An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Công tác xã hội có vai trò quan trọng trong thích ứng với biến đổi khí hậu
12:27 PM 16/09/2019
(LĐXH) Dưới sự ảnh hưởng của biến đối khí hậu (BĐKH), công tác xã hội có một vai trò quan trọng trong việc trợ giúp người dân phòng ngừa, giảm thiểu tác hại, rủi ro do BĐKH gây ra. Điều này được thể hiện thông qua các chức năng của CTXH như can thiệp, phục hồi, xử lý sau thiên tai...
Tại Hội thảo Công tác xã hội thích ứng với BĐKH do Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội tổ chức trong 2 ngày 12-13/9 tại thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, BĐKH đang là vấn đề được toàn nhân loại quan tâm bởi nó đã, đang và sẽ tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội và môi trường toàn cầu và cũng đang trở thành thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Dưới tác động của BĐKH, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: Bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây thiệt hại to lớn, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP mỗi năm. Đây là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển bền vững. Mỗi năm Chính phủ phải chi hàng nghìn tỷ đồng để giải quyết, khắc phục hậu quả thiên tai.

Để thích ứng với BĐKH, Trung tâm Nuôi dưỡng Người có công và xã hội Hải Dương chú trọng cảnh quan môi trường khuôn viên giảm nắng nóng trong mùa hè và ấp áp trong mùa đông

Nhận thức được các nguy cơ và thách thức của BĐKH, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chủ động triển khai xây dựng và ban hành một cách hệ thống các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó có hiệu quả với tác động của BĐKH, cùng với đó là các dịch vụ công tác xã hội đóng vai trò cầu nối chủ chốt, là phương tiện hiệu quả trong thực thi các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.
Còn theo ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương- Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, những vấn đề công tác xã hội quan tâm trong ứng phó với thiên tai bao gồm: Sức khỏe của người dân, sự an toàn của xã hội, các vấn đề an sinh của người dân, các tổn thương của các nhóm yếu thế như người già, trẻ em phụ nữ mang thai, người khuyết tật, người nghèo... Công tác xã hội trong ứng phó với thiên tai thực hiện các chức năng chính hỗ trợ cho cá nhân, gia đình trước, trong và sau thảm họa; Kết nối nhu cầu cá nhân tới các nguồn lực và giúp thân chủ tiếp cận nguồn lực; Ngăn ngừa tình trang suy giảm sức khỏe tinh thần và thể chất; Ngăn ngữa nguy cơ tan vỡ trong các gia đình, nhóm cộng đồng, tổ chức; Can thiệp để thay đổi hệ thống ở cấp vi mô và vĩ mô để cải thiện an sinh cho người dân.
Bên cạnh đó, công tác xã hội còn thực hiện chức năng phát triển cộng đồng thông qua việc xây dựng các nhóm, các tổ chức để giúp người dân trong cộng đồng có khả năng kiểm soát được các quyết định, dự án chương trình và chính sách tác động đến cuộc sống của người dân trong cộng đồng.
Theo TS. Phạm Thị Huế, Trường Đại học Lâm nghiệp, CTXH có vai trò giúp người dân nâng cao năng lực, thúc đẩy phát triển tối đa tiềm năng, làm phong phú đời sống của họ và ngăn ngừa, giảm nhẹ các thiệt hại khi người dân chịu hậu quả của BĐKH. Các hoạt động cụ thể của công tác xã hội với BĐKH như: trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường; kiến thức về biện pháp phòng tránh và ứng phó với BĐKH; hỗ trợ người dân khu vực thiên tai; hỗ trợ phát triển sinh kế, giảm nghèo bền vững; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xã hội cho con người; phát triển cộng đồng… Công tác xã hội chuyên nghiệp tập trung vào quá trình giải quyết các vấn đề và sự thay đổi.
Bên cạnh đó, CTXH với vai trò kết nối đối tượng (trong trường hợp này là những người chịu ảnh hưởng từ BĐKH) với hệ thống các nguồn lực, dịch vụ và cơ hội trong xã hội như dịch vụ việc làm, dịch vụ chăm sóc y tế, hệ thống đầu tư cơ sở hạ tầng, nước sạch, các dự án, tổ chức phi chính phủ… Do đó, nhân viên CTXH là những tác nhân đổi mới trong xã hội, trong đời sống của các cá nhân, gia đình, cộng đồng mà họ phục vụ. Ngoài ra, CTXH với tư cách là một chuyên ngành khoa học ứng dụng có vai trò đóng góp to lớn trong việc xây dựng và phát triển các chính sách xã hội nói chung và các chính sách liên quan đến BĐKH và ứng phó với BĐKH nói riêng.

Đối tượng tại Trung tâm tham gia lao động sản xuất
Ở Việt Nam, đại bộ phận dân số nghèo phải sống trong những môi trường khắc nghiệt, khiến họ rất dễ bị tổn thương trước những BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đặc biệt, người nghèo ở nông thôn, người nghèo ven biển là những nhóm đối tượng nhạy cảm nhất. BĐKH còn gây trở ngại lớn với những nỗ lực giảm nghèo của quốc gia và từng người dân. Trong khi đó, CTXH có vai trò trong việc giảm nghèo bền vững – một giải pháp được sử dụng để ứng phó với BĐKH. CTXH với người nghèo nhằm giúp đỡ cá nhân, gia đình và cộng đồng nghèo nâng cao năng lực để thoát nghèo bền vững, giúp họ đối mặt, vượt qua những rủi ro như thất học, thiếu việc làm, thiếu vốn… Bên cạnh đó, còn thúc đẩy các điều kiện xã hội để cá nhân, gia đình nghèo tiếp cận được các chính sách, nguồn lực xã hội, đáp ứng nhu cầu cơ bản.
Dưới góc độ giới, phụ nữ và nam giới đối mặt với những tác động của BĐKH trong các điều kiện không giống nhau. Các nghiên cứu về góc độ giới cho thấy phụ nữ chịu nhiều tác động của BĐKH hơn nam giới. Đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, phụ nữ mang thai và trẻ em chịu tác động trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản và các vấn đề sinh kế của người phụ nữ nghèo ở các vùng rủi ro, dễ tổn thương trước thiên tai. Khi đó, nhân viên CTXH đã hỗ trợ nhiều cá nhân, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội từ các trung tâm xã hội như công tác tham vấn, tư vấn, trợ giúp khẩn cấp… mang lại hiệu quả nhất. Nhiều trẻ em bị lạc, mất nguồn nuôi dưỡng đã được các trung tâm tham mưu, đề xuất với các cơ quan chức năng ở địa phương giải quyết chế độ đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng, phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình đưa các em trở về hòa nhập cộng đồng. Nhiều phụ nữ gặp khó khăn về sinh kế sau thiên tai cũng được cán bộ của các trung tâm phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội hỗ trợ nguồn vốn, đào tạo nghề.  
Mặt khác, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ BĐKH còn có nhóm đối tượng trợ giúp xã hội. Họ có thể là những hộ gia đình nghèo, hoặc khó khăn về điều kiện kinh tế, hoặc là những người bị tàn tật, yếu sức khỏe, người già, người bị bệnh tâm thần, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Bản thân những đối tượng trợ giúp xã hội thường có năng lực phòng ngừa thấp hơn những người khác do điều kiện kinh tế và do năng lực cá nhân, khả năng khắc phục các hậu quả của đối tượng này cũng hạn chế. BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan tác động đến những đối tượng này nhằm vào tính mạng, sức khỏe và tài sản. CTXH tiếp tục được quan tâm, triển khai để hỗ trợ cho nhóm đối tượng trợ giúp xã hội. Đến hết năm 2018, cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 2,8 triệu người, trong đó có 42.434 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; hơn 1,6 triệu người cao tuổi; hơn 1 triệu người khuyết tật đang được hưởng trợ cấp; 4.389 người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo...
Có dịp đi tìm hiểu thực tế về công tác thích ứng với BĐKH tại Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Người có công và xã hội tỉnh Hải Dương, ông Phạm Xuân Tuấn, Giám đốc Trung tâm cho biết: Những năm gần đây, do BĐKH thời tiết nắng nóng, mưa bão ảnh hưởng tới công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng cũng như công tác sản xuất tăng gia của đơn vị như năm 2018, do ảnh hưởng trời mưa sét đã đánh cháy một trạm biến áp của đơn vị; mưa bão kéo dài gây ngập ao cá, gà vịt. Cùng với đó toàn bộ hệ thống nước của người dân địa phương xung quanh ảnh hưởng đến trung tâm gây đổ tường bao. Để chủ động thích ứng với BĐKH, Trung tâm đã xây dựng phương án ứng phó như thành lập Đội phòng chống lụt báo, phân công ca trực trong mùa mưa bão. Khi thời tiết nắng nóng, trung tâm sử dụng quạt điện cho đối tượng, không mắc màn và để tránh muỗi định kỳ đơn vị phun thuốc diệt muỗi. Ngoài ra, để hỗ trợ đối tượng trung tâm đầu tư sửa chữa trạm biến áp, đầu tư xây dựng tường bao, bố trí tránh trú, cứu hộ cứu nạn...
Đánh giá về vai trò của CTXH trong thích ứng với BĐKH, TS.Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020, đây là văn bản pháp lý chính thức đầu tiên quy định phát triển nghề CTXH ở Việt Nam. Thời gian quan, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai. Trong chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương đều có hoạt động phòng, chống thiên tai. Riêng đối với CTXH thích ứng với BĐKH cũng có chức năng phòng ngừa thiên tai, có vai trò trợ giúp người dân giảm thiểu, ứng phó, can thiệp, phục hồi xử lý sau thiên tai. Nhân viên CTXH đóng vai trò phát triển giúp người dân xử lý vấn đề của mình như: hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao năng lực giúp người dân chủ động thích ứng; vận động kết nối điều phối nguồn lực. Để nâng cao hiệu quả CTXH thích ứng với BĐKH ở Việt Nam, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về BĐKH và giải pháp ứng phó. Từ đó giúp người dân và cộng đồng chủ động có các giải pháp thích ứng với  BĐKH và đảm bảo an sinh xã hội.
BĐKH tác động đến mọi mặt của cuộc sống, đến mọi phương diện của nền kinh tế và hoạt động xã hội, trong đó chịu tác động cuối cùng và nhiều nhất là người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương. Việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của CTXH thích ứng với BĐKH là điều cấp bách và rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các đơn vị có liên quan đang tích cực hỗ trợ người dân ứng phó với BĐKH. Trong đó, Bộ sẽ tập trung phối hợp, nâng cao nhận thức cho các cơ quan truyền thông về CTXH thích ứng với BĐKH./.

Đỗ Thị Phượng
TAG: công tác Xã Hội Khí Hậu Hỗ Trợ bao
Tin khác
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công
Gần 500 nghìn hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được tiếp nhận qua cổng dịch vụ công quốc gia
TP.HCM: Vẫn còn một số đơn vị gặp khó trong việc kê khai hồ sơ thu BHXH, BHYT, BHTN..
Quân khu 7 tổng kết thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy tập hài cốt liệt sĩ
Bàn giao nhiều di vật, kỷ vật cho các gia đình liệt sĩ ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế
Dự án “Thả lưới ước mơ” – thêm điều kiện biến những ước mơ của trẻ em thành hiện thực
Quận Hoàn Kiếm khám bệnh miễn phí cho hơn 500 người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo