Nghiên cứu - trao đổi
Trang chủ / Nghiên cứu - trao đổi / Nghiên cứu - trao đổi
Công tác xã hội đối với nạn nhân bạo lực gia đình
09:19 AM 14/09/2016
Bạo lực gia đình (BLGĐ) là một hiện tượng xã hội tồn tại dai dẳng từ xưa đến nay ở mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi vùng miền. BLGĐ là những hành vi mang tính chất bạo lực được các thành viên trong gia đình dùng để giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, xung đột trong gia đình. Hành vi này không chỉ để lại hậu quả tiêu cực trong thời điểm hiện tại mà còn để lại những tổn thương tâm lý lâu dài cho người bị bạo lực.
Một số chính sách trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bạo lực gia đình
Để trợ giúp nạn nhân BLGĐ, trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008, trong đó tại Điều 38 của Luật đã qui định trách nhiệm của Bộ Lao động –  TBXH đối với việc triển khai phòng, chống BLGĐ như: Hướng dẫn việc thực hiện trợ giúp nạn nhân BLGĐ tại các cơ sở bảo trợ xã hội; Chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống BLGĐ vào các chương trình xoá đói, giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Nghị định số 81/2012/NĐ-CP ngày 8/10/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68/2008/NĐ-CP đã qui định qui trình tiếp nhận các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, bao gồm nạn nhân của BLGĐ vào chăm sóc, cụ thể như: Khi tiếp nhận nạn nhân BLGĐ, cần tổ chức lập biên bản tiếp nhận, có chữ ký của cá nhân hoặc đại diện cơ quan, đơn vị phát hiện ra đối tượng (nếu có), chính quyền (hoặc công an) cấp xã, đại diện cơ sở; đánh giá về mức độ tổn thương, khả năng phục hồi và nhu cầu trợ giúp của đối tượng để có kế hoạch trợ giúp; bảo đảm an toàn và chữa trị những tổn thương về thân thể hoặc tinh thần cho đối tượng kịp thời. Ngoài việc được tiếp nhận, nạn nhân BLGĐ còn được cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội như: phục hồi chức năng, lao động sản xuất, trợ giúp trong các hoạt động tự quản, văn hoá, thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khoẻ.
Đặc biệt, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội cũng đã quy định nạn nhân BLGĐ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng được hỗ trợ: Tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ bảo hiểm y tế; Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội. Đối với nạn nhân BLGĐ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội được trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội (270.000đ) nhân với hệ số tương ứng quy định, ngoài ra còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, cấp vật dụng phục vụ sinh hoạt thường ngày, khi chết được hỗ trợ mai táng phí bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội.
Dịch vụ CTXH đối với nạn nhân BLGĐ
Với quan điểm “CTXH thúc đẩy sự phát triển xã hội, giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ, tạo khả năng và giải phóng con người nhằm thúc đẩy phúc lợi. Sử dụng các học thuyết về hành vi con người và các hệ thống xã hội, công tác xã hội can thiệp vào những thời điểm khi con người tương tác với các môi trường của mình. Nhân quyền và công lý trong xã hội là những nguyên tắc nền tảng của công tác xã hội”.  Đối với nạn nhân của BLGĐ, đặc biệt là phụ nữ, nhân viên CTXH có thể cung cấp một số dịch vụ xã hội để hỗ trợ nạn nhân như: Lập kế hoạch trợ giúp, điều phối các dịch vụ hỗ trợ dựa trên nguyên tắc ưu tiên và đáp ứng nhu cầu của họ, đảm bảo giải quyết tất cả những vấn đề khó khăn mà thân chủ đang gặp phải. Đánh giá mức độ tổn thương tâm lý, xác định phương pháp tham vấn và trị liệu, cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý để phục hồi sang chấn cho nạn nhân. Những trường hợp có vấn đề về tâm lý quá lớn, nhân viên xã hội không đủ khả năng giải quyết thì sẽ đựơc kết nối, chuyển giao đến các cơ quan và tổ chức có khả năng, đủ thẩm quyền.
Hành vi bạo lực gia đình không chỉ để lại hậu quả tiêu  cực trong thời điểm hiện tại mà còn để lại những tổn thương tâm lý lâu dài cho người bị bạo lực. 
Cán bộ xã hội can thiệp để đảm bảo từng thành viên của gia đình, và toàn thể gia đình có thể sống cùng nhau một cách an toàn và hòa thuận; giải quyết các bất hòa và xử lý các vấn đề. Cán bộ xã hội làm việc trong những trung tâm, nhà tạm lánh hỗ trợ các phụ nữ bị bạo hành. Các cán bộ xã hội cũng có thể hỗ trợ những gia đình nghèo và thu nhập thấp tiếp cận các dịch vụ, thực hiện các quyền về phúc lợi. Hiện nay, các Trung tâm CTXH đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ nạn nhân BLGĐ như: Cung cấp các dịch vụ khẩn cấp, tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho đối tượng. Tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức phù hợp khác để bảo vệ, trợ giúp đối tượng; tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc. Bên cạnh đó, Trung tâm còn xây dựng kế hoạch can thiệp và trợ giúp đối tượng, thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối tượng rơi vào hoàn cảnh khó khăn và bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hệ thống cung cấp dịch vụ tại các cơ sở bảo trợ xã hội đã bộc lộ những yếu kém như thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, thiếu sự liên kết, kết nối mang tính hệ thống với các cơ quan phúc lợi xã hội và các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp xã hội khác; Dịch vụ cung cấp chủ yếu tập vào chăm sóc, nuôi dưỡng ngắn hạn và nuôi dưỡng dài hại, các dịch vụ xã khác hầu như không có hoặc nếu có cũng rất hạn chế và chất lượng dịch vụ thấp. Ngoài ra cơ sở vật chất của nhiều cơ sở bảo trợ xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng và cung cấp các dịch vụ cho đối tượng bảo trợ xã hội. Đặc biệt, các loại hình cơ sở bảo trợ xã hội hội ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức, đội ngũ nhân viên, cộng tác viên chưa được đào tạo, tập huấn về công tác xã hội một cách chuyên nghiệp; Cơ sở không được hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất dẫn đến không đồng bộ, không nhận được hỗ trợ kinh phí chăm sóc y tế, bảo đảm vệ sinh và các chi phí sức khỏe cho đối tượng như các cơ sở công lập. Việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình được thực hiện tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập. Phần lớn cán bộ, nhân viên làm việc tại trung tâm chưa được đào tạo về công tác xã hội.
Bên cạnh đó, hệ thống các tổ chức liên quan đến cung cấp các dịch vụ về công tác xã hội hình thành ở ngành Lao động-Thương binh và Xã hội là chủ yếu, chưa hình thành ở các ngành Y tế, Giáo dục và Toà án nhân dân; lực lượng cán bộ lại quá mỏng và cũng thiếu tính chuyên nghiệp; các hoạt động hiện tại mang nặng tính quản lý Nhà nước hơn là hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, nhằm giúp họ tự giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh. Mạng lưới nhân viên CTXH của Việt Nam chưa được thiết lập cơ bản và hệ thống. Đội ngũ cán bộ văn hoá - xã hội ở cấp xã, phường, thị trấn, cán bộ trong các cơ sở  bảo trợ xã hội, cán bộ kiêm nhiệm hoạt động trong hệ thống hội chữ thập đỏ các đoàn thể và các tổ chức phi chính phủ cung cấp dịch vụ cho người già, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật ... nhưng họ chỉ  là những nhân viên công tác xã hội nghiệp dư, chưa được đào tạo chuyên ngành CTXH. Công tác truyền thông, giáo dục, vận động chưa được thực hiện thường xuyên, do lực lượng tuyên truyền viên còn thiếu về số lượng và nghiệp vụ nên chất lượng truyền thông chưa cao. Việc quản lý, phát hiện, can thiệp, trợ giúp đối với trẻ em có nguy cơ bị tổn thương, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại chưa kịp thời, do thiếu cán bộ, cộng tác viên ở cơ sở để thường xuyên nắm bắt thông tin biến động của các đối tượng này, kịp thời can thiệp để trẻ em không bị bạo lực, xâm hại; việc tái hoà nhập trẻ em cũng còn gặp nhiều khó khăn. Việc cung cấp và kết nối các dịch vụ can thiệp, trợ giúp đối tượng bị bạo lực, xâm hại còn hạn chế, thiếu hoặc chưa có chỗ ở tạm thời, chăm sóc y tế đặc thù, trị liệu tâm lý. Việc kết nối giữa các trung tâm và cộng đồng còn hạn chế, chưa linh hoạt.
Định hướng trong thời gian tới
Một trong những hiện tượng đáng lo ngại nhất của tình trạng khủng hoảng trong các gia đình hiện nay là BLGĐ. BLGĐ vẫn lan rộng và trở thành vấn đề xã hội nghiêm trọng và phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. BLGĐ đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, mà trước hết là vi phạm đến quyền con người, đền danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân. BLGĐ làm xói mòn đạo đức, mất tính dân chủ xã hội và ảnh hưởng đến thế hệ tương lai. Điều này đặt ra cho xã hội văn minh nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân của BLGĐ, đồng thời tìm ra những giải pháp hữu hiệu khắc phục và đi đến xóa bỏ hiện tượng này. Đối với lĩnh vực công tác xã hội, trước hết cần đổi mới chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở bảo trợ xã hội, chuyển từ chăm sóc tập trung sang cung cấp dịch vụ công tác xã hội; thực hiện chăm sóc khẩn cấp tại các cơ sở bảo trợ xã hội, phát triển dịch vụ chăm sóc bán trú, xây dựng, hoàn chỉnh cơ chế, mô hình trợ giúp đối tượng học nghề, tìm việc làm, tổ chức cung cấp dịch vụ công tác xã hội, xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết giữa cơ sở bảo trợ xã hội và hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ khác…
Trong giai đoạn 2016-2020, cần hỗ trợ, nhân rộng mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh thành phố, trường đại học, trường nghề để cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng có vấn đề xã hội. Phát triển mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội, đội ngũ cộng tác viên tại các xã, phường. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, hỗ trợ tư vấn tâm lý cho các tổ chức, đoàn thể, gia đình có nạn nhân BLGĐ. Nghiên cứu chính sách và nâng mức trợ cấp, chế độ trợ giúp xã hội. Xây dựng và tập huấn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác xã hội với nạn nhân BLGĐ.
ThS. Tô Đức
Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội
TAG: công tác xã hội CTXH nạn Nhân bạo lực gia đình Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức bao
Tin khác
Xác định tư cách pháp lý chủ thể doanh nghiệp trong thực tiễn hành nghề công chứng
Quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế
Hội thảo 'Kinh nghiệm của các nước về phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền và bài học cho Việt Nam'
Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại các cấp địa phương
Trách nhiệm của thanh niên khi tham gia không gian mạng
Kinh tế xanh ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức
Môi trường làm việc an toàn và lành mạnh là quyền cơ bản của người lao động
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Xây dựng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo hướng chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới