An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Đắk Lắk: Vốn tín dụng chính sách giúp đồng bào DTTS thoát nghèo
04:28 PM 17/12/2020
Tại Đắk Lắk, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và các đối tượng chính sách vay vốn chương trình xuất khẩu lao động và phát triển sản xuất từ NHCSXH đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp bà con thoát nghèo.
Hiệu quả từ việc vay vốn xuất khẩu lao động
Cho vay vốn đi lao động ở nước ngoài (xuất khẩu lao động - XKLĐ) đã và đang là kênh "tín dụng" mang lại hiệu quả thiết thực cho nhiều hộ dân, trong đó có nhiều hộ đồng bào DTTS ở Đắk Lắk. Người vay vốn đi XKLĐ vừa có tiền gửi về giúp đỡ gia đình, vừa có tiền trả được vốn vay.
Là hộ cận nghèo, đầu năm 2020, bà H’Cem Kpơr (buôn Choah, xã Ea Na, huyện Krông Ana) được vay 89 triệu đồng từ NHCSXH huyện Krông Ana để cho con gái sang lao động tại Đài Loan (Trung Quốc).
Bà cho biết, trước đây con gái bà làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh nhưng do không có tay nghề nên chỉ được nhận làm ở những vị trí phụ việc khiến thu nhập vừa thấp, vừa không ổn định và việc giúp đỡ gia đình cũng rất eo hẹp.
Thấy nhiều gia đình có con đi làm việc ở nước ngoài có của ăn của để nên bà rất muốn con gái mình đi XKLĐ. Nhưng ngặt nỗi, tài sản duy nhất của gia đình là căn nhà đang ở có giá trị thấp nên không đủ điều kiện để thế chấp vay vốn ngân hàng thương mại.
Được nhiều người chia sẻ, đầu năm 2020, bà H’Cem biết đến chuuwong trình cho vay XKLĐ của NHCSXH nên đã khuyên con gái về quê làm hồ sơ vay vốn.
Một phiên giao dịch của NHCSXH huyện Ea Kar tại thị trấn Ea Knốp
Khi làm các thủ tục vay vốn, bà được cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Ana hướng dẫn và hồ sơ được giải quyết nhanh chóng. Đầu tháng 2/2020, con gái bà đã sang Đài Loan làm việc và thời gian sau đó con gái bà  gửi về nhà 50 triệu đồng. Bà đã trích 20 triệu đồng để trả tiền gốc vay NHCSXH, số tiền còn lại dành dụm để năm tới sửa sang lại nhà cửa. Bà hy vọng với công việc ổn định, con gái bà sẽ tiếp tục có thu nhập để vừa trả hết số nợ vốn vay, vừa có tiền đầu tư cho sản xuất.
Theo NHCSXH tỉnh Đắk Lắk, tính đến cuối tháng 11/2020, dư nợ XKLĐ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 6 tỷ đồng, với 105 khách hàng vay vốn (trong đó có 13 trường hợp vay ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc).
Trong năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh, toàn tỉnh chỉ có 16 trường hợp vay vốn đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài, với doanh số cho vay trên 1,3 tỷ đồng.
Tại huyện Krông Năng, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, xuất khẩu lao động đã đến với các hộ có nhu cầu vốn, phát huy hiệu quả.
Trong 10 tháng năm 2020, NHCSXH huyện Krông Năng đã giải quyết cho 184 lượt hộ vay vốn từ 2 nguồn này, với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Mới đây, Tổ kiểm tra của Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk tổ chức khảo sát tại một số hộ vay. Kết quả cho thấy vốn vay được sử dụng đúng mục đích, sau một thời gian vay, thu nhập của hộ vay vốn đã tăng lên so với trước đây. Các hộ vay đều nhận xét việc thực hiện các thủ tục, hồ sơ vay, giải ngân … được cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện tạo điều kiện tốt nhất để đồng vốn được đưa vào sản xuất.
Đòn bầy của công cuộc thoát nghèo
Nhiều hộ nghèo vay vốn từ NHCSXH huyện Ea Kar đã chia sẻ như vậy khi vốn vay ưu đãi của NHCSXH đến với họ.
Là một trong những đơn vị dẫn đầu về quy mô và chất lượng tín dụng chính sách xã hội trong tỉnh, NHCSXH huyện Ea Kar đã hỗ trợ nhiều hộ dân vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 3.624 lượt khách hàng được vay vốn từ NHCSXH huyện, với tổng doanh số 114,3 tỷ đồng, mức vay bình quân 30 – 50 triệu đồng/khách hàng. Một số chương trình có doanh số cao như cho vay cận nghèo (hơn 30 tỷ đồng(, hộ nghèo (gần 20,7 tỷ đồng), hộ mới thoát nghèo (18,9 tỷ đồng), nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (gần 16,8 tỷ đồng).
Theo ông Phạm Văn Ánh, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên đơn vị đã chỉ đạo sát sao việc phân vốn, giao chỉ tiêu, đôn đốc thu nợ và thường xuyên làm việc với UBND các xã, thị trấn, hội đoàn thể nhận ủy thác và các tổ trưởng tổ vay vốn để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Trên địa bàn huyện hiện có 18.116 lượt khách hàng được vay vốn tín dụng chính sách, với tổng dư nợ gần 450 tỷ đồng, tăng gần 30 tỷ đồng so với năm 2019, riêng dư nợ của khách hàng đồng bào DTTS đạt 146 tỷ đồng, tăng gần 20 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Khách hàng chủ yếu vay vốn để chăn nuôi đại gia súc, trồng cam, quýt, cải tạo ruộng vườn. Đồng vốn này đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo ở huyện giảm 3-4%/năm.
Gia đình ông Nguyễn Huy Hoan (thôn Ea Bớt, xã Cư Bông) là một trong những khách hàng quen thuộc của NHCSXH huyện Ea Kar khi đã nhiều lần vay vốn để phát triển sản xuất. Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, nhờ vay vốn đầu tư trồng cà phê, lúa, đến năm 2018, gia đình đã thoát nghèo. Hiện ông Hoan còn dư nợ NHCSXH 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư chăn nuôi gia cầm. Ông đang có 1.500 con gà, 400 con ngan chuẩn bị xuất chuồng. Dự kiến thu nhập từ đàn gia cầm này sẽ giúp gia đình ông có kinh tế ổn định, thoát nghèo trong năm tới.
Để vốn tín dụng chính sách đến được đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar tiếp tục tư vấn, hướng dẫn người vay vốn mở rộng sản xuất, cách sử dụng đồng vốn đạt hiệu quả tốt nhất, phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương.
Đồng vốn cho cây cà phê ra trái ngọt
Với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm từ NHCSXH, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Krông Ana có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Năm 2018, gia đình ông Trần Quang Vinh (thôn 2, thị trấn Buôn Trấp) được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện để tái canh lại 5 sào cà phê.
Đây là số cà phê già cỗi, năng suất, sản lượng rất thấp nên doanh thu hằng năm không đủ chi phí đầu tư. Do đó, khi nắm được thông tin gia đình thuộc diện được vay vốn tạo việc làm từ NHCSXH, ông đã mạnh dạn làm hồ sơ vay. Sau gần 3 năm cải tạo, nay vườn cà phê bắt đầu cho thu bói.
Ông Vinh cho biết khi chưa tiếp cận với nguồn vốn của NHCSXH, ông cứ nghĩ là khó khăn lắm, nhưng khi vay mới biết thủ tục vô cùng đơn giản, lãi suất hợp lý, chỉ mất thời gian 5 ngày hồ sơ vay vốn đã được giải quyết xong. Lãi suất trả theo từng tháng nên gia đình cũng dễ dàng xoay xở.
Không chỉ gia đình ông Vinh, trên địa bàn huyện Krông Ana, có hàng trăm hộ gia đình kinh tế đi lên từ vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm của NHCSXH.
Tuy nhiên, các hộ dân mong muốn Nhà nước tăng thêm nguồn vốn vay và nâng thời hạn vay cho chương trình này. Lý do là việc cải tạo vườn cà phê phải mất ít nhất 3 năm từ lúc cải tạo đất đến lúc cà cho thu bói. Nhiều hộ dân cho biết để cải tạo vườn cây khoảng 5 sào thì số vốn đáp ứng dao động từ 80 - 100 triệu đồng. Do đó, việc tăng mức vay sẽ làm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất cho các hộ dân.
Bà Huỳnh Thị Lữ Ái, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHSXH huyện Krông Ana cho biết xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm nguồn lực phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Những năm qua, NHCSXH huyện đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan về các chương trình cho vay tại các điểm giao dịch ở UBND các xã, thị trấn.
Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của các chương trình vay vốn đến các đối tượng biết và tham gia có hiệu quả nhằm phát huy tối đa tính ưu việt chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Kim Minh
TIN LIÊN QUAN
TAG: DTTS Ðắk Lắk NHCSXH Giảm nghèo
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024