Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Công bố nghiên cứu cảnh báo gia tăng bất bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ
05:26 PM 03/06/2016

(LĐXH) - Ngày 3/6/2016, tại Hà Nội,  Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã Hội Việt Nam, với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã tổ chức công bố báo cáo nghiên cứu ‘Hướng tới Bình đẳng giới ở Việt Nam: Để tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ’. 

Nghiên cứu đã chỉ ra nguy cơ gia tăng bất bình đẳng giới nếu Việt Nam không tăng cường cung cấp các cơ hội công việc tốt hơn cho phụ nữ và hỗ trợ giảm thiểu vai trò của phụ nữ trong các công việc chăm sóc gia đình không được trả lương. 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Layton Pike, Phó Đại sứ Úc cho biết: “Chính phủ Australia rất vui mừng được hỗ trợ báo cáo nghiên cứu này bởi báo cáo nhấn mạnh bình đẳng giới không phải một vấn đề bên lề. Từ nông nghiệp đến giáo dục, phụ nữ và nam giới tham gia khác nhau vào các lĩnh vực của nền kinh tế và khác nhau trong việc tiếp cận những nguồn lực và dịch vụ.”

 

 

Bìa báo cáo

 

“Chúng ta cần có cách nhìn khác rằng sự chuyển đổi nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam đang ảnh hưởng tới phụ nữ so với nam giới. Vì vậy những chính sách và hành động cần tập trung tạo điều kiện để tất cả mọi người được thụ hưởng công bằng các lợi ích từ việc phát triển kinh tế xã hội.”

Sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối tháng 12 năm 2015 và việc ký kết hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm 2015 là những bước tiến xa hơn của Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế. Sự tham gia của Việt Nam trong những hiệp định thương mại mới này sẽ mở ra hàng loạt các cơ hội tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các ngành sản xuất, dệt may và điện tử. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng trong việc làm cho đến nay chủ yếu tập trung vào các công việc không đòi hỏi tay nghề. Các cơ hội về đào tạo, phát triển kỹ năng và thăng tiến trong những ngành nghề này rất hạn chế, đặc biệt đối với phụ nữ.

 

 

Là báo cáo toàn diện đầu tiên phân tích nền kinh tế thông qua lăng kính giới, nghiên cứu này đánh giá mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay của Việt Nam, cho thấy mặc dù phụ nữ đang góp một phần lớn trong phát triển kinh tế, việc đạt được mô hình tăng trưởng bao trùm vẫn là một thách thức đối với Việt Nam. Nghiên cứu cảnh báo rằng nếu những lợi ích của tăng trưởng kinh tế được phân bổ không đều và quản lý không tốt, quá trình hội nhập có thể duy trì sự tách biệt về giới trên thị trường lao động, đồng thời làm gia tăng tình trạng dễ bị tổn thương của lao động nữ và duy trì khoảng cách tiền lương giữa hai giới.


“Mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại của Việt Nam chưa chú ý đến việc đảm bảo quyền của phụ nữ được hưởng lợi bình đẳng từ sự phát triển, và nếu các chính sách và ưu tiên hiện thời không được xem xét lại và cải cách từ góc độ giới, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn sẽ có thể bỏ phụ nữ lại phía sau”, bà Shoko Ishikawa, Trưởng Đại diện của UN Women Việt Nam phát biểu tại Hội thảo công bố báo cáo. 

“Ưu tiên bình đẳng giới cần phải đặt ở trung tâm của các chính sách phát triển. Đầu tư vào phụ nữ là đầu tư vào tăng trưởng kinh tế” bà chia sẻ thêm.

 

 

 Các đại biểu tham dự Lễ công bố


Báo cáo lưu ý rằng mặc dù nhiều cơ hội công việc được mở ra cho lao động nữ trong những ngành xuất khẩu, song phụ nữ ít có cơ hội được đào tạo và thăng tiến hơn nam giới, và khoảng cách giới trong thu nhập đang giãn rộng dần theo thời gian. Báo cáo cũng cho thấy, nông nghiệp vẫn là nguồn sinh kế chính của phần lớn người dân, đặc biệt là phụ nữ ở khu vực Bắc Trung bộ và Tây Nguyên, nhưng đa số họ vẫn làm việc mà không được trả công trong các nông trại gia đình. Điều này khiến họ trở nên dễ bị tổn thương, do có rất ít cơ hội đảm bảo thu nhập và năng suất lao động. Giống như ở nhiều quốc gia khác, phụ nữ Việt Nam cũng dành nhiều thời gian hơn để làm công việc nội trợ không được trả công. So với nam giới, gánh nặng công việc không được trả công đã hạn chế khả năng tiếp cận của phụ nữ đến các cơ hội kinh tế và năng lực tham gia của họ vào các công việc được trả công, làm tăng mức độ stress của họ và có tác động đến quan hệ quyền lực trong gia đình.

Nghiên cứu đã đề xuất những khuyến nghị về chính sách để có thể thúc đẩy việc hiện thực hóa tiềm năng của phụ nữ và giúp cho sinh kế của họ đảm bảo hơn, cho dù phụ nữ là những người nông dân làm việc ở quy mô nhỏ, lao động giúp việc gia đình được trả lương hay công nhân nhà máy may. Báo cáo nghiên cứu có thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo về vị thế của phụ nữ ở Việt Nam, đồng thời cung cấp các bằng chứng thực tiễn góp phần thúc đẩy mối quan tâm một cách rộng rãi và việc thông qua tất cả các chính sách và chương trình kinh tế có yếu tố giới của Chính phủ Việt Nam.

PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã nhấn mạnh việc công bố báo cáo nghiên cứu là một minh chứng sinh động cho sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức quốc tế và trong nước đối với sự nghiệp đấu tranh cho bình đẳng giới ở Việt Nam. Theo ông, để đạt được bình đẳng giới thực sự cho phụ nữ thì các chính sách phải đảm bảo được tính bao trùm xã hội, trong đó đặc biệt chú ý đến phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương. 

PV

TAG: UN Women bình đẳng giới
Tin khác
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024
Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện A Lưới
Nghệ An: Nỗ lực chăm sóc toàn diện cho trẻ em
Trợ giúp pháp lý góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật
Yên Bái phấn đấu về đích sớm Đề án hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Quảng Ninh: Chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Bắc Kạn: Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội