Tin trong nước
Trang chủ / Thời sự / Tin trong nước
Công tác nuôi con nuôi: Cần đem lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em
06:19 PM 06/07/2018
(LĐXH)- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cần quyết liệt chấn chỉnh vấn đề nuôi con nuôi, tất cả với mục đích đem lại lợi ích tốt nhất cho các em.
Chiều 6/7/2018 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long về công tác nuôi con nuôi và tình hình xây dựng các dự án Luật, pháp lệnh trong Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018 – 2019 của Bộ LĐTB&XH: Bộ Luật lao động (sửa đổi); Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Cùng tham dự buổi làm việc có lãnh đạo một số đơn vị liên quan của hai Bộ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc
Bà Nguyễn Thị Hảo, Cục trưởng Cục con nuôi (Bộ Tư pháp) cho biết, kể từ khi thực hiện Luật nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế (gọi là Công ước La Hay), nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được giải quyết cho làm con nuôi.
Trong 7 năm (2011 – 2017), trên toàn quốc đã có 21.233 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi, trong đó con nuôi trong nước chiếm tỷ lệ lớn khoảng 86,5%, phù hợp với nguyên tắc của Công ước Quyền trẻ em và Công ước La Hay, trong đó có nguyên tắc ưu tiên tìm gia đình thay thế trong nước.
Việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi đáp ứng lợi ích và nhu cầu của trẻ em. Công tác giải quyết nuôi con nuôi trong nước cơ bản đi vào nề nếp, thể hiện tính chuyên nghiệp và bước đầu đáp ứng được những mục tiêu chính đề ra khi xây dựng Luật nuôi con nuôi, thể hiện đúng đắn chính sách nhân đạo đối với trẻ em của Nhà nước ta.
Công tác giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài đã đảm bảo được yếu tố pháp lý về điều kiện được cho làm con nuôi theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại buổi làm việc
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, công tác nuôi con nuôi còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Nhu cầu trẻ em tìm gia đình thay thế và mong muốn của các gia đình được nhận nuôi trẻ là rất lớn nhưng không gặp được nhau. Khi giải quyết nuôi con nuôi, một số cơ sở TGXH còn “gắn” với vấn đề hỗ trợ tài chính của cha mẹ nuôi nước ngoài.
Đại diện Cục con nuôi kiến nghị: Về thể chế, đối với Bộ Tư pháp, trong năm 2018 chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 19/2011/NĐ-CP trong đó có việc sửa đổi một số quy định theo hướng đẩy mạnh nuôi con nuôi trong nước và minh bạch tài chính với nhận nuôi con nuôi; Bộ LĐTB&XH chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 144/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về xử lý đối với hành vi tiếp nhận, quản lý và sử dụng sai mục đích, sai quy định đối với các khoản hỗ trợ, tặng của các cá nhân, tổ chức cho các cơ sở TGXH.
Đại diện Cục con nuôi báo cáo tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Lê Thành Long đều khẳng định, Công tác phối hợp liên ngành trong lĩnh vưc này đã được tăng cường. Hai Bộ thông qua các đơn vị chuyên môn đã có nhiều nỗ lực phối hợp với nhau để thực hiện tốt việc quản lý đối với công tác nuôi con nuôi, như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chương trình; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ…
Để cụ thể hóa và tăng cường hơn nữa công tác phối hợp liên ngành giữa hai Bộ, ngày 14/3/2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã ký Quy chế về phối hợp công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Việc tăng cường phối hợp liên ngành là yếu tố quan trọng trong tổ chức và thi hành pháp luật về nuôi con nuôi. Hai Bộ cũng đã quyết liệt tổ chức thi hành đầy đủ, toàn diện, hiệu quả các quy định pháp luật hiện hành liên quan tới nuôi con nuôi với tinh thần làm hết trách nhiệm và tất cả vì trẻ em.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em sẽ được tổ chức vào cuối tháng 7/2018. Bộ trưởng yêu yêu cầu Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH) phối hợp với Cục con nuôi (Bộ Tư pháp) chuẩn bị báo cáo đầy đủ, tổng thể về bức tranh chung trẻ em, trong đó có liên quan đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cụ thể hơn nữa là vấn đề nuôi con nuôi. Nội dung này cần được đưa vào kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các cơ quan chức năng quyết liệt chấn chỉnh vấn đề nuôi con nuôi, kiểm tra, thanh tra những vi phạm nếu có, đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, tất cả với mục đích đem lại lợi ích tốt nhất cho các em.

**Bộ luật Lao động sửa đổi được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tiễn

Báo cáo tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB&XH) Hà Đình Bốn cho biết, trong năm 2018 - 2019, Bộ LĐTBXH được Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ phân công soạn thảo 3 dự án luật, pháp lệnh như đã kể trên.

Về Bộ luật Lao động (sửa đổi), ông Bốn thông tin, về cơ bản vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động năm 2012. Ngoài ra cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung mang tính tăng cường khả năng nhận diện các quan hệ lao động trên thực tiễn, khắc phục tình trạng ‘lách’ các quy định của pháp luật lao động; đồng thời nghiên cứu điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong thị trường lao động nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ lao động và thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động trong bối cảnh mới.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nổi bật là nhóm chính sách bảo đảm quyền tự do tìm kiếm việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức; mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về thời giờ làm thêm; sửa đổi khái niệm tiền lương tối thiểu và các tiêu chí xác định lương tối thiểu. Chính sách tiền lương tiếp tục được thể chế hóa theo cơ chế thị trường, từng bước mở rộng, tạo quyền tự chủ cho người sử dụng lao động và người lao động.

Đặc biệt, các quy định để tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình từ năm 2021 nhằm thu hẹp dần khoảng cách về giới, thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã được đưa ra tham vấn ý kiến rộng rãi. Bộ luật Lao động năm 2012 sửa đổi toàn diện, thay vì sửa đổi, bổ sung một số điều như quá trình soạn thảo trước đây.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao tinh thần trao đổi thẳng thắn, cùng nhau đánh giá và nhận diện đúng các vấn đề đạt được cũng như những khó khăn cần tháo gỡ của hai ngành trong công tác phối hợp. Thời gian tới, hai Bộ trưởng mong muốn công tác phối hợp giữa hai Bộ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn./.

Dương Thìn
TAG: nuôi con nuôi nhận con nuôi
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đẩy mạnh hợp tác nhân lực về đào tạo nghề giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm quận Hà Đông năm 2024: Cơ hội tốt để người lao động lựa chọn những vị trí việc làm phù hợp
Đảng ủy Bộ LĐ-TB&XH chính thức tiếp nhận Đảng bộ và đảng viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II
Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp kiểm tra huấn luyện tại Đồng Nai
Tăng cường mối quan hệ hữu nghị, thúc đẩy thực thi pháp luật trên biển
Tin buồn: Đồng chí Trần Thị Thanh Thanh từ trần
Tiếp tục phát huy và lan tỏa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 28 ( khoá XI): Ưu tiên thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng, đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu