Doanh nghiệp
Trang chủ / Kinh tế / Doanh nghiệp
Công bố Báo cáo thường niên về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 2022
12:01 PM 13/03/2023
(LĐXH)- Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) vừa chính thức công bố Báo cáo thường niên về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 2022. Báo cáo do GS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIA làm chủ biên, được xây dựng từ các tư liệu của nhiều tổ chức quốc tế uy tín như: Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF); Ngân hàng Thế giới (WB); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).
Theo thông tin thống kê, tính đến tháng 2/2023, Việt Nam đã thu hút được 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 440 tỷ USD.
Những năm qua, dòng vốn FDI đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của Việt Nam, để nâng cao chất lượng dòng vốn quan trọng này, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị và Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài đã được Chính phủ ban hành, nhằm tập trung thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, đóng góp hiệu quả hơn vào tăng trưởng kinh tế và có tác động lan toả đến doanh nghiệp trong nước.
Nhận thức rõ vai trò của thông tin với hoạt động đầu tư nước ngoài, từ năm 2021, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã nghiên cứu và công bố báo cáo thường niên về FDI, nhằm cập nhật xu hướng đầu tư trên thế giới và khu vực, cung cấp cho các nhà đầu tư, cơ quan nghiên cứu, cơ quan hoạch định chính sách về bức tranh toàn cảnh, khách quan về hoạt động FDI cũng như môi trường đầu tư, từ đó hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư.
Năm 2022, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt 22,39 tỷ USD
(Ảnh minh họa)
Trong quá trình soạn thảo báo cáo, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài đã tiến hành khảo sát 10 địa phương thu hút, sử dụng vốn FDI có hiệu quả kinh tế - xã hội cao để đánh giá, nghiên cứu và rút ra những bài học, tìm ra cơ hội, thách thức của Việt Nam trong nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn FDI.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện báo cáo, VAFIE cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn hàng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Điển hình như Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG, doanh nghiệp này đã gửi phiếu điều tra đến nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, giúp báo cáo có những nhìn nhận khách quan về môi trường đầu tư Việt Nam. Hay như Tập đoàn FinnGroup đã nghiên cứu và đánh giá sâu về hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập doanh nghiệp) tại Việt Nam, giúp độc giả có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về hình thức đầu tư M&A đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực VAFIE, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư: Báo cáo gồm 3 chương, được xuất bản cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó, chương I là tổng quan về FDI toàn cầu và ASEAN. Một số nhận xét, kết luận đáng lưu ý được đưa ra tại chương này là: FDI vào châu Á liên tục gia tăng trong 3 năm liền và đạt mới 619 tỷ USD vào năm 2021. Bên cạnh đó, FDI vào lĩnh vực tăng trưởng xanh tăng mạnh, năm 2021 tăng tới 70% so với năm 2020.
Về vấn đề ưu đãi thuế, trong số 100 quốc gia áp dụng ưu đãi thuế thì 39% là miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; 13% khuyến khích tái đầu tư thông qua trợ cấp tín dụng ưu đãi, khấu hao nhanh… nhiều nước đang chuẩn bị áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu theo nguyên tắc của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) từ năm 2024.
Chương II được dành cho việc đánh giá tổng quan tình hình thu hút và sử dụng vốn FDI tại Việt Nam, cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu tại chương này cho thấy, năm 2022, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt 22,39 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021, trong khi vốn FDI đăng ký mới đạt 27,71 tỷ USD, chỉ bằng 89% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giao dịch mua bán và sáp nhập doanh nghiệp năm 2022 cơ bản quay về thời điểm trước đại dịch, với tổng giao dịch đạt trên 5,1 tỷ USD.
Đặc biệt, nội dung tại chương II cũng cho thấy, các khu công nghệ, khu kinh tế tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, đã và đang hình thành nhiều khu công nghiệp sinh thái. Về môi trường đầu tư, kết quả điều tra cho thấy, có tới 68,5% doanh nghiệp FDI cho rằng, Việt Nam có những yếu tố thuận lợi so với các quốc gia khác khiến họ cân nhắc đầu tư tại đây. Tuy nhiên, những thủ tục hành chính, chất lượng kết cấu hạ tầng, dịch vụ công vẫn là những vấn đề nổi lên, cần được khắc phục giúp Việt Nam thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Chương III của báo cáo đề xuất định hướng, chính sách và giải pháp thu hút, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI năm 2023. Theo đó, một số nội dung cần tập trung tại chương này là, theo báo cáo của UNCTAD, FDI toàn cầu tiếp tục suy giảm, nhiều quốc gia tiếp tục sạng lọc FDI. Tuy nhiên, khả năng thu hút FDI của Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực, mặc dù vẫn còn không ít thách thức.
Để thực hiện hiệu quả định hướng thu hút FDI, báo cáo cho rằng, Việt Nam cần nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng FDI hướng mạnh vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia.
Cùng với đó, cần hoàn thiện thể chế, pháp luật, trong đó có việc nội luật hoá thuế tối thiểu toàn cầu, xử lý tốt quan hệ nội lực với ngoại lực; hiện đại hoá hạ tầng kinh tế - xã hội và đẩy mạnh cải cách hành chính quốc gia... là các giải pháp chính được đề xuất để tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả FDI năm 2023 và những năm tiếp theo.
Bình luận về báo cáo thường niên FDI vừa công bố, nhiều đại biểu cho rằng, báo cáo xây dựng và công bố là tài liệu hữu ích cho các nhà đầu tư, cơ quan quản lý và nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước./.
Thảo Lan
 
TAG: Báo cáo thường niên về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 2022 Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài VAFIE
Tin khác
Nhiều thương hiệu uy tín trong và ngoài nước tham gia Triển lãm quốc tế về làm đẹp năm 2024 tại Hà Nội
Triển lãm Contech Vietnam 2024: Cơ hội tiếp cận các giải pháp thi công tiên tiến, thân thiện với môi trường và  tiết kiệm chi phí
Ra mắt Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp và Công bố Báo cáo khung chỉ số khởi nghiệp quốc gia
Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh - Xu hướng tất yếu của sự phát triển
AEON Việt Nam và chiến lược định vị nơi làm việc bền vững
Hệ thống chỉ số ACE - Mô hình kích hoạt tăng trưởng bền vững  cho thương hiệu trên TikTok Shop
BIDV MetLife chính thức giới thiệu tân Tổng Giám đốc
Generali Việt Nam tiên phong ra mắt bộ hợp đồng bảo hiểm phiên bản thân thiện môi trường
Xu hướng kinh doanh ngành chăm sóc sắc đẹp - Ứng dụng chuyển đổi số