Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
10:49 AM 19/06/2018
LĐXH)- Trong thời gian qua, số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xu hướng tăng. Tính đến đầu năm 2018, cả nước có trên 80.000 người lao động nước ngoài đến từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới làm việc ở các vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật. Trong đó, trên 95% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động đã được cấp giấy phép lao động.
Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm trả lời phỏng vấn báo chí tại Hội thảo truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí
Theo ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - TBXH), dịch chuyển lao động giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển và hội nhập. Những năm qua, số lượng người lao động nước ngoài có trình độ và kinh nghiệm vào làm việc tại Việt Nam có xu hướng gia tăng đã đáp ứng sự thiếu hụt nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là những lĩnh vực mới, đòi hỏi công nghệ cao. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là những vị trí công việc mà lao động Việt Nam không đáp ứng được thì được sử dụng lao động nước ngoài vào các vị trí công việc nêu trên.
Hệ thống pháp luật về lao động nước ngoài thường xuyên được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Bộ luật Lao động ban hành ngày 23/6/1994, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995, đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012; trong đó lần sửa đổi năm 2012 là lần sửa đổi cơ bản, toàn diện quy định các nội dung về điều kiện của công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; điều kiện tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài; người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động; cấp, cấp lại giấy phép lao động; các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực... Để hướng dẫn thực hiện các nội dung trong quy định của Bộ luật Lao động từ năm 2008 – 2018, Chính phủ đã ban hành 4 Nghị định và Bộ trưởng Bộ Lao động- TBXH ban hành các Thông tư hướng dẫn về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Tính đến đầu năm 2018, đã có hơn 80.000 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Nhìn chung, các văn bản pháp luật quy định việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được ban hành đầy đủ, kịp thời và đồng bộ. Các văn bản hướng dẫn thực hiện cũng được bổ sung, hoàn chỉnh theo hướng chủ động và tăng cường quản lý. Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các văn bản pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Trình tự, thủ tục, hồ sơ trong việc chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài; cấp, cấp lại giấy phép lao động; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã giảm bớt thủ tục hành chính, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp giấy phép lao động theo tinh thần Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, thực hiện việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài qua mạng điện tử cũng được đẩy mạnh. Tính đến tháng 3/2018 đã có 41 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai phần mềm cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài qua mạng điện tử. Hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng người lao động nước ngoài thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Lực lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và lao động kỹ thuật đã bổ sung đáng kể nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý điều hành, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được.

Công nhân Trung Quốc làm việc tại Dự án Formosa Hà Tĩnh
Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa thực sự thường xuyên, liên tục, dẫn đến cách hiểu và thực hiện chưa được thống nhất. Thêm nữa, công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong quản lý lao động nước ngoài giữa các cơ quan chuyên môn ở địa phương chưa thật sự chặt chẽ, kịp thời và đồng bộ giữa ngành Lao động - TBXH, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Công an...  Việc phối hợp thực hiện trong việc quản lý còn hạn chế, công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, tổ chức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài còn hạn chế; việc xử lý các vi phạm chưa triệt để. Ý thức chấp hành pháp luật của một số nhà thầu, doanh nghiệp và người lao động nước ngoài trong việc tuyển, sử dụng và thực hiện cấp giấy phép lao động còn hạn chế, nhiều người lao động nước ngoài vào Việt Nam mới thực hiện việc cấp giấy phép lao động.
Trong thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực và có sự phối hợp của các cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí. Đồng thời, rà soát, đánh giá và hoàn thiện quy chế phối hợp theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ người sử dụng lao động, cấp giấy phép lao động, quản lý lao động, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam liên quan đến người lao động nước ngoài, các địa phương tuyệt đối không vì thu hút đầu tư mà nới lỏng quản lý lao động nước ngoài. Đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam có trình độ, kinh nghiệm để từng bước thay thế các vị trí công việc của lao động nước ngoài./.

Hồng Phượng
 
TAG: lao động Nước Ngoài quản Lý
Tin khác
Đề xuất tăng mức lương tối thiểu lên 6% từ ngày 01/7/2024
Hà Nội: Hỗ trợ 2000 công nhân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024
Quảng Nam: Đẩy mạnh công tác lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Honda Việt Nam thực hiện nghiêm công tác an toàn lao động tại nơi làm việc
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Thường xuyên diễn tập kỹ năng xử lý sự cố an toàn lao động
Kiểm tra công tác ứng dụng công nghệ và kiểm soát rủi ro về an toàn lao động
Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) đủ mạnh để bào vệ được người lao động và cán bộ Công đoàn
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Diễn tập thường xuyên để tránh xảy ra sự cố về an toàn lao động
Vĩnh Phúc: Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động