Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Đại dịch Covid-19: Thách thức và cơ hội cho lao động ASEAN
02:12 PM 18/09/2020
(LĐXH)- Ứng phó với đại dịch Covid-19 không còn cách nào khác là thúc đẩy phát triển bền vững, đào tạo nguồn lao động đáp ứng được với những thách thức mới. Người lao động không chỉ cần trình độ chuyên môn, trách nhiệm mà còn đòi hỏi tính sáng tạo, nâng cao tay nghề, ưu tiên học tập suốt đời.
Thế giới việc làm đang có những sự thay đổi sâu sắc
Thông tin tại “Hội nghị cấp Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay”, được tổ chức 16/9 tại điểm cầu Hà Nội, cùng với hơn 70 điểm cầu tại các nước trong khu vực và với các đối tác, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Thế giới việc làm đang có những sự thay đổi sâu sắc trước những tác động của biến đổi khí hậu, xã hội già hóa, dịch bệnh và đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang diễn ra hiện nay.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị
Trong khi đó, tiến bộ khoa học công nghệ đang có tác động sâu sắc lên mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của tất cả các nước. Ứng dụng công nghệ và số hóa là nhân tố góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện cho việc ra đời và phát triển các sản phẩm mới, các mô hình sản xuất kinh doanh mới, thị trường mới và cơ hội việc làm mới. Nhưng đồng thời, đổi mới công nghệ cũng đặt ra không ít những thách thức do sự gia tăng tính phân đoạn trong quy trình sản xuất, làm xuất hiện các công việc đòi hỏi kiến thức và kỹ năng mới.
Theo Bộ trưởng, nhận thức được những cơ hội cũng thách thức đặt ra từ những tác động trên, các nước thành viên ASEAN đều nhận thấy phát triển nguồn nhân lực chính là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và nâng cao tính cạnh tranh của khu vực để phù hợp với một thế giới công việc đang đổi thay.
Phát triển nguồn nhân lực cũng chính là một trong những mục tiêu lâu dài, là kim chỉ nam cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN như đã được ghi trong Hiến chương ASEAN. Trong điều kiện thế giới đang đổi thay nhanh chóng, ASEAN luôn xác định lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển, bởi xét đến cùng thì tăng trưởng và phát triển bền vững cũng chính là để phát triển con người và vì con người.
Thông tin tại Hội nghị cho thấy, thế giới đang trải qua những biến đổi to lớn trong đó có biến đổi số, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh… Nhiều phương thức sản xuất mới sẽ được thay thế, nhân công sẽ bị đào thải. Dự báo khoảng 10 – 15 năm nữa, 1/3 số công việc hiện tại sẽ được thay thế bằng những hình thức mới. Từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới, khu vực, đã có trên 80% lực lượng lao động toàn cầu bị tác động mạnh mẽ, 480 triệu lao động bị mất việc làm, trong đó có 42 triệu thuộc khu vực ASEAN.
Thích ứng với đại dịch Covid-19 như thế nào?
Các Bộ trưởng Lao động và Lao động ASEAN đều thừa nhận, tình hình thế giới và khu vực sẽ rất khó quay trở lại như trước khi đại dịch xảy ra, do đó thế giới cần thích ứng để “sống chung” với dịch bệnh và duy trì phát triển. Theo bà Chihiko Asada-Miykawa – Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) cho rằng, các quốc gia ASEAN cần linh hoạt hơn trong một thế giới đang thay đổi về cách thức làm việc, theo đó cần tăng cường cho công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN
Bà cho biết: “Có nhiều kỹ năng đặt ra trong thế kỷ 21, đòi hỏi cần có thông tin về thị trường lao động, chia sẻ kinh nghiệm với mục tiêu học tập suốt đời. Lao động trẻ cần chủ động, năng động để đảm bảo an ninh việc làm; cần đẩy mạnh đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động, tạo điều kiện cho người lao động tham gia vào thị trường lao động, việc làm. Nghề nghiệp cũng cần thiết phải thay đổi để thích ứng với biến động của thế giới việc làm. Cùng với đó, doanh nghiệp cần tham gia sâu rộng và có hiệu quả hơn trong đào tạo kỹ năng nghề trong bối cảnh tác động sâu sắc của cuộc cách mạng 4.0 và đại dịch Covid-19”.
Ông Norbert Barthle – Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức nhấn mạnh sự cần thiết phải trở lại “trạng thái bình thường mới”. Đại dịch đã khiến tư duy, cách thức làm việc thay đổi, trong đó cuộc cách mạng số đang thực sự “lên ngôi”. “Chúng ta đã giải quyết khó khăn một cách sáng tạo, tăng cường giáo dục có trình độ, chất lượng, đội ngũ giáo viên cũng cần được đào tạo lại cho phù hợp và họ cần cam kết thúc đẩy năng lực” – ông nói.
Chia sẻ kinh nghiệm của Singapore trong thích ứng với đại dịch, ông Zaqy Mohamad, Bộ trưởng Nguồn nhân lực và Quốc phòng Singapore cho biết đảo quốc này đã sử dụng 75 triệu USD để duy trì hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Singapore cũng đưa ra những định hướng, biện pháp cụ thể để đảm bảo nguồn nhân lực cho bối cảnh sau đại dịch; cũng như bảo đảm cho nền kinh tế thích ứng, đón đầu cơ hội khi đại dịch kết thúc. Singapore đã thành lập Hội đồng tư vấn quốc gia, do đó người lao động ở mọi lứa tuổi đều có cơ hội việc làm và người lao động có thể tìm đến sự hỗ trợ này.
Ông Zaqy Mohamad cho rằng, khi phục hồi sau đại dịch, cơ hội việc làm cho người lao động sẽ đến nhanh. Vì thế, xác định tương lai việc làm và đưa ra những sáng kiến là rất quan trọng, trong đó cần ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nguồn lao động phù hợp, chú trọng đào tại lại cho lực lượng lao động bị mất việc làm, thất nghiệp để họ có thể thích ứng với sự thay đổi.
Kinh nghiệm và trách nhiệm của Việt Nam 
Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện Việt Nam có hơn 55 triệu lao động có việc làm. Do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất. Điều này đã tác động không nhỏ tới vấn đề việc làm của người lao động.
Do ảnh hưởng đại dịch, số lao động ở Việt Nam bị mất việc làm là khoảng 670 nghìn người; 67% doanh nghiệp phải cho nhân viên chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm thời nghỉ việc hoặc bố trí việc làm luân phiên, nhất là những ngành nghề như: công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Lao động trong khu vực phi chính thức cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ và ăn uống. Hơn 80% lao động trong khu vực phi chính thức, đặc biệt lao động bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ, xây dựng… phải tạm dừng hoạt động kinh doanh để thực hiện các quy định về giãn cách xã hội, phòng, chống dịch Covid-19.
Người lao động cần thích ứng với thế giới lao động đang thay đổi
Để kịp thời ứng phó với những khó khăn này, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ trị giá hơn 62 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD) để hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc bảy nhóm đối tượng thụ hưởng. Trong đó, trọng tâm nhằm hỗ trợ những người lao động và những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, giữ được lao động và đứng vững trong giai đoạn hiện nay. Đây là một gói hỗ trợ chưa có tiền lệ, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn chưa từng có này.
Với việc kiểm soát đại dịch tốt, từ cuối tháng 4/2020, các hoạt động kinh tế - xã hội đã bắt đầu hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới. Cùng với những nỗ lực của Chính phủ, các doanh nghiệp cũng ưu tiên tập trung tái cấu trúc lại nguồn nhân lực, đi đôi với đổi mới công nghệ và chuỗi giá trị; đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động và tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong bối cảnh mới.
Đối với khu vực, Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam luôn coi quan hệ đối tác trong phát triển nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng. Bởi vậy, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN chú trọng việc xây dựng, thúc đẩy và triển khai hiệu quả nhiều hình thức quan hệ đối tác về phát triền nguồn nhân lực thông qua các kênh hợp tác khác nhau, đó là:
Thứ nhất, hợp tác công tư: Theo Bộ trưởng, việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân, giữa khu vực doanh nghiệp và hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo sẽ gắn kết và nâng cao hiệu quả giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, góp phần khai thác hiệu quả vốn nhân lực cho tăng trưởng và phát triển. Chiến lược pháp triển dạy nghề của Việt nam đã đưa ra các giải pháp nhằm gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và có sự tham gia của doanh nghiệp, từng bước hoàn thiện các quy định để doanh nghiệp là chủ thể của giáo dục nghề nghiệp và tham gia vào tất cả các công đoạn trong quá trình đào tạo. Trong thời gian tới, cần thúc đẩy vai trò dẫn dắt tiên phong của khu vực tư nhân trong giáo dục và đào tạo, nhằm phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Thứ hai, hợp tác giữa các lĩnh vực liên ngành tại mỗi quốc gia: bao gồm việc trao đổi, phối hợp thường xuyên giữa ngành lao động và giáo dục nghề nghiệp với các ngành giáo dục, khoa học công nghệ trong mỗi quốc gia để đảm bảo sự kết nối cũng như nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Việt Nam luôn coi trọng phát triển nguồn nhân lực và coi đó là một trong 3 khâu đột phá bên cạnh việc hoàn thiện thể chế và phát triền hạ tầng.
Thứ ba, hợp tác ở cấp khu vực. Theo Bộ trưởng, việc tham khảo chính sách, mô hình đạo tạo, thúc đẩy công nhận tay nghề lẫn nhau, di chuyển lao động có tay nghề trong khu vực được thúc đẩy là những chính sách quan trọng để thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực hiệu quả trong ASEAN.
Thứ tư, tăng cường quan hệ giữa từng nước thành viên và cả ASEAN với các đối tác song phương và đa phương: Đây cũng là một trong những kênh đối tác quan trọng để hỗ trợ từng nước xây dựng chính sách, phát triển các mô hình thí điểm và xây dựng những định hướng, lộ trình chung của khu vực. Việt Nam cùng các nước ASEAN đang tích cực thúc đẩy hơp tác với các đối tác như CHLB Đức, Nhật, Hàn Quốc, Australia và với các tổ chức quốc tế như ILO, ADB, WB trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực
Việt Nam luôn tích cực thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực trong suốt thời gian qua. Năm 2010, Việt Nam đã chủ trì xây dựng Tuyên bố ASEAN về Phát triền nguồn nhân lực nhằm phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững; đến năm 2017, Việt Nam đưa ra sáng kiến về Tuyên bố APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Năm 2020, trong vai trò nước Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến và nhận được sự ủng hộ tích cực và có hiệu quả của cả hai kênh Bộ trưởng Lao động và Bộ trưởng Giáo dục ASEAN và sự hỗ trợ tích cực của Ban Thư ký ASEAN và các đối tác, Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang thay đổi đã được trình lên và được Cấp cao ASEAN lần thứ 36 thông qua vào tháng 6 năm 2020./.
Nguyễn Lại Thìn
TAG: nguồn nhân lực lao động ASEAN đại dịch COVID-19 bao
Tin khác
Thành phố Hồ Chí Minh: 45 doanh nghiệp và cơ sở đào tạo tham gia Sàn giao dịch việc làm ngành du lịch
Đề xuất tăng mức lương tối thiểu lên 6% từ ngày 01/7/2024
Hà Nội: Hỗ trợ 2000 công nhân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024
Quảng Nam: Đẩy mạnh công tác lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Honda Việt Nam thực hiện nghiêm công tác an toàn lao động tại nơi làm việc
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Thường xuyên diễn tập kỹ năng xử lý sự cố an toàn lao động
Kiểm tra công tác ứng dụng công nghệ và kiểm soát rủi ro về an toàn lao động
Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) đủ mạnh để bào vệ được người lao động và cán bộ Công đoàn
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Diễn tập thường xuyên để tránh xảy ra sự cố về an toàn lao động