An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Đầu tư phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với xóa đói giảm nghèo
09:13 AM 11/07/2019
(LĐXH)- Chiều 10/7, tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị “Triển khai công tác phối hợp về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn”. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đồng chủ trì Hội nghị.
Thực hiện Nghị quyết số 74/2018 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2019, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổng kết đánh giá tình hình kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm cơ sở xây dựng Đề án.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đồng chủ trì hội nghị
Đến nay, Dự thảo Đề án đã qua 3 lần lấy ý kiến đóng góp của của Bộ, ngành và 51 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Mục tiêu của Đề án là đầu tư cho phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn đi liền với xóa đói giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển….
Cụ thể, đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh trong vùng dân tộc thiểu số, miền núi từ 8 đến 10%/năm (cao hơn mức bình quân cả nước); thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 3 đến 4%/năm; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn, 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với năm 2019; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 50% và lao động đến tuổi có việc làm thu nhập ổn định trên 80%; trên 90% số xã có đường ô tô được nhựa hóa; trên 80% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh…
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị
Thời gian qua, Bộ LĐTB&XH và Ủy ban Dân tộc đã phối hợp hiệu quả trong công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách về lao động, người có công và xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2018.
Trong đó phải kể đến một số chính sách đặc thù như: Chính sách giảm nghèo bền vững; hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi; bảo trợ xã hội; bảo vệ chăm sóc trẻ em… nhằm nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi. 
Trong giai đoạn 2015 - 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,55%/năm (vượt mục tiêu đề ra giảm 1 đến 1,5%/năm); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm 5,55%/năm (vượt mục tiêu đề ra giảm 4%/năm). Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3 đến 4%, đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1722 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân đóng góp ý kiến cho Đề án
Tham gia góp ý cho Đề án, liên quan các lĩnh vực giảm nghèo, ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, tiêu chí các địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là ở các huyện cần có thêm tiêu chí cho những địa bàn không phải miền núi nhưng đó chính là vùng dân tộc. Ví dụ, ở Trà Phú (Tây Nam Bộ), khi đi xác định hộ nghèo, các hộ nơi đây đã không lọt được tiêu chí. Vì thế tiêu chí nên mở, không nên đóng quá, để phù hợp thực tiễn.
Thứ trưởng LĐTB&XH Lê Quân cho rằng, trong Đề án cũng cần quan tâm, bổ sung mảng tín dụng. Tiếp cận tín dụng cho người dân rất quan trọng và thực tế chứng minh, tín dụng giải quyết hiệu quả cho đời sống người dân.
BHXH tự nguyện cũng là một vấn đề được Thứ trưởng đề xuất cần quan tâm hơn trong Đề án. Thứ trưởng Lê Quân thông tin, cùng với triển khai Đề án, sắp tới triển khai thí điểm rất nhiều gói bảo hiểm mới, đa tầng, nếu đưa vào Đề án này một số chỉ tiêu và xây dựng lồng ghép BHXH cho đồng bào các vùng, các ngành sẽ giúp chúng ta giải quyết về lâu dài vấn đề an sinh xã hội cho người cao tuổi.
Đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của Đề án đối với sự phát triển của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, Đề án đã tổng hợp khối lượng thông tin rất lớn, chính xác, khoa học về thành tựu, hiện trạng, khó khăn của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong giảm nghèo và phát triển bền vững...
Ông Đào Trường Thi phát biểu tại Hội nghị
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Đề án cần chú trọng hơn về an sinh, vì đây là phát triển bao trùm, để không để ai bị bỏ lại phía sau. Phải coi Đề án này là trọng tâm, đột phá, “chạy” song song với 2 chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời nhấn mạnh, Đề án này cần làm rõ đây là “đầu tư” chứ không phải chính sách “hỗ trợ”. Vừa qua, có một số chính sách hỗ trợ - có thể hỗ trợ vùng, địa bàn, hỗ trợ từng dân tộc, thậm chí hỗ trợ đến từng người dân về sinh kế.
Bộ trưởng cũng cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3 - 4%/năm thì phải nêu rõ theo tiêu chí nào và nên lấy tiêu chí 2016 - 2020 để xác định. Bộ trưởng cũng lưu ý về phạm vi của đối tượng điều chỉnh cần phân định rõ: Thứ nhất là vùng, địa bàn; thứ hai là con người.
Bộ trưởng kiến nghị, trong Đề án này, nếu có thể, trong định hướng tầm nhìn 2030, nên có 1 tầm nhìn mang tính chiến lược đối với dân tộc miền núi. Đó là làm cuộc "cách  mạng" về tái định cư dân cư. Nếu như vùng đồng bào dân tộc thiểu số - nhất là phía Bắc, nếu không làm một cuộc cách mạng về tái định cư thì rất khó khăn trong đầu tư.
Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cho biết Ban soạn thảo Đề án sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp từ phía Bộ LĐTB&XH để hoàn thiện Dự thảo Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14./.
Hồng Minh
TAG: đồng bào dân tộc an sinh xã hội chính sách dân tộc
Tin khác
Nghệ An: Quan tâm chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ
Sóc Trăng: Thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Ninh Bình: Huy động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững
 Sở LĐ-TB&XH TP.HCM gặp gỡ đối thoại với cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể
Lạng Sơn: Hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo
Bảo hiểm xã hội TP.HCM chuyển trụ sở làm việc về quận 7
Tín dụng chính sách - Điểm tựa cho thanh niên lập thân, lập nghiệp
 Nữ Bí thư Chi đoàn tận tâm với hoạt động tín dụng chính sách
Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo và giám sát đánh giá