Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Định hướng nghề nghiệp của học sinh nhìn từ các kỳ thi tay nghề
10:59 AM 21/05/2018
(LĐXH)- Học sinh, sinh viên học nghề có tỷ lệ việc làm rất cao; những trường đào tạo chất lượng cao, có ngành nghề trọng điểm hầu như 100% có việc làm.
Tại Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ X năm 2018 được tổ chức từ ngày 13-20/5/2018 tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam, có 56 đoàn dự thi (trong đó, có 05 Bộ, ngành Trung ương; 01 tập đoàn; 02 Hiệp hội và 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) với 520 thí sinh dự thi ở 26 nghề và được tổ chức thi ở 06 Hội đồng thi quốc gia do 5 Bộ và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội chủ trì.
Kết quả, Kỳ thi đã lựa chọn được 63 thí sinh đạt giải Nhất, 15 thí sinh đạt giải Nhì, 71 thí sinh đạt giải Ba, 154 thí sinh đạt giải Khuyến khích. 06 đoàn có thành tích cao nhất là: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải.
Đối tượng được tham dự cuộc thi tài này là các bạn trẻ từ 22 tuổi trở xuống, vì vậy, hầu hết thí sinh của cuộc thi đang được đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Để được lọt vào vòng thi cấp quốc gia, các bạn trẻ phải vượt qua thử thách ở các vòng thi do các bộ, ngành Trung ương, các tập đoàn, các hiệp hội, các tỉnh/thành tổ chức.
Một thí sinh đang làm bài sửa chữa ô tô (Ảnh: Tổng cục GDNN)
100% học sinh học nghề có việc làm
Đánh giá về Kỳ thi này, TS.Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, Kỳ thi tay nghề quốc gia được tổ chức từ năm 2000 để tuyển chọn thí sinh tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN và kỳ thi tay nghề thế giới. Qua các kỳ thi, nhận thấy chất lượng cuộc thi tay nghề quốc gia ngày càng nâng cao. Chính vì vậy, thí sinh tham gia các kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới đã đạt được những kết quả khá tốt. Đặc biệt, trong kỳ thi tay nghề ASEAN, chúng ta đã 3 lần đạt giải Nhất toàn đoàn. Trong khối các nước ASEAN, chỉ có Việt Nam và Thái Lan đạt được thành tích cao như thế.
Kỳ thi tay nghề thế giới, chúng ta thường đứng ở top khá. Chẳng hạn, năm 2006, đoàn Việt Nam đứng thứ 25 trên tổng số 56 nước tham dự và 2 năm gần đây chúng ta đều đạt Huy chương Đồng. Kết quả này khẳng định trình độ tay nghề của Việt Nam được cải thiện rất nhiều, vươn lên tầm ASEAN và thế giới.
TS.Nguyễn Hồng Minh đánh giá, trong những năm qua, HSSV khối giáo dục nghề nghiệp đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng mới phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Chính vì thế, tỷ lệ những người học nghề ra trường có việc làm rất cao so với năm trước. Có những trường đào tạo chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm, hầu như 100% HSSV học xong có việc làm.
“Kỳ thi tay nghề của quốc gia không chỉ mang tính chất lựa chọn thí sinh đi thi tay nghề ASEAN và thế giới, mà mục tiêu là lan tỏa kỹ năng, phương pháp, chất lượng của cuộc thi ra toàn hệ thống. Trước khi chúng ta tổ chức kỳ thi tay nghề cấp quốc gia thì phải có cuộc thi cấp trường, cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp bộ, ngành.
                         Nghề pha chế đồ uống được nhiều học sinh lựa chọn (Ảnh: Tổng cục GDNN)
Tất nhiên, ở các trường đã có luyện thi tay nghề giỏi để lựa chọn thí sinh có tay nghề xuất sắc tham gia vào cuộc thi cấp tỉnh, ngành, Trung ương. Do đó, thi tay nghề không chỉ lan tỏa đến tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc, mà từ đó các trường hoàn thiện lại chương trình, phương pháp dạy và học, đánh giá kỹ năng ở ngay nghề đó để có được bộ chương trình tốt hơn, phương pháp dạy tốt hơn cho HSSV” - TS.Nguyễn Hồng Minh nói.
Đại học không phải là con đường duy nhất
Liên quan đến định hướng giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên, nhân cuộc tọa đàm mới đây trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương chia sẻ, lâu nay công tác định hướng nghề nghiệp đã được thực hiện nhưng còn chưa được rộng khắp và chưa sát với nhu cầu thực tiễn. Sau khi tốt nghiệp THCS, người học có thể lựa chọn học lên THPT hoặc học nghề phù hợp với lứa tuổi. Do đó, giới trẻ không nhất thiết chọn con đường vào đại học mà cần cân nhắc, định hướng nghề nghiệp ngay từ THCS và THPT.
Còn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phân tích, tâm lý chung của thanh niên Việt Nam là muốn đi học đại học. Tuy nhiên, để học đại học, người học phải bảo đảm năng lực và nhiều điều kiện cụ thể khác như về kinh tế. Theo đó, hướng nghiệp tốt nhất là xã hội định hướng còn mỗi người tự chọn cho mình công việc phù hợp. Học đại học là chính đáng, cần thiết nhưng đây không phải là con đường duy nhất để lập thân lập nghiệp.
Xu hướng học nghề thay vì vào đại học đang trở thành phổ biến hiện nay
Hiện cả nước có gần 2.000 trường CĐ, TC nghề và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang sắp xếp để chuẩn bị trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng ở cấp tỉnh, mỗi địa phương có một trường CĐ dạy nghề. Ở tuyến huyện sáp nhập các trường lại, nhưng hướng chung là mở các trường tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài. Các trường này do doanh nghiệp mở, đào tạo lao động cho chính mình.
Năm 2018 là năm ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xác định tạo đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng đề án đổi mới chất lượng và nâng cao giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 10 nhóm giải pháp lớn, hướng tới giáo dục nghề nghiệp phải làm sao lượng người học phải đông lên. Các học viên sau tốt nghiệp có việc làm, có thu nhập ngày càng cao hơn và được học liên thông lên CĐ, lên ĐH và thậm chí cao hơn.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng cho hay, tới đây học phí học nghề sẽ tăng theo lộ trình khi các cơ sở đào tạo được giao quyền tự chủ. Theo đó, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ miễn giảm, học phí cho đối tượng gia đình chính sách; mở rộng đối tượng được hỗ trợ tín dụng học sinh - sinh viên hiện nay và nâng mức hỗ trợ./.
Nguyễn Thìn (tổng hợp)
TAG: tuyển sinh học nghề Giáo dục nghề nghiệp
Tin khác
Tăng cường sự tham gia của Phụ nữ, người khuyết tật và hoà nhập cộng đồng trong GDNN lĩnh vực Logistic
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành  kiểm định chất lượng 10 chương trình đào tạo
Thái Nguyên: Tăng cường công tác thể dục, thể thao trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Cần Thơ chú trọng công tác giáo dục nghề nghiệp
Úc và Việt Nam hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động
Giải bóng đá học sinh sinh viên trường Cao đẳng Quảng Nam – Tạo nền tảng thể lực để kiến tạo tương lai
Màn chào sân ấn tượng của những ngành học mới tại Ngày hội Tuyển sinh Bách khoa
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành công bố mức điểm sơ tuyển năm 2024 theo phương thức xét tuyển học bạ và ĐGNL
TP.HCM: Gần 790 thí sinh dự tranh tài tại Hội thi Học sinh, sinh viên giỏi nghề lần thứ 15