Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Đắk Lắk: Đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp
11:19 AM 09/04/2019
(LĐXH) - Trong những năm qua, cùng với sự lớn mạnh và phát triển các doanh nghiệp thì công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động luôn được tỉnh Đắk Lắk quan tâm chú trọng, đặc biệt là tại các doanh nghiệp có môi trường làm việc đặc thù như ngành điện, cơ khí, nông nghiệp,…
Đắc Lắk luôn quan tâm và đẩy mạnh công tác An toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn

Ông Lê Hạnh, Trưởng Phòng Việc làm và An toàn Lao động, Sở Lao động – TBXH tỉnh Đắk Lắk: Trong quá trình lao động, dù ở trong điều kiện nào vẫn có thể tiềm ẩn những yếu tố nguy hiểm, có hại, nguy cơ gây tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. An toàn lao động luôn phải gắn với sự phát triển của doanh nghiệp. Có như thế mới tạo nên sự bền vững và gắn bó, cống hiến của người lao động đối với doanh nghiệp. Trong những năm qua, Ngành LĐ-TB&XH Đắk Lắk luôn xác định việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động là “chìa khóa” trong thực hiện công tác ATVSLĐ nên hằng năm Ban Chỉ đạo của tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền một cách sâu rộng hoạt động của các tổ chức, đơn vị về phong trào thi đua lao động sản xuất, phong trào xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ. Sở LĐ-TB&XH đã in sao đĩa CD tuyên truyền về ATVSLĐ cấp cho các huyện, thị xã, thành phố để phát rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của địa phương. Trên các trục đường chính các huyện, thị xã, thành phố và trụ sở làm việc của các sở, ngành, doanh nghiệp đều treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền. Đây cũng được xem là kênh thông tin hữu hiệu đối với người dân.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra định kỳ các doanh nghiệp, đơn vị luôn được tiến hành nghiêm túc nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt công tác ATVSLĐ - PCCN. Nhìn chung, thực tế kiểm tra cho thấy về cơ bản các đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm các nội quy, quy định về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, chủ động nắm bắt và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động, có biện pháp xử lý nghiêm đối với người lao động vi phạm qui định về an toàn lao động vệ sinh lao động; Xây dựng và niêm yết các quy trình vận hành an toàn trên từng máy, thiết bị, vật tư, hóa chất có nguy cơ gây cháy nổ, mất an toàn vệ sinh lao động.  

Có thể nói, trong những năm qua, Ngành Lao động – TBXH tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều hoạt động với nhiều cách làm phong phú như: phát động thực hiện tại từng khu vực (các cụm doanh nghiệp có đông lao động, các khu công nghiệp tập trung, các huyện trọng điểm), tổ chức tổng kết công tác BHLĐ hàng năm ở cấp tỉnh, tuyên truyền tin, bài, chuyên mục trên Đài phát Thanh – Truyền hình Đắk Lắk, Báo Đắk Lắk và Tạp chí Lao động và Xã hội của ngành…góp phần giúp người sử dụng lao động, người lao động và các tầng lớp dân cư trong xã hội có một cách nhìn mới về công tác ATVSLĐ – PCCN trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế.

Chỉ tính riêng, trong năm 2018, ngành đã triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động  về  ATVSLĐ năm 2018 bắt đầu từ ngày 01/5/2018 kết thúc ngày 31/5/2018, với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”; Triển khai thực hiện đầy đủ các hoạt động theo chỉ đạo của Trung ương, cụ thể: Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành các Kế hoạch, Công văn, hướng dẫn về tổ chức Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2018. Chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương, Liên đoàn Lao động tỉnh và Phòng Lao động – Thương binh Xã hội tổ chức kiểm tra liên ngành công tác An toàn, vệ sinh lao động tại 32 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thăm hỏi, tặng quà cho  người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Tổ chức các lớp phổ biến kiến thức an toàn, vệ sinh lao động cho gần 100 lao động là nông dân; tập huấn xây dựng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn vệ sinh lao động với 130 người (70 doanh nghiệp tham gia); 1 lớp huấn luyện ATVSLĐ cho người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động (nhóm 2) cho 77 người; 2 lớp huấn luyện cho người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (nhóm 4) với 140 người; 01 lớp huấn luyện cho người lao động làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ (nhóm 3) với 70 người; hỗ trợ doanh nghiệp tư vấn xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ tại 14 doanh nghiệp (nhóm 1), 7 doanh nghiệp được tư vấn chuyên sâu và hỗ trợ góc bảo hộ lao động.

Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, qua theo dõi, kiểm tra về việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp, Sở nhận thấy ý thức của chủ doanh nghiệp về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong năm qua dần dần được cải thiện, quan tâm hơn đến các công tác ATVSLĐ như huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, thực hiện các chế độ về bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, trang cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm, nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, vẫn còn một số doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Nhà nước như chưa thành lập bộ phận phụ trách ATVSLĐ, mạng lưới an toàn vệ sinh viên và phân công cán bộ phụ trách công tác bảo hộ lao động chưa đúng quy định, công tác tuyên truyền, tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ còn hạn chế. Công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động của các doanh nghiệp còn thấp so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn. Công tác quản lý huấn luyện ở doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Nhiều chủ sử dụng lao động chưa quan tâm, đầu tư chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động còn thiếu và chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đầy đủ; phần lớn nông dân lao động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chưa được thông tin, huấn luyện về cách phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Số vụ tai nạn lao động và  tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng diễn biến phức tạp. Mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến về ATVSLĐ đã được đẩy mạnh và ý thức của doanh nghiệp, người lao động cũng dần dần được nâng lên nhưng trong năm 2018 số vụ tai nạn lao động chết người ở tỉnh vẫn tăng 1 vụ so với năm 2017. Tần suất tai nạn lao động dưới 5%.

 Để công tác an toàn, vệ sinh lao động đạt hiệu quả cao, cũng theo ông  Lê Hạnh, Trưởng phòng Lao động Việc làm, An toàn Lao động, Sở Lao động – TBXH tỉnh Đắk Lắk: Các doanh nghiệp cần quan tâm nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, tăng cường đầu tư kinh phí để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ, xây dựng và củng cố hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh. Bên cạnh đó, người lao động cũng phải nâng cao nhận thức về quyền của mình trong việc được bảo đảm an toàn lao động, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bảo hộ lao động, lối thoát hiểm theo đúng quy định. Có như vậy công tác an toàn lao động mới đạt hiệu quả cao.

Hoàng Cảnh

 

 

 

 

 

 

 

TAG: Đắk Lắk: Tập trung đẩy mạnh công tác An toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn bao
Tin khác
Quảng Nam: Đẩy mạnh công tác lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Honda Việt Nam thực hiện nghiêm công tác an toàn lao động tại nơi làm việc
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Thường xuyên diễn tập kỹ năng xử lý sự cố an toàn lao động
Kiểm tra công tác ứng dụng công nghệ và kiểm soát rủi ro về an toàn lao động
Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) đủ mạnh để bào vệ được người lao động và cán bộ Công đoàn
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Diễn tập thường xuyên để tránh xảy ra sự cố về an toàn lao động
Vĩnh Phúc: Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động
Ninh Bình: Triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
Hà Nội: Đào tạo nghề miễn phí cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp