An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Đắk Lắk: Điểm sáng về công giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2018
01:56 PM 15/09/2019
Trong những năm qua, công tác giảm nghèo ở Đắk Lắk đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm của tỉnh đều vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Để có được những kết quả này, phóng viên Tạp chí Lao động và Xã hội đã có cuộc trao đổi với ông Trấn Phú Hùng – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk về những kết quả này.

PV: Xin ông cho biết những thuận lợi, khó khăn cũng như những kết quả đạt được trong công tác Giảm nghèo của địa phương  giai đoạn 2016 – 2018 vừa qua?

Ông Trần Phú Hùng – Giám đốc Sở LĐ – TBXH tỉnh Đắk Lắk: Đắk Lắk là một tỉnh miền núi nằm ở Trung tâm của khu vực Tây Nguyên, có đường biên giới dài khoảng 73km giáp với Vương quốc Campuchia, với diện tích đất tự nhiên là 13.125,37 km2, có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, có 184 xã, phường, thị trấn; 2.481 thôn, buôn, tổ dân phố. Trong đó, có 608 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, có 02 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a, 46 xã và 231 thôn, buôn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020.  Dân số toàn tỉnh hiện có trên 1,9 triệu người, có 47 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thiểu số  khoảng 637 nghìn người, chiếm 33,5%, chủ yếu ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tính đến cuối năm 2018 toàn tỉnh có 57.180 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,81%, trong đó hộ nghèo DTTS 37.067 hộ, chiếm 25,49% so với hộ DTTS; hộ cận nghèo là 43.376 hộ, chiếm tỷ lệ 9,72%.

Thực hiện công tác giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2018, tỉnh Đắk Lắk xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ kinh tế, xã hội trọng tâm của địa phương, vì vậy Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Đắk Lắk đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2018 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Đồng thời, Tỉnh đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo các CTMTQG cấp tỉnh và cấp huyện, ở cấp xã thành lập Ban quản lý; hệ thống văn bản chính sách thực hiện Chương trình đã được tỉnh Đắk Lắk ban hành một cách đồng bộ, kịp thời, đầy đủ như: Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 củ HĐND tỉnh về Chương trình Giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1061/QĐ-UBND ngày 04/5/2017 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 và văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo.  

Qua đó,  kết quả giảm nghèo trong giai đoạn 2016 – 2018, tỉnh  đã triển khai được 5 dự án, cụ thể như: Dự án 1 - Chương trình 30a: Kinh phí được giao là 8.808 triệu đồng. Tỉnh đã thực hiện duy tu, bảo dưỡng 01 công trình giao thông, triển khai 03 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và 02 mô hình chăn nuôi cho 96 hộ, tổ chức 03 lớp nâng cao năng lực cho 794 cán bộ, tuyên truyền viên về công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Dự án 2 - Chương trình 135: Kinh phí được giao là 316.600 triệu đồng. Đã triển khai đầu tư xây mới, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng 778 công trình thiết yếu, như: đường giao thông, trường học, nhà văn hóa...; thực hiện 299 dự án phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt, tổng số hộ tham gia là 6.517 hộ; tổ chức 49 hoạt động nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; thôn bản đặc biệt khó khăn,

Dự án 3 - Hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135: Kinh phí được giao là 4.778 triệu đồng, vốn huy động là 385 triệu đồng. Từ nguồn vốn này địa phương đã thực hiện 19 dự án, hỗ trợ cho 333 hộ về trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thủy sản sông, hồ. Dự án 4 - Truyền thông và giảm nghèo về thông tin: Kinh phí được giao là 4.694 triệu đồng, đã tổ chức xây dựng và thực hiện các chương trình phát thanh, truyền hình, phóng sự, phim tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền các chính sách giảm nghèo, giới thiệu những gương điển hình tiên tiến và mô hình giảm nghèo có hiệu quả. Đồng thời, tổ chức 26 cuộc đối thoại trực tiếp với các hộ nghèo, hộ DTTS về các chính sách giảm nghèo tại các xã, với 4.665 lượt người tham gia. Hỗ trợ 370 phương tiện nghe, nhìn cho hộ nghèo; tổ chức các lớp đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền cổ động cho cán bộ cấp xã…

Dự án 5 - Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá với tổng  kinh phí được giao là 2.434 triệu đồng. Đã tổ chức 14 lớp tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo cho 1.569 lượt cán bộ về phương pháp, kỹ năng tổ chức, vận động thực hiện chương trình; quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; phổ biến các chính sách về giảm nghèo….

Bên cạnh đó, các chính sách giảm nghèo chung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều như: Tín dụng ưu đãi, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, giáo dục, y tế, nhà ở, trợ giúp pháp lý… được triển khai kịp thời, đồng bộ và hiệu quả.

Các mục tiêu của chương trình đề ra cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm 6,56%, bình quân giảm 2,19%/năm, từ 19,37% xuống còn 12,81%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 11,68%, bình quân 3,89%/năm, từ 37,17% xuống còn 25,49% và tỷ lệ hộ nghèo tại các xã ĐBKK giảm 13,37%, bình quân giảm 4,46%/năm, từ 55,62% xuống còn 42,25%. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 tính đến cuối năm 2018 đã đạt tỷ lệ trên 84,78% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;  68,4% số thôn, buôn có trục đường giao thông được cứng hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;  97,83% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 97,83% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 23,91% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới; 82,93% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Các công trình thủy lợi nhỏ đáp ứng 71,82% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã đã được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo, lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng.

PV: Ông có nhận xét và đánh giá như thế nào về hiêu quả của công tác giảm nghèo cũng như những đề xuất giải pháp trong thời gian tới?

Ông Trần Phú Hùng: Các chính sách về giảm nghèo giai đoạn 2016-2018 của địa phương nhìn chung được triển khai đồng bộ, kịp thời ở tất cả các cấp, các ngành. Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) Giảm nghèo bền vững đã thực sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, sự tham gia của các tầng lớp dân cư và của chính người nghèo. Chương trình cũng thu hút sự hưởng ứng, chia sẻ và ủng hộ tích cực của cộng đồng trong, ngoài tỉnh từ đó đã đạt được cơ bản các chỉ tiêu đặt ra.  Cơ sở hạ tầng xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn được đầu tư, nâng cấp; hộ nghèo đã được hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập.  Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, nước sạch,… ngày càng tốt hơn; đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, người cận nghèo, người đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, từ đó đã giảm được 24.412 hộ nghèo, trong đó có 13.255 hộ DTTS, hạn chế tình trạng tái nghèo (tỷ lệ tái nghèo là 0,44%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao do những rủi ro; chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2018 chưa đạt kế hoạch đề ra.  Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở một số địa phương còn cao (còn 08 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%), đặc biệt là trong đồng bào DTTS (đến cuối năm 2018 hộ nghèo DTTS chiếm 25,49% so với tổng hộ DTTS, chiếm 64,83% tổng số hộ nghèo), chủ yếu tập trung ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Có 05 huyện chưa có xã nào đạt tiêu chí nông thôn mới về tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo là Buôn Đôn, Krông Bông, Lắk, M’Đrắk và Ea Súp; mức độ thiếu hụt tiếp cận một số dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch và vệ sinh còn cao. Tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo ở các địa phương vẫn còn chậm, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả hỗ trợ trong năm đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn.

Vì vậy, để thực tốt các chính sách giảm nghèo trong năm 2019 và các năm tiếp theo,  Đắk Lắp  tiếp tục đặt ra mục tiêu  phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 từ 3,46% trở lên.  Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm  còn 4,3%,  tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm 4,3%.

Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trên tỉnh đề ra các giải pháp, như: Cần tăng cường nguồn vốn từ ngân sách của Trung ương và của tỉnh, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động; các huyện, xã cân đối bố trí kinh phí đối ứng từ nguồn ngân sách cho Chương trình giảm nghèo, tăng cường huy động vốn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.  Cơ quan chủ trì Chương trình, Dự án thành phần thuộc Chương trình phối hơp với các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã đôn đốc các chủ đầu tư triển khai thực hiện và giải ngân các nguồn vốn thuộc Chương trình đảm bảo hiệu quả, thiết thực và giải ngân 100% nguồn vốn được giao.

Xác định rõ trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo bền vững là của cả hệ thống chính trị, toàn thể xã hội; do đó cần sự chỉ đạo, triển khai quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp để đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Tập trung rà soát, xác định nguyên nhân của từng hộ nghèo, thôn, buôn, xã nghèo, từng địa phương, nguồn kinh phí được phân bổ, từng đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao từ tỉnh đến huyện, xã xây dựng kế hoạch, giải pháp, mô hình phù hợp với địa bàn, phương thức hỗ trợ các chính sách giảm nghèo cụ thể đối với từng xã, từng thôn, buôn, từng nhóm hộ nghèo đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đã được UBND tỉnh giao.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo về mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội; khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của của chính quyền, người nghèo, từ đó tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Xin cảm ơn ông!

                                                                             Hoàng Cảnh (thực hiện)

 

 

TAG: Ðắk Lắk giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2018
Tin khác
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024
Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện A Lưới
Nghệ An: Nỗ lực chăm sóc toàn diện cho trẻ em