Nghiên cứu - trao đổi
Trang chủ / Nghiên cứu - trao đổi / Nghiên cứu - trao đổi
Cơ hội và định hướng cho sự phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch
11:08 AM 06/12/2022
(LĐXH) - Việt Nam với tiềm năng và thế mạnh về du lịch luôn coi trọng vai trò, vị trí chiến lược của ngành công nghiệp không khói trong việc phát tiển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm. Chuẩn bị nguồn nhân lực để “vực lại” vị thế của du lịch ở trạng thái bình thường mới đang được các cấp, các ngành quan tâm và có nhiều giải đồng bộ sau hơn 2 năm dịch Covid – 19 hoành hành…
Đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực ngành Du lịch là một trong những định hướng quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội
Cơ hội và thách thức…
Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định: “Mục tiêu đến năm 2025: Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Đến năm 2030: Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững...”
Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Với mục tiêu là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
Đặc biệt với lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp, năm 2022, là thời điểm bắt đầu triển khai chiến lược và nhiều chương trình, đề án quan trọng của GDNN: Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (QĐ 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021); Chương trình chuyển đổi số GDNN đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (QĐ 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021)....
Ở thời điểm này, nhiều dấu hiệu tích cực trong việc khống chế dịch bệnh COVID-19 ở khắp các dịa phương trên cả nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nhất là lĩnh vực du lịch đã được mở cửa trở lại góp phần phục hồi kinh tế đất nước. Hầu hết các trường đã trở lại hoạt động bình thường, công tác tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh và tổ chức đào tạo tại các địa phương, cơ sở GDNN trên cả nước đã sôi động trở lại…
Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn một số khó khăn, thách thức bởi lĩnh vực GDNN đã trải qua 2 năm hết sức khó khăn do dịch bệnh, lần đầu tiên sau nhiều năm, kết quả tuyển sinh các cấp trình độ trong GDNN đã không đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra (chỉ đạt 85% kế hoạch năm 2021). Trong 2 năm qua, nhiều ngành, nghề đào tạo đã rất khó khăn trong công tác tuyển sinh đặc biệt là lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn… Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch nếu như  năm 2019, Việt Nam có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch; năm 2020, gần 80% nhân sự trong lĩnh vực này bị cắt giảm; năm 2021, chỉ có 25% trong số còn lại làm đủ thời gian… Riêng về  số lượng tuyển sinh đối với 15 cơ sở GDNN du lịch được thực hiện vào tháng 9/2021 cho thấy trong đến tháng 9 năm 2021 số lượng tuyển sinh đã bị sụt giảm 32%; đến hết năm (tháng 12/2021) kết quả tuyển sinh 2021 chỉ bằng 50% so với năm 2019, giảm khoảng 50%.
Tại Hội nghị tuyển sinh ngành Du lịch vừa được Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức tại huyện Phú Quốc (Kiên Giang), T.S Trương Anh Dũng – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ: “Trước bài toán thiếu hụt nhân lực lao động hiện nay, nhất là trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng để đáp ứng được nhu cầu khi mà lĩnh vực này đang trở lại hết sức mạnh mẽ, chúng ta cần rút ra được những bài học quý giá trong việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động tuyển sinh. Đó là sự linh hoạt, hợp tác chặt chẽ trong tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm, sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong các hoạt động tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm. Chủ trương gắn kết nhà trường – doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là một phần không thể thiếu trong hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức nhiều chương trình ký kết hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty lớn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác, liên kết trong hoạt động đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực…".
Một số định hướng và giải pháp…
Trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh phục hồi kinh tế đất nước sau đại dịch, trách nhiệm của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong công cuộc đó là đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực lao động có tay nghề để tham gia vào thị trường lao động, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng khi mà mở cửa du lịch là một mũi nhọn đã được Chính phủ xác định là trọng tâm trong phục hồi kinh tế. Chính vì vậy, các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải trả lời được câu hỏi: Phải làm gì, làm như thế nào để giải quyết được những vấn đề ngay trước mắt và trong lâu dài về nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực ngành du lịch nói riêng?
Trải qua 2 năm dịch bệnh khó khăn các cấp các ngành và mỗi địa phương đã rút ra được những bài học quý giá trong việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động tuyển sinh, đó là sự linh hoạt và hợp tác chặt trẽ trong tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm, sự phối hợp giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp trong các hoạt động tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm. Xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở GDNN hợp tác, liên kết trong hoạt động đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực. Chủ động, khuyến khích doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo với vai trò là nhà đầu tư và đồng thời cũng là đối tác khách hàng cho chính “sản phẩm” của mình; Đẩy mạnh phong trào thi tay nghề trong các đơn vị sử dụng lao động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới thông qua việc bồi dưỡng tay nghề cho các cuộc thi...
Từ những định hướng này, thời gian qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã chủ động phối hợp với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt năm 2021, Tổng cục GDNN và Tập đoàn Sun Group đã tổ chức lễ ký kết chương trình hợp tác nhằm mục đích tăng cường kết nối hoạt động GDNN với cung ứng nguồn nhân lực, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Cũng nằm trong chương trình này, Tập đoàn Sun Group đã thực hiện việc ký kết thỏa thuận hợp tác cung ứng nguồn nhân lực với các địa phương, cơ sở GDNN như tại: Quảng Ninh, Đà Nẵng Hà Nội và các địa phương khác trong thời gian tới…
Bên cạnh đó, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cũng tổ chức nhiều Hội nghị, hội thảo, tọa đàm với nhiều nội dung liên quan đến phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững… Từ đó, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách cùng nhà quản lý về GDNN đưa ra các giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn trong bài toán tuyển sinh, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng… Tiếp đó, triển khai ngay những hoạt động hết sức cụ thể và ý nghĩa, đó là hoạt động ký kết hợp tác trong việc phối hợp đào tạo và cung ứng nhân lực giữa Tập đoàn SunGroup và các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội một số địa phương và với các cơ sở GDNN…
Thông qua chương trình ký kết hợp tác này, Tổng cục GDNN đề nghị các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tăng cường chỉ đạo các cơ sở GDNN tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Tập đoàn trong việc đào tạo, đào tạo lại và cung ứng nguồn nhân lực cho Tập đoàn. Phối hợp xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp, sát với yêu cầu sử dụng lao động và văn hóa của doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp cần tích cực phối hợp, tham gia vào các hoạt động đào tạo cùng với các nhà trường, sẵn sàng tiếp nhận học sinh sinh viên, giáo viên của các nhà trường đến thực hành, thực tập, làm việc bán thời gian và cuối cùng tiếp nhận người học vào làm việc sau khi tốt nghiệp ra trường.
Việc ký kết hợp tác cần được duy trì trong các giai đoạn tiếp theo để các cơ sở GDNN luôn đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng làm việc cho người lao động, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của Tập đoàn Sun Group nói riêng, của doanh nghiệp và thị trường lao động nói chung… Đặc biệt, là tuyển sinh, đào tạo trong lĩnh du lịch, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030…
Với khát vọng đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế công nghiệp vào năm 2035 và hiện đại hóa vào năm 2045, trong đó tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90% GDP, trên 70% lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, thì những kế hoạch và giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực sẽ giúp chúng ta tiếp tục nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội bền vững dựa trên nền tảng của định hướng chủ nghĩa xã hội ưu việt…/.
Nguyễn Hữu 
 
 
TAG: Cơ hội và định hướng cho sự phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch
Tin khác
Một số vấn đề giáo dục hướng nghiệp người lớn
Xác định tư cách pháp lý chủ thể doanh nghiệp trong thực tiễn hành nghề công chứng
Quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế
Hội thảo 'Kinh nghiệm của các nước về phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền và bài học cho Việt Nam'
Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại các cấp địa phương
Trách nhiệm của thanh niên khi tham gia không gian mạng
Kinh tế xanh ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức
Môi trường làm việc an toàn và lành mạnh là quyền cơ bản của người lao động
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay