An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Đòn bẩy để giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở Nam Định
03:04 PM 28/07/2020
(LĐXH) – Cùng với nguồn lực đầu tư của Đảng và Nhà nước, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội là một trong những “đòn bẩy” giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Nam Định làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Thời gian qua, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo Ngân hàng CSXH tập trung huy động vốn của tổ chức, cá nhân trên thị trường và từ các thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác với phương châm “nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Từ năm 2016 đến nay, tất cả các đối tượng chính sách thuộc đối tượng được thụ hưởng các chương trình tín dụng đang triển khai thực hiện trên địa bàn nếu có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được đáp ứng kịp thời. Tính đến ngày 31/3/2020, tổng nguồn vốn đạt hơn 3.166 tỷ đồng, tăng gần 893 tỷ đồng so với cuối năm 2015. Trong đó: Nguồn vốn cân đối từ Trung ương là gần 2.677 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 84,55% tổng nguồn vốn); Nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất chênh lệch là 460 tỷ đồng (chiếm 14,53% tổng nguồn vốn), trong đó huy động tiền gửi của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn được gần 145 tỷ đồng; Vốn nhận ủy thác đầu tư ngân sách địa phương là hơn 29 tỷ đồng.
Mô hình nuôi thỏ của anh Triệu Đình Hợi, xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
Từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH tỉnh, trong 5 năm qua, đã có 12.786 lượt hộ nghèo được vay số tiền 538,4 tỷ đồng, doanh số thu nợ 615,7 tỷ đồng; 29.429 lượt hộ cận nghèo được vay vốn với số tiền 1.329 tỷ đồng, doanh số thu nợ 806 tỷ đồng; 13.843 hộ mới thoát nghèo được vay vốn với số tiền 644,5 tỷ đồng, doanh số thu nợ 261,4 tỷ đồng và 75.329 các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp 19.434 hộ thoát nghèo và cận nghèo; giải quyết thêm việc làm cho 5.683 lao động. Các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn để đầu tư sản suất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, làm giàu tại quê hương mình, góp phần thực hiện các tiêu chí về giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm cả về số lượng và tỷ lệ (đầu năm 2016 số hộ nghèo là 33.864 hộ, tỷ lệ 5,7%; đến cuối năm 2019 số hộ nghèo chỉ còn 9.943 hộ, tỷ lệ 1,53%). 
Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng còn góp phần tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn. Ngoài nguồn vốn của Trung ương, Ngân hàng CSXH tỉnh đã được ủy thác từ ngân sách địa phương các cấp để cho vay tạo việc làm với 4.860 khách hàng vay số tiền 190,1 tỷ đồng; thu hút, tạo việc làm mới, duy trì và mở rộng việc làm cho 5.683 lao động. Dư nợ đến 31/3/2020 của chương trình đạt 118,4 tỷ đồng, tăng 45,3 tỷ đồng so với 31/12/2015, với 2.978 khách hàng còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách không chỉ nhằm nâng cao về thu nhập, tạo sinh kế cho người dân, mà còn nhằm quan tâm cải thiện chất lượng đời sống người dân nghèo vùng nông thôn. Đã có 66.280 hộ gia đình được vay số tiền gần 1.005 tỷ đồng để xây dựng mới và cải tạo 66.276 công trình nước sạch, 66.257 công trình vệ sinh; doanh số thu nợ 563,8 tỷ đồng.
Cùng với đó, Ngân hàng CSXH tỉnh luôn duy trì đáp ứng nhu cầu vốn cho 100% các hộ đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn giải quyết khó khăn (xây mới, sửa chữa) về nhà ở, qua việc giải ngân 9,6 tỷ đồng cho 384 hộ làm nhà ở. Tổng dư nợ của chương trình đến ngày 31/3/2020 là 28,9 tỷ đồng. Con em các gia đình chính sách cũng được hỗ trợ để có thêm điều kiện học tập. Từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân cho 3.458 hộ được vay vốn với số tiền 170 tỷ đồng, giúp cho 3.801 học sinh, sinh viên có điều kiện đến trường học tập, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ “Không để một học sinh, sinh viên nào vì khó khăn về tài chính phải bỏ học”.
Các chương trình khác như cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cho vay nhà ở xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các đối tượng vay vốn gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh... khắc phục khó khăn, tiếp tục có vốn để sản xuất, Ngân hàng CSXH tỉnh đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể nhận ủy thác thực hiện tốt công tác xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, đảm bảo chính xác, kịp thời, bổ sung nguồn vốn tạo điều kiện để người vay tiếp tục đầu tư khắc phục rủi ro, khôi phục sản xuất./.
Cảnh Hưng
TAG: Đòn bẩy để giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội ở Nam Định
Tin khác
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công
Gần 500 nghìn hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được tiếp nhận qua cổng dịch vụ công quốc gia
TP.HCM: Vẫn còn một số đơn vị gặp khó trong việc kê khai hồ sơ thu BHXH, BHYT, BHTN..
Quân khu 7 tổng kết thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy tập hài cốt liệt sĩ
Bàn giao nhiều di vật, kỷ vật cho các gia đình liệt sĩ ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế
Dự án “Thả lưới ước mơ” – thêm điều kiện biến những ước mơ của trẻ em thành hiện thực
Quận Hoàn Kiếm khám bệnh miễn phí cho hơn 500 người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo