Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Đắk Lắk: Nhiều kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn
07:23 PM 07/04/2019
(LĐXH) - Ông Nguyễn Xuân Quý – Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn và xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: Hiện toàn tỉnh có 1.812 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 284 người (1812/1528, chiếm 18,59%) so với năm 2017. Số vụ án liên quan đến tội phạm ma túy được phát hiện, điều tra, xử lý tăng 47 vụ.
Học viên học nghề đan nghế nhựa tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk

Tội phạm ma túy tập trung chủ yếu ở các địa bàn trọng điểm như: Thành phố Buôn Ma Thuột (123/202 vụ, chiếm 60,89%), huyện Ea H’Leo (17/202 vụ, chiếm 8,41%), Krông Pắk (11/202 vụ, chiếm 5,45%), Ea Kar (10/202 vụ, chiếm 4,95%), Krông Năng (8/202 vụ, chiếm 3,96%). Đối tượng phạm tội chủ yếu là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 18 đến dưới 30 tuổi (137/255 đối tượng, chiếm 53,73%); số đối tượng nghiện ma túy phạm tội chiếm tỷ lệ cao (151/255 đối tượng, chiếm 59,22%). Đáng chú ý là một số địa phương có số lượng người nghiện ma túy di biến động tăng cao so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tình trạng mua bán người trên địa bàn toàn tỉnh cũng đang diễn biến phức tạp, tinh vi, xảy ra trên các địa bàn như: Krông Bông, Cư Kuin, Lắk, Cư M’gar, Ea H’Leo, Krông Ana, Ea Súp, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột. Tội phạm mua bán người hoạt động với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Wechat) di động, Internet giới thiệu tạo lòng tin với phụ nữ, trẻ em sinh sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có nhận thức, hiểu biết xã hội hạn chế, nhẹ dạ cả tin, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định đang có nhu cầu, mong muốn tìm việc làm với mức thu nhập cao, rồi đưa họ ra nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) bán cho các động mại dâm làm gái bán dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp.

Trước tình hình đó, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh đã tham mưu cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội  trình UBND tỉnh ban hành hàng loạt các  văn bản, Quyết định về chương trình phòng, chống mại dâm, ma túy, như: Kế hoạch số 1842/ KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh năm 2018; Quyết định số 98/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt kế hoạch kiểm tra liên ngành, phòng chống mại dâm năm 2018; Công văn số 4389/UBND ngày 01/6/2018 về việc chỉ đạo, triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2018 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND ngày 05/07/2018 của HĐND tỉnh quy định mức trợ cấp đặc thù cho công chức và người lao động làm việc tại cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Kế hoạch số 308/KH-SLĐTBXH, ngày 02/3/2018 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh năm 2018...

Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương và các cơ quan báo đài nhằm  đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn xã hội trong cộng đồng dân cư, các địa bàn trọng điểm về tệ nạn ma túy, mại dâm, tệ nạn mua bán người, đặc biệt là các nhóm có nguy cơ cao về sử dụng ma túy với nhiều hình thức thích hợp, phong phú để các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ mối hiểm họa từ tệ nạn xã hội nói chung, tính cấp bách của công tác phòng, chống và điều trị cai nghiện ma túy, tệ nạn mua bán người nói riêng.

Đồng thời, xây dựng, lắp đặt mới 02 panô, sửa chửa 03 panô tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội tại địa bàn các huyện có diễn biến phức tạp về tệ nạn ma túy, mại dâm (Buôn Đôn, Cư M’gar, Lắk, Krông Krông Bông); In ấn, căng trên 300 băng rôn hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6/2018 tại huyện Ea Kar, Lắk, Ea H’leo và thành phố Buôn Ma Thuột; Phối hợp với Trường Trung cấp mầm non Đắk Lắk tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề Phòng, chống tệ nạn xã hội cho gần 200 em học sinh, sinh viên của trường.

Phối hợp với Đài truyền hình tỉnh Đắk Lắk xây dựng phóng sự tuyên truyền về mua bán người; phối hợp với Tạp chí Lao động - Xã hội và Báo Đắk Lắk phát hành các tin, bài, ảnh, phóng sự…vv nhằm mục đích tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo điều hành từ các bộ, ngành Trung ương và địa phương về điều trị cai nghiện, phòng chống tệ nạn mại dâm, mua bán người.

Song song đó, Chi cục còn xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức về tệ nạn xã hội cho đội ngũ làm công tác tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng yếu thế trong xã hội (người nhiễm HIV/AIDS, người bán dâm, người nghiện ma túy, nạn nhân bị mua bán …) là các Đội trưởng, Đội phó Đội công tác xã hội tình nguyện các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh với số lượng trên 550 người tham gia. Phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Buôn Hồ tổ chức 01 lớp tập huấn kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cơ sở trực tiếp tham gia công tác phòng, chống tệ nạn xã hội với số lượng trên 100 người tham gia.

Với những nỗ lực đó, kết quả trong năm 2018, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma túy đã có những chuyển biến tích cực. Số tụ điểm và đối tượng hoạt động mại dâm được triệt xóa tăng hơn 18 vụ, tăng 13 vụ so cùng kỳ năm 2017 (18/05 vụ = 260%); nguy cơ phát sinh tệ nạn mại dâm ở những cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm đã được kiểm soát; đẩy lùi tình trạng mại dâm đứng đường, chào mời khách nơi công cộng, các tụ điểm mại dâm ở một số địa bàn trọng điểm và từng bước ngăn chặn tệ nạn mại dâm không để phát sinh các điểm nóng, phức tạp về tệ nạn mại dâm. Song sog đó, Chi cục phối hợp với lực lượng Công an tỉnh và Công an các cấp đã triệt xóa 18 tụ điểm với 82 đối tượng liên quan đến tệ nạn mại dâm. Trong đó, khởi tố 16 vụ, 16 bị can và xử lý hình sự 2 vụ, 66 đối tượng.

Tính đến ngày 15/11/2018, số người nghiện ma túy được chữa trị, cai nghiện phục hồi tái hòa nhập cộng đồng là trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 1091 người nghiện ma túy, vượt chỉ tiêu 60 người với kế hoạch (1091/1031). Trong đó, Điều trị bằng thuốc thây thế Methadone, 311 người, chữa trị cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở 458 người, cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án là 162 người, Cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng 160 (tại cộng đồng: 34 người, tại Bệnh viện tâm thần: 126 người). Trong năm 2018, có 115 người chữa trị, cai nghiện được hỗ trợ các vấn đề xã hội. Trong đó, hỗ trợ Dạy nghề và làm nghề (may dân dụng, gia công ghế nhựa…), lao động trị liệu cho 105 người. Hỗ trợ vay vốn tín dụng theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg, ngày 26/04/2014 của thủ tướng Chính phủ cho 10 người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng với số tiền 300.000.000 đồng...

Bên cạnh đó, Chi cục còn theo dõi, nắm bắt tình hình nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng thực hiện hoạt hổ trợ theo quy định pháp luật. Trong năm 2018 có 4 nạn nhân bị mua bán trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức tiếp nhận 01 nạn nhân và đưa nạn nhân trở về bàn giao trực tiếp cho gia đình, địa phương để quản lý và giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng.

Ngoài ra, Chi cục còn tham mưu Lãnh đạo Sở ban hành văn bản chỉ đạo các huyện Cư M’gar, Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột hỗ trợ tâm lý, pháp lý, học văn hóa, học nghề và hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu cho các nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú. Toàn tỉnh cũng đã thành lập, kiện toàn 135 Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã với 880 thành viên. Trong năm qua, hoạt động của các Đội công tác xã hội tình nguyện đã hỗ trợ đắc lực cho UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn xã hội tại cơ sở góp phần làm kiềm chế, đẩy lùi tệ nạn xã hội.

Theo đánh giá, Công tác triệt phá, truy quét, ổ nhóm hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua đã làm giảm đáng kể, các tụ điểm hoạt động mại dâm nơi công cộng, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi các tụ điểm mại dâm gây bức xúc trong dư luận. Số người nghiện ma túy được tiếp cận các dịch vụ chữa trị, cai nghiện cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. Các địa phương và các cơ quan chức năng trong tỉnh đã tích cực lập hồ sơ đề nghị Tòa án cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đảm bảo đúng quy định pháp luật góp phần làm ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

         Hoàng Cảnh

 

TAG: Ðắk Lắk phòng chống tệ nạn xã hội ma Túy Mại dâm
Tin khác
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024
Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện A Lưới
Nghệ An: Nỗ lực chăm sóc toàn diện cho trẻ em
Trợ giúp pháp lý góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật
Yên Bái phấn đấu về đích sớm Đề án hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Quảng Ninh: Chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Bắc Kạn: Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội