An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Để giảm nghèo vùng Tây Nam Bộ thực sự bền vững
12:43 PM 23/09/2020
(LĐXH) - Tây Nam bộ bao gồm 13 tỉnh (Long An, Đồng Tháp, An Giang, tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau). Theo tổng hợp báo cáo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo của các tỉnh vùng này, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của cả vùng đến cuối năm 2019 còn khoảng 11%. Tuy nhiên công tác này dường như chưa thực sự bền vững bởi nguy cơ thiên tai tiềm ẩn, cơ cấu lao động phân bổ chưa hợp lý, người dân còn chưa chủ động trong công việc, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số...
Kiên Giang với nhiều mô hình trồng cây lạ, nuôi con lạ giúp bà con giảm nghèo bền vững
Có được kết quả này là do các cấp các ngành và từng địa phương đã chỉ đạo, điều hành tập trung triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo của tỉnh nên việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu giảm được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu Nghị quyết của các cấp ủy đảng ở cấp huyện và cơ sở, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận chuyên môn thực hiện. Các chính sách hỗ trợ cho người nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ và đạt hiệu quả tích cực, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người nghèo, người có thu nhập thấp. Các chương trình, dự án được đưa về cơ sở, trong thực hiện đều phát huy quyền dân chủ của nhân dân, trong việc xét duyệt hộ thoát nghèo đều có sự tham gia của người dân. Vì vậy, người nghèo đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của chính bản thân mình và chủ động trong việc tiếp nhận các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng, phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Các tỉnh trong khu vực Tây Nam Bộ đã tập trung lãnh đạo, coi công tác giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các chính sách giảm nghèo được tổ chức thực hiện kịp thời, góp phẩn ổn định đời sống người dân như: chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo; chính sách nâng mức hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ học sinh nghèo về giáo dục - đào tạo; chính sách nhà ở; chính sách trợ giúp pháp lý; chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi… Các địa phương cũng đã triển khai các hoạt động hỗ trợ tạo sinh kế cho người nghèo như dạy nghề cho người nghèo gắn với việc làm, chú trọng đào tạo các nghề truyền thống, phù hợp điều kiện thực tế trên địa bàn, xây dựng nhân rộng các mô hình giảm nghèo như nuôi bò, nuôi dê, nuôi gà, buôn bán, sửa xe, đan lát...
Hỗ trợ nuôi bò cho bà con có thu nhập thấp ở huyện Tân Trụ tỉnh Long An
Dự án Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo tiếp tục được bố trí vốn thực hiện ở 93 xã thuộc 8 tỉnh có xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) với tổng kinh phí bố trí  trung bình hằng năm là 01 tỷ đồng/xã và 63 triệu đồng/xã để duy tu bảo dưỡng các công trình trên địa bàn và 0,3 tỷ đồng/xã để hỗ trợ phát triển sản xuất cho giai đoạn 2016-2020.
Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được bố trí kinh phí từ Chương trình cho 12/13 tỉnh miền Tây Nam Bộ (trừ thành phố Cần Thơ, tự cân đối ngân sách); các hoạt động truyền thông, giám sát đánh giá, đào tạo bồi dưỡng cán bộ giảm nghèo được quan tâm, đẩy mạnh.
Tỉnh Bến Tre có ban hành và triển khai thực hiện Đề án Phát triển đa dạng sinh kế và Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo: năm 2016 có 928/1.950 hộ tham gia dự án thoát nghèo, thoát cận nghèo và đến nay, có 1.186 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia Đề án sinh kế được lập hồ sơ theo dõi, quản lý.
Có thể nói, trong 5 năm thực hiện đề án “Củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam bộ” và được sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cấp ủy, chính quyền địa phương trong khu vực, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các ngành, các cấp tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện đề án, do đó chất lượng tín dụng chính sách tại các tỉnh, thành trong khu vực được nâng lên. Tổng doanh số cho vay toàn vùng đạt 33.393 tỷ đồng với 2.350.000 lượt người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân là 10,5%, cao hơn 1,8% tốc độ tăng trưởng bình quân chung toàn hệ thống (8,7%). Một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao, như: Hậu Giang 14,7%; Cần Thơ 13,6%; Cà Mau 12,3%; Sóc Trăng 11,8%…
Đồng Tháp với mô hình trồng cây cảnh cho nhiều hộ gia đình  thoát nghèo bền vững
Thông qua 1.581 điểm giao dịch đặt tại các trụ sở UBND cấp xã đã góp phần đảm bảo công khai, minh bạch, thuận tiện cho kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tại các địa phương; đồng thời, tiết giảm chi phí đi lại cho người dân, NHCSXH đã giúp cho trên 2,3 triệu lượt người nghèo và các đối tượng chính sách trong khu vực Tây Nam bộ có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.
Qua đó, góp phần giúp gần 386.000 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 147.000 lao động; giúp trên 184.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 1.089.000 công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn; trên 36.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; trong đó, có trên 20.000 căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Bước đầu có chuyển biến tích cực, nhưng tín dụng chính sách xã hội khu vực Tây Nam bộ còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của các đối tượng thụ hưởng chính sách. Chất lượng tín dụng chưa bền vững, chưa đồng đều giữa các địa phương; công tác điều tra, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chưa kịp thời rà soát, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo để người dân được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Sự phối hợp giữa công tác khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm… với hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH chưa tạo được sự gắn kết để vốn tín dụng chính sách thực sự phát huy hiệu quả đồng bộ và lâu dài.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn do công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách có liên quan đến công tác giảm nghèo ở một số địa phương chưa sâu, rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo; công tác phối kết hợp giữa các Sở, ban ngành, địa phương trong Ban Chỉ đạo đôi lúc chưa chặt chẽ, nhịp nhàng; thông tin báo cáo chưa đầy đủ và chưa kịp thời. Nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo còn hạn chế, việc triển khai tổ chức thực hiện các Chương trình, hoạt động hỗ trợ cho người nghèo ở một số nơi còn chậm. Một bộ phận hộ nghèo, người nghèo vẫn còn trông chờ nhiều vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng, không muốn thoát nghèo. Ngoài ra, còn một số hộ nghèo thuộc diện neo đơn, mất sức lao động, bệnh hiểm nghèo và không tư liệu sản xuất nên khó giảm nghèo bền vững…
Người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng với mô hình trồng cây ăn trái kết hợp với nuôi cá cho thu nhập ổn định
Trong thời gian tới, để công tác giảm nghèo thực sự bền vững và đạt được những kết quả khả quan, các địa phương ở khu vực miền Tây Nam bộ cần tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm:
- Tiếp tục quan tâm đề ra các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận của người nghèo, hộ nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống, nhất là về giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh.
- Tập trung thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chính sách xã hội về y tế, giáo dục, tín dụng, nhà ở, đất sản xuất… đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc; lồng ghép các nguồn lực của chương trình mục tiêu giảm nghèo kết hợp với các nguồn lực của tỉnh chăm lo cho hộ nghèo, tạo điều kiện thuận lợi để tất cả hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
- Tiến hành công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm đúng quy trình, báo cáo đầy đủ, kịp thời. Nhân rộng các mô hình, điển hình làm tốt về giảm nghèo để phấn đấu thi đua, các nơi học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.
- Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương các cơ quan, đơn vị và Doanh nghiệp giúp đỡ hộ nghèo; tăng cường vận động các Doanh nghiệp, mạnh thường quân và thân nhân hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; lồng ghép công tác giảm nghèo với việc xây dựng nông thôn mới và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Chủ động thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
- Xác định mối quan hệ giữa chính sách giảm nghèo với chính sách, chương trình phát triển chung của các địa phương; giữa giải pháp tình thế và giải pháp cơ bản, lâu dài; giữa cái cụ thể và cái tổng thể; khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận dân cư. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên gia giảm nghèo trong vùng nói chung và đối với vùng dân tộc thiểu số nó riêng. Đội ngũ này phải được đào tạo về nghiệp vụ hướng dẫn cho người dân trong việc lập kế hoạch, sử dụng vốn, kỹ thuật nông nghiệp, chăm sóc sức khoẻ... và phải có chế độ chính sách thoả đáng để họ hoạt động có hiệu quả trong sự nghiệp xoá đói giảm nghèo. Đặc biệt, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành đã có những đổi mới, nỗ lực cùng với ý thức, tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, tạo nên diện mạo mới cho các địa phương ở khu vực miền Tây Nam bộ.
Tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu khi di dờ cũng như hỗ trợ các hộ dân khi bị sạt lở
- Chủ động lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Chương trình. Tuyên truyền sâu rộng việc triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức từ trong nội bộ ra quần chúng nhân dân về ý nghĩa, mục đích của công tác giảm nghèo; nhất là giáo dục ý thức vươn lên thoát nghèo của từng hộ nghèo và cận nghèo.
- Chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đánh giá thường xuyên, chặt chẽ việc tổ chức thực hiện các chính sách và nguồn lực đầu tư của nhà nước, đặc biệt là đối với các huyện nghèo; đa dạng hóa các giải pháp hỗ trợ, giúp người nghèo thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, sớm thoát nghèo./.
Nguyễn Hữu Bắc
 
 
 
 
TAG: Tây nam bộ; Giảm nghèo
Tin khác
Quảng Ninh: Chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Bắc Kạn: Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Nghệ An trách nhiệm nghĩa tình với người có công
Thái Nguyên: Thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng
Bình Định: Thực hiện kịp thời, đồng bộ chính sách trợ giúp xã hội
Cảm phục những tấm gương thương, bệnh binh làm kinh tế giỏi ở huyện Yên Thế
Bình Định: Đẩy mạnh giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Hải Dương: Triển khai đồng bộ chính sách lao động, người có công và xã hội
Quảng Nam: Tập trung thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng