Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội kỷ niệm 25 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba
07:49 PM 25/01/2019
(LĐXH)-Ngày 25/1/2019, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập, đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Quang cảnh và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm
Tới dự Lễ kỷ niệm, có các đồng chí: Đào Ngọc Dung - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH; Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH; Nguyễn Thị Hằng - Nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, lãnh đạo các Sở LĐTBXH, các Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội các địa phương, các Cơ sở cai nghiện một số tỉnh, thành phố, các cơ quan ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức quốc tế cùng lãnh đạo và cán bộ công chức, người lao động Cục Phòng chống TNXH qua các thời kỳ,... 
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào ngọc Dung phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ
25 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội
Ôn lại chặng đường 25 xây dựng và phát triển, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Cao Văn Thành cho biết: Quá trình xây dựng và phát triển của Cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội gắn liền với việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng chống tệ nạn xã hội. Cục đã tham mưu trình các cấp ban hành 01 Chỉ thị của Ban Bí thư về lãnh đạo công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm; 13 Nghị định; 12 Quyết định của thủ tướng Chính phủ; 04 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 04 Quyết định của Bộ trưởng; 01 Đề án đổi mới công tác cai nghiện và 34 Thông tư, Thông tư liên Bộ. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả, Cục đã tham mưu hướng dẫn triển khai các Chương trình phòng, chống mại dâm; phòng, chống mua bán người; cai nghiện phục hồi trong từng thời kỳ, giai đoạn nhằm phù hợp với tình hình kinh tế xã hội.
Cục đã tham gia xây dựng nhiều văn bản pháp luật như Luật phòng, chống ma túy năm 2000, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy năm 2008, Luật phòng, chống HIV/AIDS, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống mua bán người, Luật Xử lý vi phạm hành chính… và nhiều Nghị định liên quan do các Bộ, ngành khác chủ trì xây dựng.
Giai đoạn từ khi thành lập đến năm 2012, đánh dấu sự lớn mạnh, chuyển biến về số lượng và chất lượng của tổ chức bộ máy, cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của ngành. Đã có hơn 270 cán bộ của các Chi cục/Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; hơn 600 cán bộ thuộc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện; và 2.800 cán bộ, nhân viên của 71 Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động Xã hội với chuyên ngành đào tạo khác nhau như y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội học, kinh tế, pháp luật…
Ông nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống TNXH làm rõ một số hoạt động trong công tác phòng chống TNXH thời gian qua và nêu một số nhiệm vụ, phương hướng trọng tâm hoạt động trong năm 2019
Trong giai đoạn này, có những dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự nỗ lực tham mưu của Cục để ngày 13/4/1996, Chính phủ ban hành Nghị định 20/CP về Quy chế về Cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày (1995) tạo cơ sở pháp lý, nghiệp vụ quan trọng mở đầu cho các hoạt động cai nghiện, chữa trị cho người nghiện ma túy, người bán dâm. Đến năm 2000, một bước tiến trong công tác cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện đáng ghi nhận đó là Cục đã tham gia xây dựng, soạn thảo Luật Phòng, chống ma túy. Và đến 2003, đánh dấu thêm một mốc quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước của Cục về lĩnh vực mại dâm đó là việc Cục đã tham mưu Bộ, trình cấp có thẩm quyền ban hành Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, được đánh giá tương đối đồng bộ cả về quan điểm, chủ trương, biện pháp, phân công trách nhiệm, cơ chế điều phố, chế tài xử lý.
Sau quá trình thực hiện 7 năm thi hành Luật Phòng, chống ma túy (năm 2000), Cục PCTNXH đã tích cực tham mưu cho Bộ và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất với Quốc hội, Chính phủ ban hành hệ thống văn bản pháp luật toàn diện về cai nghiện và quản lý sau cai (Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy (2008). Cục đã nghiên cứu, đề xuất những biện pháp điều trị, cai nghiện ma túy linh hoạt hơn, áp dụng các phương pháp, biện pháp xử lý đồng bộ cả 3 khía cạnh về y tế, pháp luật và xã hội nhằm tạo cơ hội để người nghiện được quyền lựa chọn hình thức và biện pháp cai nghiện.
Đến năm 2012, thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính , Cục tham mưu cho các cấp ban hành văn bản hướng dẫn tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong công tác cai nghiện.
Tiến sỹ Kevin P. Mulvey - Cục Quản lý Lạm dụng Chất gây nghiện và Sức khỏe Tâm thần của Hoa Kỳ (SAMHSA) phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Giai đoạn từ năm 2013-2019, Cục tiếp tục tạo sự đột phá khi năm 2013 Cục tham mưu Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2596/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020”, theo đó, quan điểm về nghiện ma túy, định hướng công tác cai nghiện ma túy được thay đổi phù hợp với nhận thức của thế giới và phù hợp với tình hình.
Những năm gần đây, khi các loại ma túy mới, ma túy tổng hợp ồ ạt phát triển và thâm nhập vào nước ta, để hòa nhập với với quốc tế về thực hiện Chuẩn quốc tế về điều trị nghiện, trên cơ sở tổng kết hàng chục năm thực tiễn cai nghiện, công tác cai nghiện được đổi mới toàn diện cả về nhận thức và giải pháp thực hiện: nghiện ma túy là 1 loại bệnh tâm thần mãn tính phải điều trị lâu dài bằng y học, tâm lý, xã hội; chuyển mạnh từ cai nghiện bắt buộc sang cai nghiện tự nguyện, giảm cai nghiện tập trung-tăng cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, chuyển các cơ sở cai nghiện bắt buộc thành cơ sở cai nghiện đa chức năng, kết nối chặt chẽ giữa cơ sở cai nghiện và cộng đồng để tiếp tục quản lý, hỗ trợ người cai nghiện hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện… Nhiều cơ sở cai nghiện đã xây dựng và trở thành thân thiện với học viên, là ngôi nhà đáng tin cậy của người cai nghiện.
25 năm qua, tại các cơ sở và cộng đồng đã chữa trị cho 64.464 lượt người bán dâm; dạy nghề, tạo việc làm cho 39.323 lượt người; cai nghiện ma túy cho 669.275 lượt người, dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng này 133.746 lượt người. Đã có hàng nghìn người cai nghiện thành công, hòa nhập cộng đồng. Hàng năm, tại các địa phượng, đã xây dựng mới và duy trì 1.000 xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Đến nay, Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã được thành lập tại 42 tỉnh, thành phố gồm 3.111 đội, hơn 19.714 tình nguyện viên tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại địa bàn, cơ sở…
Công tác phòng chống tệ nạn mại dâm cũng đạt được những kết quả quan trọng. Hiện nay, trên cơ sở quyền và giới, chúng ta chuyển sang hỗ trợ chị em tại cộng đồng với nhiều giải pháp giảm tác hại căn cơ: Giảm kỳ thị, cho vay vốn làm ăn, phát triển sinh kế bền vững; tổ chức khám chữa bệnh, điều trị nghiện ma túy, cung cấp cho chị em các kiến thức kỹ năng về chống bạo lực, bạo hành, bóc lột, mua bán, chà đạp nhân phẩm, tạo điều kiện tham gia các tổ nhóm tự lực, đồng đẳng, câu lạc bộ để giúp đỡ lẫn nhau…Nhiều mô hình hỗ trợ chị em tại cộng đồng đang được xây dựng, triển khai bước đầu có kết quả khả quan. Công tác hỗ trợ nạn nhân ngày càng được quan tâm chỉ đạo. Sau khi tiếp nhận, 100% nạn nhân đều được tổ chức gặp gỡ, tư vấn và thực hiện chế độ hỗ trợ để các nạn nhân ổn định tâm lý, sức khỏe và chuyển tuyến, tái hòa nhập cộng đồng theo quy định; nhiều nạn nhân được trợ cấp khó khăn, học văn hóa – học nghề, vay vốn lãi suất thấp để phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng.
Ông Phùng Quang Thức, Chi Cục trưởng Chi Cục Phòng, chống TNXH Hà Nội đại diện cho các Chi Cục phát biểu tại buổi Lễ
Tiếp tục phát huy tốt vai trò tham mưu, chủ động phối hợp phòng, chống tệ nạn xã hội
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá, trong suốt 25 năm qua, mặc dù còn những khó khăn, nhưng công tác phòng chống TNXH đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
"Cục PCTNXH đã thực hiện tốt vai trò tham mưu trong công tác phòng, chống TNXH, chủ động nắm, phân tích, dự báo sát, đúng tình hình; tham mưu cho Bộ trong hoạch định các chủ trương, chính sách, hoàn thiện thể chế và huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống TNXH.
Công tác quản lý Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống TNXH được chú trọng, cải cách hành chính được đẩy mạnh, bước đầu củng cố vững chắc, đồng bộ hơn các cơ sở pháp lý trong công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy. Sự thành công của Bộ trong thời gian qua là có sự đóng góp rất lớn từ Cục PCTNXH ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận.
Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Cục PCTNXH
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống TNXH
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý những bất cập, tồn tại trong thời gian qua, đó là tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em rất phức tạp, đặc biệt qua biên giới các tỉnh phía Bắc, mỗi năm phát hiện trên 1.000 vụ. Bên cạnh đó, người nghiện đang dần trẻ hóa và gia tăng, đặc biệt là nhiều người nghiện có tiền án, tiền sự. Thời gian gần đây, tình trạng học viên ở một số cơ sở cai nghiện bỏ trốn hay những vụ tai nạn giao thông thương tâm liên quan đến người nghiện ma túy, điển hình là vụ tai nạn giao thông ở Long An, Hải Dương cũng gây bất an.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho các tập thể có thành tích xuất sắc.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho các cá nhân có thành tích xuất sắc.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, năm 2019 là năm rất quan trọng trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án, Đề án 5 năm giai đoạn 2016-2020. Công việc của Cục PCTNXH sẽ nhiều hơn và phức tạp hơn.
“Rất nhiều nhiệm vụ phải làm, vì vậy chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn với thành tích, mà phải chủ động hơn để nhận diện các nguy cơ, thách thức. Xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế để từ đó tích cực đổi mới, tập trung lãnh đạo, đồng sức, đồng lòng, triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng đưa ra cảnh báo: "ma túy đã gõ cửa từng thôn bản, từng nhà, từng cháu học sinh rồi, do đó trong thời gian tới, chúng ta cần phải chú trọng việc phòng, theo đó cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, trong từng gia đình, ông bố, bà mẹ, trong nhà trường… về tác hại của tệ nạn xã hội nói chung và ma túy, mại dâm, buôn bán người nói riêng, về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma túy, biểu dương các mô hình, cá nhân điển hình tiên tiến; gây công luận phê phán những tụ điểm hoạt động về mại dâm, ma túy, gây nhức nhối cho địa bàn dân cư…
Bộ trưởng đề nghị Cục tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Bộ, Chính phủ, Quốc hội các chính sách pháp luật về phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với quan điểm tiếp cận dựa trên quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, chú trọng đến các giải pháp mang tính xã hội.
Bộ trưởng đề nghị Cục Phòng chống TNXH chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành trong phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống TNXH. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm của quốc tế trong công tác cai nghiện ma túy, phòng chống mại dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Thúc đẩy việc xây dựng hệ thống dịch vụ trợ giúp xã hội, các mô hình câu lạc bộ trợ giúp lẫn nhau cho nhóm người bán dâm, người nghiện ma túy, nạn nhân bị mua bán ở cộng đồng. Kể cả mô hình công lập và tư thục. Tập trung phân tích dự báo, đánh giá tình hình, đánh giá xem các nước trên thế giới làm như thế nào, cai nghiện như thế nào. Tham mưu tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở cai nghiện, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, mua bán. Rà soát lại các chế độ, chính sách cho các đối tượng, nhất là các chính sách đối với phụ nữ bị buôn bán trở về… Đồng thời Cục phải xây dựng một tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức toàn tâm, toàn ý với nhiệm vụ, với công việc.
Phát biểu tại buổi lễ, ông nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH cảm ơn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các lãnh đạo Bộ đã đặc biệt quan tâm đến thể chế chính sách về tệ nạn xã hội nhằm sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn, như tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, Nghị định, Quyết định liên quan đến công tác phòng, chống TNXH.
Ông Nguyễn Xuân Lập cho biết, trong những năm qua, Cục PCTNXH luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, cũng như các Bộ, ban ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước. Đồng thời nghiêm túc tiếp thu những ý kiến chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ trưởng cũng như lãnh đạo Bộ để cụ thể hóa vào kế hoạch công tác năm 2019 và những năm tiếp theo.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Huân chương Lao động hạng Nhì cho ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp LĐTBXH cho 26 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác, đóng góp cho quá trình xây dựng và phát triển của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp của ngành LĐTBXH. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho 3 tập thể và 8 cá nhân có thành tích xuất sắc./.

Mỹ Hạnh
 
 
 
 
TAG: Cục Phòng chống tệ nạn xã hội 25 năm thành lập Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Bộ trưởng Đào Ngọc Dung Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024