kiểm tra, giám sát, nắm bắt việc thực hiện tín dụng chính sách tại các địa bàn cơ sở. Từ đó tiếp tục tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn.
Hàng năm, HĐND, UBND Huyện bố trí nguồn vốn từ ngân sách chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách khác, góp phần chống tái nghèo, đảm bảo thoát nghèo bền vững. Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của NHCSXH trên địa bàn.
Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác của NHCSXH có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nội dung được ủy thác.
Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát các tổ chức đoàn thể, Ban chỉ đạo trợ giúp người nghèo, cấp ủy chính quyền thôn trong việc tuyên truyền về tín dụng chính sách, thành lập các Tổ TK&VV, bình xét lựa chọn đối tượng cho vay, phê duyệt cho vay, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn, hoàn trả vốn vay, xử lý các trường hợp người vay gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh…. cũng như phối hợp đôn đốc, xử lý các trường hợp sử dụng vốn sai mục đích, chây ỳ trả nợ, làm thất thoát lãng phí nguồn vốn cho vay.
Thảo Lan

 

 

TAG: Đông Anh Hà NộI Phát huy vai trò của cấp ủy chính quyền nâng cao chất lượng hiệu quả tín dụng chính sách Ngân hàng chính sách xã hội
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công