Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Đại học Kinh tế quốc dân đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Cao Bằng
08:29 AM 20/08/2018
(LĐXH)- ĐHKTQD phối hợp với UBND, Sở Giáo dục – Đào tạo Cao Bằng triển khai chương trình đào thạc sĩ, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.
Sức hút từ chương trình đào tạo thạc sĩ tại chỗ
Những ngày cuối tháng 8 này, chị Nguyễn Thị Huệ Chi, Trưởng Phòng Tài chính kế hoạch – thuộc UBND TP Cao Bằng, cùng gần 70 thí sinh ứng tuyển khóa cao học thứ 2, do Trường Đại học Kinh tế quốc dân (ĐHKTQD) tổ chức tại Cao Bằng, đang gấp rút ôn luyện để ngày 29/9 về Hà Nội tham gia thi tuyển cùng khóa cao học 27 của trường.
Khóa đầu tiên ĐHKTQD mở tại Cao Bằng cách đây 2 năm, lúc đó chị Chi cũng có nguyện vọng đi học nhưng do không xắp xếp được công việc cá nhân nên đành lỡ hẹn. Thấy các đồng nghiệp, bạn bè là cán bộ, công chức, chủ doanh nghiệp trong tỉnh theo học khóa 1 rất hăng hái và chỉ 1 năm nữa thôi, họ sẽ được nhận tấm bằng cao học trên tay, chị Huệ Chi quyết định đăng ký thi tuyển khóa 2 này.
Cách đây hơn 20 năm, chị tốt nghiệp ngành Kinh tế Phát triển của ĐHKTQD. Hiện tại, trên cương vị Trưởng phòng, chị không ngừng trau dồi, cập nhật kiến thức để đáp ứng công việc ngày càng tốt hơn. Song chị nghĩ, không có gì bằng học tập trực tiếp và được học ở bậc cao hơn.
Lãnh đạo Viện Đào tạo sau đại học – ĐHKTQD gặp gỡ các thí sinh Cao Bằng trước kỳ tuyển sinh khóa 2
“Trước đây, tôi mong muốn có cơ hội được đi học để nâng cao rình độ chuyên môn nhưng chưa có điều kiện, thời gian, cơ hội cũng ít. Vì vậy, tôi rất quyết tâm theo học khóa cao học này khi ĐHKTQD có thông báo tuyển sinh tại địa phương. Nhiều bạn đang công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước, một số ở các doanh nghiệp cũng đăng ký theo học. Mục đích học của mỗi người có thể khác nhau, nhưng tất cả có đặc điểm chung là nâng cao trình độ chuyên môn, để không bị lạc hậu. Qua đó cũng nêu gương cho các con phấn đấu học tập” – chị Huệ Chi chia sẻ.
ThS. Lã Thị Bích Quang – Trưởng Ban văn phòng, Viện Đào tạo sau đại học – ĐHKTQD cho biết: “Nếu như khóa 1 chỉ có 41 học viên đang theo học, thì khóa thứ 2 chúng tôi đã nhận được 68 hồ sơ. Điều này cho thấy sức hút từ chương trình đào tạo thạc sĩ tại Cao Bằng cũng như nhu cầu trên địa bàn có xu hướng tăng theo từng khóa. Với chuyên ngành đào tạo là Kinh tế và Quản trị kinh doanh, chúng tôi nhận thấy bước đầu việc tuyển sinh tại Cao Bằng đã rất thành công”.
“Đem học vị” lên vùng cao
Theo PGS.TS Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học – ĐHKTQD, nhà trường đã hợp tác với rất nhiều cơ sở đào tạo ở các địa phương nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh, đặc biệt là đào tạo thạc sĩ cho các tỉnh miền núi. Đối với Cao Bằng, một tỉnh cách Hà Nội 300km, đường sá đi lại khó khăn, trong khi rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người làm trong các doanh nghiệp, người lao động tại địa phương có nhu cầu học tập nâng cao trình độ chuyên môn.
“Thay vì để học viên phải lặn lội về thành phố theo học, rất vất vả và tốn kém, thì ĐHKTQD đã “đem chữ” về tận địa phương, phục vụ nhu cầu cầu học tập tại chỗ. Hy vọng thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với UBND, Sở Giáo dục – Đào tạo Cao Bằng triển khai các chương trình đào tại khác, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương” – PSG.TS Lê Trung Thành nói.
Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học – ĐHKTQD khẳng định, chương trình đào tạo thạc sĩ được nhà trường thường xuyên cập nhật, thông thường từ 3 – 5 năm, bao gồm 15 học phần, tổng thời gian đào tạo là 2 năm. Một số bộ môn học viên Cao Bằng sẽ về học tại ĐHKTQD, tại đây họ sẽ được tiếp cận với các nguồn dữ liệu, giáo trình tiên tiến nhất. 
PGS.TS Lê Trung Thành khẳng định, chất lượng đào tạo thạc sĩ tại Cao Bằng không hề thua kém những học viên học tập trung tại Hà Nội, bởi kỳ thi đầu vào vào ngày 29/9 tới đây sẽ tổ chức tại Hà Nội nên không có chuyện ưu ái cho bất kỳ đối tượng nào. Tất nhiên, những học viên thuộc đối tượng ưu tiên khi đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số… sẽ được cộng điểm theo đúng quy định.
Tuy nhiên, lãnh đạo Viện Đào tạo sau đại học cũng lưu ý, thực tế cho thấy không phải ai theo học bậc thạc sĩ cũng suôn sẻ. Theo tỷ lệ thống kê chung, có khoảng 10% không thể tốt nghiệp do nhiều lý do khác nhau như không quản lý tốt thời gian, thay đổi công việc… Do đó, để chuẩn bị cho quá trình học tập sau này, các học viên Cao Bằng nên bố trí thời gian học tập hợp lý, làm sao vừa hoàn thành công việc ở cơ quan, trách nhiệm với gia đình nhưng vẫn bảo đảo thời gian lên lớp. Học viên phải có quyết tâm vì nhiều người công tác ở vùng sâu, vùng xa, cách thành phố cả trăm km (địa điểm học tại Trường CĐSP Cao Bằng).
PGS.TS Lê Trung Thành nhấn mạnh thêm: ĐHKTQD là trường đầu ngành về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Trải qua 62 năm phát triển, hiện trường có 1.300 cán bộ, trong đó 900 giảng viên. Đối với bậc đại học, nhà trường đã đào tạo khoảng 140.000 cử nhân. Từ năm 1977, nhà trường bắt đầu triển khai đào tạo sau đại học và đã đào tạo khoảng 1.300 tiến; 27 khóa cao học, với 15 mã ngành và 35 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, hơn 20.000 thạc sĩ đã và đang giữ các vị trí công tác chủ chốt ở khắp nơi trên đất nước.
Danh tiếng của ĐHKTQD có được chính là nhờ sự thành công, thành đạt của học viên. Thống kê sơ bộ cho thấy, ở hàng ngũ lãnh đạo cấp tỉnh có khoảng 30 đồng chí phó chủ tịch tỉnh và khoảng 60% cán bộ chủ chốt của các tỉnh, thành; nhiều gương mặt doanh nhân thành đạt như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Him Lam, lãnh đạo các ngân hàng thương mại… từng học tập tại trường.
“Với vị thế là một trong những trường trọng điểm quốc gia, trường đầu ngành trong khối các trường đại học đào tạo về kinh tế, kinh doanh và quản lý ở Việt Nam, ĐHKTQD luôn tự hào đã đào tạo và cung cấp cho đất nước các nhà khoa học, các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực quản lý kinh tế và kinh doanh, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế, xây dựng đất nước” PGS.TS Lê Trung Thành nói./.
Dương Thìn
TAG: Cao bằng Tuyển Sinh
Tin khác
Tăng cường sự tham gia của Phụ nữ, người khuyết tật và hoà nhập cộng đồng trong GDNN lĩnh vực Logistic
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành  kiểm định chất lượng 10 chương trình đào tạo
Thái Nguyên: Tăng cường công tác thể dục, thể thao trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Cần Thơ chú trọng công tác giáo dục nghề nghiệp
Úc và Việt Nam hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động
Giải bóng đá học sinh sinh viên trường Cao đẳng Quảng Nam – Tạo nền tảng thể lực để kiến tạo tương lai
Màn chào sân ấn tượng của những ngành học mới tại Ngày hội Tuyển sinh Bách khoa
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành công bố mức điểm sơ tuyển năm 2024 theo phương thức xét tuyển học bạ và ĐGNL
TP.HCM: Gần 790 thí sinh dự tranh tài tại Hội thi Học sinh, sinh viên giỏi nghề lần thứ 15