Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Định hướng nghề nghiệp cần bám sát nhu cầu thị trường lao động trong thời đại cách mạng 4.0
04:32 PM 06/12/2019
(LDXH) - Đó là yêu cầu được đặt ra tại Hội thảo “Định hướng nghề và việc làm cho thanh niên trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” do Cục Việc làm phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức sáng ngày 6/12 tại Hà Nội.
Tham gia Hội thảo có ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm; ông Đỗ Văn Giang, Vụ phó Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cùng lãnh đạo tới từ các Cục, Vụ, Viện có liên quan, đại diện các trường đại học, cao đẳng, các Trung tâm dịch vụ việc làm, các tổ chức quốc tế liên quan tới việc làm (ILO, Manpower)...
 Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, trong thời gian qua, vấn đề định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên luôn là một vấn đề quan trọng và cấp thiết được Đảng và Nhà nước quan tâm. Hàng loạt các bộ Luật như Luật Thanh niên, Luật Việc làm,... đã và đang được Quốc hội xem xét, sửa đổi nhằm tăng cường chất lượng định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, thanh niên, hỗ trợ đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho hàng triệu thanh niên mỗi năm. Tuy nhiên, với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những sự thay đổi này vẫn còn chậm chạp, chưa thực sự hiệu quả và bắt kịp với xu hướng thời đại. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên hiện nay là 6,43%, tuy thấp hơn so với tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước nhưng vẫn giảm nhiều hơn nữa. Tỉ lệ thanh niên có trình độ đã qua đào tạo và có bằng cấp chỉ chiếm 27%; 13% thanh niên độ tuổi từ 15-24 không có việc làm hoặc không được đào tạo, chất lượng nhân lực thấp; 39,5% thanh niên làm những công việc dễ tổn thương hoặc không được hưởng lương, phụ giúp gia đình; 1/3 lao động trẻ làm nông nghiệp, năng suất lao động thấp.
Ông Đỗ Văn Giang, Vụ phó Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trình bày tham luận về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông
Nghịch lý hơn nữa là tỷ lệ thất nghiệp của những người đã qua đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt của những người có trình độ đại học thường cao gấp đôi chỉ số thất nghiệp chung của toàn bộ lực lượng lao động. Nguồn nhân lực chất lượng cao trở nên dôi dư khi nhu cầu vẫn còn rất lớn. Theo đánh giá, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tình trạng trên được chỉ ra là do sự khập khiễng trong quan hệ cung cầu: chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, sâu xa bắt nguồn từ chính sự thiếu chuyên nghiệp, không rõ ràng khi tiến hành định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tuy hàng năm, tại các trường THPT, THCS luôn có các đợt định hướng nghề nghiệp cho học sinh nhưng độ hiệu quả vẫn chưa cao, không có giáo viên chuyên biệt về giáo dục nghề nghiệp, những người phụ trách định hướng nghề nghiệp thậm chí còn thiếu kiến thức về thị trường việc làm, lao động trong nước, chỉ thực hiện theo ý kiến chủ quan và thiếu tính khái quát. Kết quả, đa số học sinh vẫn chọn trường đại học theo ý gia đình hoặc bạn bè, không có tính định hướng theo nhu cầu của thị trường lao động, tỉ lệ học sinh chọn theo học nghề sau khi tốt nghiệp THCS và THPT luôn rất thấp vì mục tiêu “vào đại học” luôn được ưu tiên hàng đầu, dẫn tới thiếu hụt về nguồn nhân lực lành nghề trong các ngành liên quan tới kĩ thuật, thực hành, sửa chữa trong khi lại bão hòa và dư thừa nhân lực các ngành kinh tế, ngân hàng, tài chính....
Trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế thế giới và xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, nhiều việc làm truyền thống sẽ mất đi, đặc biệt là những công việc tay chân, tự động, đòi hỏi trình độ lao động thấp và dễ dàng thay thế bằng máy móc. Bù lại, nhiều việc làm mới sẽ được sinh ra, thích ứng với trình độ công nghệ - khoa học kỹ thuật và đòi hỏi người lao động cần có trình độ để đáp ứng với sự thay đổi của thị trường việc làm trong tương lai. Để làm được như vậy, cần đo lường được chất lượng việc làm, xác định rõ nhu cầu của thị trường lao động mới, từ đó định hướng học sinh, sinh viên một cách bài bản, đúng hướng để khi ra trường các em có thể tìm được những công việc phù hợp nhất với bản thân.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Tại Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” vào ngày 16/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh 3 nguyên tắc đối với việc cải thiện công tác giáo dục nghề nghiệp. Trước hết, cần bám sát hơn nữa vào nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hòa cung cầu về lao động có kỹ năng nghề. Thứ hai, phát triển đào tạo nghề với chuẩn mực chất lượng quốc tế để đáp ứng yêu cầu cao các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thứ ba, nâng cao tính dự báo, cần hiểu, nắm bắt nhanh nhạy và dự báo sớm được nhu cầu nhân lực kỹ năng cao của doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn tới để định hướng hợp tác doanh nghiệp, nhà trường.
Hội thảo được tổ chức với mong muốn nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, trao đổi từ các đại biểu tham dự, nhằm nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chất lượng việc làm và lao động cho thanh niên trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh có hơn 400.000 người lao động trẻ tham gia vào thị trường lao động nhưng không tìm được việc làm, trong khi có nhiều việc làm lại không tìm được người lao động phù hợp.

Minh Ngọc

TAG: Giáo dục nghề nghiệp hướng nghiệp và định hướng việc làm cách mạng công nghiệp 4.0 Cục Việc làm Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Tin khác
Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5
TP.HCM: Hơn 2.600 lượt công nhân được vay vốn lãi suất ưu đãi từ CEP
Nghệ An: Chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động
TP.HCM: Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần